Luật sư "bóc mẽ" về bản chất của dịch vụ Uber taxi

Hoàng Đan |

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, Uber taxi là hoạt động kinh doanh chứ không phải chỉ là một phần mềm.

Liên quan đến vấn đề Bộ trưởng Đinh La Thăng ủng hộ dịch vụ taxi Uber, luật sư Nguyễn Đức Long, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Tín (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện nay, chúng ta chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về dịch vụ Uber taxi.

"Hiện nay, ở nước ta có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Trong đó có ngành nghề “kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải”, “kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách, cước tính theo đồng hồ tính tiền”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về ngành nghề kinh doanh dịch vụ Uber taxi", luật sư Long nói.

Cũng theo Luật sư Long, trong trường hợp chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về ngành nghề kinh doanh dịch vụ Uber taxi mà các lái xe Uber taxi vẫn hoạt động là vi phạm pháp luật.

"Loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Ở đây Uber taxi cũng là một ngành nghề kinh doanh dịch vụ bằng ô tô nên phải tuân theo các quy định của Luật Giao thông đường bộ cũng như các văn bản pháp luật khác.

Do đó, nếu chưa có văn bản quy định mà các lái xe Uber taxi vẫn hoạt động là vi phạm pháp luật", luật sư Long nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Đức Long
Luật sư Nguyễn Đức Long

Đồng quan điểm đó, luật sư Trần Đình Triển cũng bày tỏ, Uber taxi là hoạt động kinh doanh chứ không phải chỉ là một phần mềm.

"Uber taxi là một thành tựu khoa học về tin học, viễn thông đã được áp dụng trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, ở đây có diễn ra quan hệ trao đổi cung cầu với nhau, giữa một bên là khách đi xe và một bên là tài xế taxi nên không thể coi đây chỉ là phần mềm mà là hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Thêm vào đó, hoạt động này liên quan đến vận tải ô tô nên nó cũng phải được coi là ngành nghề, tuân theo các quy định cụ thể, rõ ràng của pháp luật.

Và đã là ngành nghề kinh doanh dịch vụ, khi chưa có văn bản quy định cụ thể mà vẫn hoạt động là vi phạm", luật sư Triển cho hay.

Mặc dù khẳng định dịch vụ này vi phạm pháp luật nhưng ông Triển cũng không phủ nhận những hữu ích của nó mang lại cho người sử dụng.

Ông Triển chia sẻ, nếu như trước đây, gọi điện qua tổng đài truyền thống, nhân viên sẽ thông báo qua hệ thống đàm thoại với tất cả các xe, để xe nào gần nhất đến đón khách.

Điều này dẫn đến việc có không ít trường hợp là nhiều taxi cùng ở gần điểm đó, cùng nghe và chạy xe tới đón khách. Ngoài ra, trong lúc chờ đợi, khi thấy taxi của hãng khác đi qua, khách hàng cũng có thể đón xe.

Điều này dẫn đến sự trùng lặp, mất thời gian và gây lãng phí không cần thiết về công sức và xăng xe.

Chưa kể, nhiều taxi dù, taxi của hãng khác, bằng cách nào đó, xâm nhập vào hệ thống liên lạc của tổng đài để chạy đến đón tranh khách.

"Còn đối với loại hình dịch vụ Uber taxi này, ở nhiều nước đã áp dụng và ở nước ta, tại Tp.HCM đã thực hiện, Hà Nội đang thí điểm thì sẽ không xảy ra tình trạng như vậy.

Bởi hành khách sẽ kết nối trực tiếp với tài xế taxi, nếu đồng ý thì đi còn không sẽ dừng. Đồng thời, các chi phí về thời gian, xăng xe cũng sẽ giảm đi.

Tôi cho rằng, Uber taxi là một loại hình mới đã được áp dụng trong thực tiễn xã hội, mang lại lợi ích cho người dân thì chúng ta cần chấp nhận nó", ông Triển bày tỏ.

Luật sư Trần Đình Triển.
Luật sư Trần Đình Triển.

Cần sớm ban hành quy định quản lý Uber taxi

Từ thực tế của dịch vụ Uber taxi, luật sư Triển cũng cho rằng, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT cần phải sớm có những quy định cụ thể để hướng dẫn việc quản lý hoạt động kinh doanh này.

"Ở đây, tôi cho rằng, Bộ Giao thông vận tải cần có những văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ Uber taxi này.

Làm được việc này sẽ quản lý tốt và tránh những thất thu cho ngân sách nhà nước

Còn đối với lái xe taxi, hãng taxi và nhà kinh doanh dịch vụ này cũng cần phải có một chế định pháp lý nhưng mang tính tùy nghi.

Tức là, họ chấp nhận hay không là tùy thuộc họ, còn pháp luật của chúng ta không nên cấm", ông Triển chia sẻ quan điểm.

Cũng với ý kiến trên, luật sư Long cũng nhấn mạnh sự rất đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Đinh La Thăng về việc nên sớm ban hành các văn bản pháp quy quản lý dịch vụ Uber taxi,

"Có thể nói dịch vụ Uber taxi là một loại hình kinh doanh mới xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, nó có quan hệ cung cầu. 

Thêm vào đó, dịch vụ Uber taxi mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nên như Bộ trưởng Thăng đã nhấn mạnh, chúng ta cần sớm ban hành các quy định để quản lý, tránh gây thất thoát thuế cho Nhà nước", luật sư Long nhận định.

Trước đó, trong buổi họp Ban cán sự đảng Bộ GTVT sáng 2/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng có đề cập đến hoạt động kinh doanh dịch vụ taxi Uber đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

“Rõ ràng là loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường. Chi phí thấp, người dân thấy lợi nhờ sử dụng dịch vụ này. Trên thế giới người ta đã ứng dụng rồi, vậy tại sao ta không làm", Bộ trưởng Thăng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại