“Nếu cứ thấy mới là cấm, Việt Nam sẽ lạc hậu”
Dù mới có mặt ở Việt Nam từ tháng 7/2014, nhưng dịch vụ taxi “lạ” thông qua phần mềm Uber đã làm “dậy sóng” lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách truyền thống tại TP.HCM.
Liên quan với dịch vụ taxi “lạ” đang gây tranh cãi suốt thời gian vừa qua, mới đây, trong cuộc họp ngày 2/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã đưa ra quan điểm đồng tình, ủng hộ loại hình kinh doanh này.
Bởi theo ông Thăng, “thể chế chính sách phải thật đơn giản, bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm”.
Cùng chung ý kiến với Bộ trưởng Thăng, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: Taxi Uber là một trong những dịch vụ kết nối giữa điện thoại di động và mạng internet để sử dụng ô tô thuận tiện hơn.
Ông Doanh cũng cho hay, những sáng kiến sáng tạo như trên sẽ diễn ra rất nhiều trong thời gian tới đây.
“Những sáng kiến như vậy khi xuất hiện đương nhiên là chưa có khuôn khổ pháp lý nhưng chúng ta phải xây dựng pháp lý để ủng hộ những gì có lợi. Chứ không nên có thái độ “thấy cái gì mới là lập tức ra lệnh cấm” – TS.Doanh nhấn mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, vị chuyên gia kinh tế này cũng lấy làm ngạc nhiên khi có không ít người phản đối dịch vụ Uber.
“Tôi nghĩ điều đó là không đúng và không hợp lý. Nếu thấy cái mới, chưa hiểu gì đã cấm đoán thì Việt Nam trở thành nước rất lạc hậu trong thế kỷ 21 này” – TS. Doanh chia sẻ.
“Nhà nước cần nỗ lực để có khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Uber đi vào hoạt động.
Nếu chưa thu thuế được thì tìm cách để bảo họ đăng ký để nộp thuế, đồng thời, có biện pháp để bảo đảm an toàn tốt hơn” - TS.Doanh nói.
“Uber có thể giết chết gần 20.000 đầu xe taxi ở Việt Nam”
Trái ngược với quan điểm của Bộ trưởng Bộ GTVT, một chuyên gia cho rằng: “Vấn đề không phải ở chỗ “không quản được thì cấm".
Điều đáng nói ở đây là cơ quan chức năng sẽ không kiểm soát được hoạt động của Uber".
Để minh chứng cho quan điểm của mình, vị chuyên gia đưa ra 4 "nhược điểm" của hoạt động dịch vụ đang trở thành tâm điểm của dư luận này.
“Uber là dịch vụ hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng. Nó không tính tiền như những xe taxi khác mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng.
Hoạt động kinh doanh kiểu này ai sẽ là người kiểm soát được số tiền, giá cước được hệ thống ước lượng? Và liệu số tiền thu của khách hàng là đúng hay không vì nó chưa có đăng kiểm?!” – chuyên gia này nói về bất cập đầu tiên của dịch vụ taxi Uber.
Thứ hai, theo chuyên gia, taxi Uber không đăng ký kinh doanh vận tải theo quy định của phát luật Việt Nam.
Trước đó, thứ trưởng Bộ GTVT đã từng khẳng định: Hoạt động vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải là trái với Luật Giao thông đường bộ và nghị định kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Thứ ba, cũng theo vị chuyên gia này, vì hoạt động trái luật nên Uber sẽ gây thất thoát thuế cho Nhà nước. Uber có quyền tăng giảm giá bất cứ lúc nào tùy thích, các cơ quan quản lý cũng không thể nào giám sát được.
Thêm vào đó, bất cứ ai có ô tô đều có thể triển khai dịch vụ này mà không cần đăng ký gì hết.
Tài xế tham gia loại hình chỉ cần có đầy đủ bằng cấp, giấy tờ xe, công ty cũng không ràng buộc doanh thu, thích thì chạy, mệt thì nghỉ. Họ được chia phần trăm dựa trên số tiền thu được của khách hàng.
Người lái taxi Uber cũng không chịu sự gò bó về thời gian, cũng không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào về điều kiện hành nghề.
Trong khi đó, các tài xế taxi thông thường khác chịu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật (khám sức khỏe định kỳ, tập huấn nghiệp vụ, quy định...).
“Như vậy, taxi Uber sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của các nhóm taxi hiện tại, có thể giết chết gần 20.000 đầu xe taxi ở Việt Nam. Bởi lẽ, những người hành nghề taxi phải đóng rất nhiều khoản phí trong khi taxi Uber thì không.
Có lẽ chính vì nguyên nhân này mà dùng Uber, giá cước luôn rẻ hơn taxi thông thường” – chuyên gia nhấn mạnh.
Người tiêu dùng gặp nhiều rủi ro?!
Ngoài những bất cập nêu trên, ông N - một chuyên gia về truyền thông (xin được giấu tên) cho biết, hoạt động kinh doanh này gây bất lợi cho người tiêu dùng. Điểm mấu chốt chính là vấn đề bảo hiểm cho khách hàng khi đi taxi.
“Taxi Uber không đăng ký hoạt động, không có bộ máy tổ chức nên không đảm bảo an toàn giao thông, không có trách nhiệm bảo hiểm cho người tham gia giao thông.
Hành khách được lợi một chút từ giá rẻ nhưng khi tai nạn xảy ra, khách là người thiệt thòi đầu tiên vì không nhận được bất kỳ hình thức bảo hiểm nào” – ông N. nói.
Ông N. cũng chia sẻ thêm: Tại Đức – một đất nước luôn đề cao dịch vụ tốt nhất cho con người, đã cấm tuyệt đối mô hình này vì Uber gây sức ép rất lớn lên ngành taxi của Đức.
Hơn nữa, Uber cũng bị cấm ở Đức vì chất lượng không ai đảm bảo được!
Khi Uber vào Việt Nam, nhiều nghi vấn cho rằng: Uber khai thác thị trường Việt Nam nhưng không đóng một đồng tiền thuế nào là hành vi trốn thuế.
Trước băn khoăn trên, ông Karun Arya – giám đốc truyền thông khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Uber đã trả lời trên Dân trí rằng: các doanh nghiệp đối tác (khoảng 200 công ty vận tải tại TPHCM) sẽ có trách nhiệm đóng thuế.
Nếu họ trốn thuế, phía cơ quan nhà nước có thể truy thu, bởi theo hợp đồng phía Uber trả tiền cho đối tác qua tài khoản. Tùy theo hợp đồng ký kết, Uber thanh toán mỗi tháng 1 – 2 lần.
Còn về nghi án Uber hoạt động mà không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, ông Karun khẳng định: Tại Việt Nam, đối tác của Uber là những công ty vận chuyển có đăng ký kinh doanh với nhà nước.
Bên cạnh đó, các phương tiện vận chuyển của đối tác cũng được kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và phải đăng ký bảo hiểm đầy đủ mới được kết nối tới người tiêu dùng.