Luật pháp cần bảo vệ những nhà sản xuất trong nước

PV |

Nhiều ý kiến phàn nàn về cách ứng xử của Tân Hiệp Phát, nhưng cũng có nhiều ý kiến tán đồng cách làm của doanh nghiệp này.

Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực để đào bới sự kiện “con ruồi 500 triệu”.

Có người nói anh Võ Văn Minh đang trong quá trình “đặc quyền dàn xếp” nên không thể bị quy kết là tội tống tiền và chưa xác định được chai nước là giả thì chưa phạm tội. Chưa phạm tội sao lại bắt người vội vàng như vậy.

Có một luật sư cũng cho rằng, quá trình điều tra và bắt giam của công an là chưa thực sự chặt chẽ, và còn cho rằng cách hành xử của Tân Hiệp Phát (THP) là sai cả về lý và về tình.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng hành vi của Võ Văn Minh đáng bị truy tố, cho dù ruồi trong chai nước có là lỗi của THP hay không.

Nhiều ý kiến phàn nàn về cách ứng xử của THP, nhưng cũng có nhiều ý kiến tán đồng cách làm của doanh nghiệp này.

Gần đây, Phó tổng giám đốc THP Trần Uyên Phương có gặp gỡ truyền thông để thông tin thêm về một số trường hợp bị bắt có liên quan đến công ty này.

Ngoài ra dư luận cũng phản ánh về việc một số sản phẩm của THP có “cặn bẩn trong chai” và hiện các vụ việc đang được làm rõ.

Chúng tôi có dịp tham khảo ý kiến của tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng thư ký Hiệp Hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học - Liên hiệp khoa học UIA về vấn đề này để thêm một cách nhìn khách quan.

Đây là ý kiến riêng của ông Vũ Thế Khanh, chúng tôi giới thiệu để rộng đường dư luận.

Ông Vũ Thế Khanh

Phóng viên: Có người cho rằng THP báo cho công an bắt quả tang Võ Văn Minh đang tống tiền, đó là thái độ “lật kèo” đối với người tiêu dùng, như vậy là vô lương tâm, là quay lưng với khách hàng...

Vậy cách ứng xử của THP có hợp tình hợp lý không?

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Nếu có kẻ lập mưu mang đồ quốc cấm bỏ vào nhà một người nào đó, rồi đe dọa tống tiền, khi chủ nhà phát hiện ra thủ đoạn tống tiền này liền trình báo với nhà chức trách dùng nghiệp vụ để tóm gọn đối tượng thì “chủ nhà” có bị coi là “lật kèo” không?

Một câu chuyện tương tự, vừa qua cô Ngô Thị Thúy H. (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị một phen tống tiền dã man: Kẻ tống tiền gọi điện thoại, nói rằng đang khống chế con cô ấy.

Chúng đòi chuyển 300 triệu đồng tiền chuộc và không được báo công an. Chỉ khi nào nhận được tiền thì chúng mới cho địa điểm để nhận con về.

Nếu không làm theo đúng yêu cầu ấy thì chúng sẽ chặt tay đứa trẻ.

Vậy, nếu cô H. phối hợp với công an hình sự để bố trí tóm gọn bọn tội phạm thì có gọi là “lật kèo” không? (cũng may, đường dây tội phạm này đã bị lực lượng công an hình sự tóm được, số tiền chúng trấn lột của các nạn nhân đã lên đến trên 32 tỷ đồng).

Dây chuyền sản xuất nước ngọt của Tân Hiệp Phát

Bút tích đã ghi lại chi tiết nội dung hiệp thương, Võ Văn Minh đòi 500 triệu để đổi lấy sự im lặng, chứ không phải do THP trả giá để mua chai nước có dị vật.

Việc đòi tiền của Võ Văn Minh cũng na ná như hành vi tống tiền bắt cóc trẻ con vậy.

THP biết chắc chắn rằng với dây chuyền khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế thì không thể có côn trùng (ruồi) lọt vào trong chai được, do vậy họ khẳng định chai nước ngọt mà Võ Văn Minh đang nắm giữ chính là “sản phẩm ngụy tạo”.

Nhưng Võ Văn Minh không chấp nhận đưa mẫu đi kiểm định mà chỉ khăng khăng đòi tiền.

Hành vi này không hề nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà thực chất chỉ là tạo thu nhập bất chính cho cá nhân Võ Văn Minh mà thôi.

Cho nên THP đã hợp tác với cơ quan công an để bắt tội phạm - đó là việc làm tuân thủ pháp luật, Võ Văn Minh tự chui đầu vào rọ chứ THP đâu có cài bẫy, và như vậy sao gọi là “lật kèo” được.

Nhiều thông tin cho rằng việc THP đẩy khách hàng vào vòng lao lý là việc không nên làm, không mang tính nhân văn?

Một người nào đó bị vướng vào vòng lao lý, trước hết là do chính họ đã gây ra tội lỗi, rồi mới bị pháp luật xử lý.

Viện kiểm sát và tòa án mới là cơ quan có quyền thụ lý hồ sơ và phán quyết tội trạng của đương sự theo trình tự của pháp luật.

Nếu như Võ Văn Minh đã uống (và có thể bị ngộ độc phải đi bệnh viện, hoặc có thể bị ảnh hưởng tiềm ẩn có hại cho sức khỏe sau này...) thì mới được gọi là “người tiêu dùng bị thiệt hại”.

Đằng này Võ Văn Minh lại chưa hề dùng sản phẩm, chưa hề thiệt hại gì về sức khỏe, mà chỉ đòi tiền để giữ “im lặng”.

Do vậy, Võ Văn Minh không hề đại diện cho tư cách của “người tiêu dùng bị thiệt hại”, mà chỉ là tòng phạm, lừa dối người tiêu dùng (nếu như thỏa hiệp với THP thành công).

Nếu bao che cho hành vi “dùng tiền để đổi sự im lặng” thì đó mới là cách ứng xử phi đạo đức trong kinh doanh, bất nhân và phản bội khách hàng.

Nếu kiểm định thấy “vật chứng” đã bị chính Võ Văn Minh ngụy tạo thì đương sự còn bị thêm tội “làm hàng giả để tống tiền nhà sản xuất”.

Từ đây, người tiêu dùng sẽ nhắc đến Công ty THP với biệt hiệu “nước ngọt có ruồi”.

Không những thế, còn có “trường phái” sưu tầm các chai nước ngọt có các dị vật để tống tiền và tạo làn sóng tẩy chay, ném đá THP. Ông có ủng hộ chủ trương của “trường phái” này không?

Điều đó đương nhiên cũng sẽ tiếp tục xảy ra nếu luật pháp chưa có biện pháp rốt ráo và mạnh tay nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà sản xuất và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Hiện nay công nghệ làm hàng giả rất tinh vi, người tiêu dùng thiếu kinh nghiệm tất sẽ bị kẻ làm hàng nhái qua mặt.

Việc ngụy tạo sản phẩm (bỏ ruồi, gián, ống hút hoặc rót nước bẩn) rồi đóng nút chai giống hệt như sản phẩm chính hiệu thì chẳng khó gì.

Những sản phẩm đóng chai cao cấp, tinh vi như chai rượu XO hoặc rượu Napoleon... còn làm giả được, huống chi làm giả chai nước của THP thì chẳng khó gì.

Giả sử chai nước có chất độc hại, THP và anh Võ Văn Minh thỏa hiệp thành công (thì anh Minh sẽ là người bao che cho điều xấu, ác mà không bị bắt), thì người tiêu dùng sẽ lãnh đủ những lô sản phẩm độc hại đó!

Ngược lại, nếu những chai nước có dị vật ấy không phải là sản phẩm chính hiệu của THP, mà đã bị ngụy tạo do anh Minh (hoặc của nhóm đối thủ cạnh tranh không lành mạnh) làm nhái rồi vu vạ tống tiền, thì liệu dư luận có nên ủng hộ hành vi phạm pháp ấy không?

Nếu luật pháp không bảo vệ những nhà sản xuất chân chính trong nước, nếu người tiêu dùng quay lưng với hàng hóa nội địa (cho dù hàng hóa đó vẫn đảm bảo chất lượng), và nếu các đối tượng làm hàng nhái, ngụy tạo sản phẩm để phá hoại uy tín của nhà sản xuất mà vẫn không bị trừng phạt thì nền sản xuất hàng hóa nội địa sẽ dần bị phá sản, phải nhường thị trường cho hàng ngoại, và kết quả cuối cùng là người tiêu dùng bị thiệt hại vì giá hàng ngoại thường cao hơn hàng nội.

Cảm ơn tiến sĩ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại