Theo đuổi mỏ vàng
Việc ông Arne Kjetil Lian, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của Công ty Telenor (Na Uy) bày tỏ sự quan tâm của Telenor đến quá trình cổ phần hóa MobiFone đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của MobiFone với đối tác nước ngoài. Thậm chí, đại diện của Telenor còn ngỏ ý với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông rằng, Telenor muốn góp cổ phần chi phối, nhằm tham gia điều hành MobiFone và giới thiệu các dịch vụ viễn thông tại thị trường Việt Nam.
Mới đây, ông M. A Zaman, Chủ tịch Comvik International Vietnam AB đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để bày tỏ mong muốn đầu tư vào MobiFone.
Ông M. A Zaman nhắc lại việc Comvik đã từng hợp tác, phát triển hệ thống MobiFone suốt 15 năm (1990-2005). Với quá trình hợp tác và đầu tư lâu dài đó, Comvik tin tưởng rằng, họ có cơ hội và khả năng thành công tốt hơn để đầu tư vào MobiFone so với các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Có thể thấy, cuộc cạnh tranh chỗ trên chuyến tàu cổ phần hóa của MobiFone đang rất gay cấn.
MobiFone được ví như một mỏ vàng
Còn nhớ thời điểm cuối năm 2006, khi Chính phủ công bố cổ phần hóa, các tập đoàn viễn thông cũng tấp nập cập bến Việt Nam tìm kiếm cơ hội trở thành đối tác chiến lược của MobiFone. Những cái tên danh tiếng được nhắc đến là Orange France Telecom (Pháp), SingTel, Telenor, Comvik, T-Mobile, Vodafone… đều đưa ra những điều kiện hấp dẫn để có vé lên “chuyến tàu MobiFone”.
Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, việc cổ phần hóa MobiFone không tiến hành được. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hãng kiên trì theo đuổi tấm vé lên tàu MobiFone mà điển hình là Orange France Telecom (Pháp) liên tục 5 năm liền theo đuổi kế hoạch này.
Nguyên nhân khiến các đại gia quan tâm tới nhà mạng này là MobiFone được ví như một mỏ vàng. Theo Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone hiện chiếm 21,4% thị phần, chỉ sau Viettel (40,5%) và trên cả VinaPhone (19,88%). Doanh thu năm 2013 của MobiFone đạt 41.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 6.000 tỷ đồng.
Cách đây vài năm, đơn vị tư vấn cổ phần hóa của Mobifone là Credit Suisse đã định giá MobiFone với giá trị tương đương 2 tỷ USD. Nhưng mới đây, Công ty Chứng khoán HSC cho rằng, mức định giá này hiện không còn chính xác.
Theo HSC, với giả định mức P/E (giá trên thu nhập) quá khứ là 12 lần, thì giá trị hiện tại của MobiFone khoảng 3,4 tỷ USD, tương đương 72.000 tỷ đồng. Nếu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, HSC tin rằng, giá trị của MobiFone có thể lên đến hơn 4 tỷ USD khi Công ty tiến hành IPO.
Chọn đối tác nào?
Theo ông Mai Liêm Trực, người từng gắn bó nhiều năm với VNPT (đơn vị gây dựng MobiFone), việc chọn đối tác chiến lược cho MobiFone phải được thẩm định tốt để tìm đúng đối tác phù hợp nhất. MobiFone nên chọn những công ty, tập đoàn lớn để hợp tác vì họ sẽ gắn quyền lợi với trách nhiệm của mình để đưa MobiFone phát triển; còn cổ đông nhỏ lẻ thì thường chỉ hưởng lợi tức, chứ ít đóng góp cho chiến lược, tầm nhìn, cơ chế hoạt động.
“Khi nhiều công ty muốn trở thành cổ đông chiến lược của MobiFone thì họ phải cạnh tranh với nhau, sau đó sẽ có quá trình rà soát rất tỉ mỉ, từ đó mới chọn ra một cổ đông chiến lược cho Công ty. Đó là quy trình mà các nước đã sử dụng trong khi cổ phần hóa các công ty lớn như MobiFone”, ông Trực cho biết.
ÔNg Lê Nam Trà, Tổng giám đốc MobiFone cho biết, trong việc chọn đối tác, nhất là đối tác nước ngoài, MobiFone tập trung vào các tiêu chí, như có tiềm lực về tài chính, công nghệ, có kỹ năng, kinh nghiệm quản trị tốt... Kinh nghiệm từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Comvik là bài học rất bổ ích cho MobiFone trong việc lựa chọn đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Trà cũng từ chối tiết lộ danh sách các thương hiệu nằm trong “tầm ngắm” của MobiFone khi cổ phần hóa.
“Tôi không thể tiết lộ danh tính, vì đang trong quá trình họp bàn, chọn lựa”, ông Trà nói.
>>> Xem thêm clip: PGS. TS Lê Thanh Hải nói về tin nhắn của Vinaphone trong dịch sởi
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA