Sau vị “tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tình hình thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo báo cáo thì, “Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các nội dung đã hứa trước Quốc hội và cử tri toàn quốc”.
Tái cấu trúc ngành điện đạt bước tiến quan trọng
Luôn nằm trong các chất vấn dành cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là các vấn đề liên quan đến ngành điện.
Báo cáo nêu rõ, sau hơn một năm vận hành (từ 1/7/2012), thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả bước đầu tích cực. Như tạo ra các tín hiệu tốt để thu hút đầu tư mới trong lĩnh vực phát triển nguồn điện, tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện thông qua bản chào giá của nhà máy.
Đồng thời giá điện được hình thành theo quy luật cung cầu khách quan, tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện trong thị trường, thúc đẩy các nhà máy chủ động nâng cao hiệu quả cạnh tranh và giảm chi phí phát điện của các nhà máy.
Việc cải tổ ngành điện, tái cơ cấu tổ chức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), theo Bộ trưởng cũng được khẩn trương thực hiện để đảm bảo vận hành thị trường điện đạt hiệu quả cao. Với tính chất độc quyền tự nhiên, khâu truyền tải điện sẽ được nhà nước giữ độc quyền để đảm bảo an ninh cung cấp điện theo quy định tại Luật Điện lực. Các khâu phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện sẽ được tiếp tục thị trường hóa nhằm thu hút, đa dạng hóa nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, Bộ trưởng cho hay.
Quá trình từng bước giảm tính độc quyền kinh doanh điện, tái cấu trúc ngành điện được Bộ trưởng đánh giá đã đạt được một số bước tiến quan trọng. Theo đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia sẽ được chuyển đổi theo hướng thành đơn vị hạch toán độc lập 100% vốn nhà nước với chức năng vận hành hệ thống điện và thị trường điện, qua đó đảm bảo tính độc lập không trùng lợi ích với các đơn vị bán điện và mua điện.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức của các đơn vị trong thị trường điện và lộ trình tái cơ cấu ngành điện từng bước vững chắc, Bộ trưởng “hứa”.
9 tháng cấp thêm 6 giấy phép kinh doanh xăng dầu
Nhiều phen làm nóng nghị trường là việc điều hành giá xăng dầu. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã không ít lần trả lời trực tiếp các chất vấn về vấn đề này.
Báo cáo cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2013, đã cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho 6 thương nhân mới, thu hồi và ngừng cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 2 thương nhân đầu mối.
Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, những doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP đều có thể tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, vì vậy, việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền nữa, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo báo cáo, năm 2013 Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, với có 8 đợt điều chỉnh giá xăng dầu bám sát theo biến động của giá xăng dầu thế giới.
Việc điều hành giá xăng dầu được nhìn nhận là có tăng, có giảm nhưng cơ bản là giữ ổn định thông qua các biện pháp bình ổn giá của Nhà nước. Việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong những giai đoạn nhất định, không để giá xăng dầu trong nước tăng liên tiếp đẩy mặt bằng giá tăng và được cho là đã góp phần tích cực thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Khi giá thế giới hạ, cơ quan quản lý nhà nước kết hợp giữa giảm giá bán lẻ với khôi phục các công cụ đã dùng để bình ổn giá (thuế, quỹ bình ổn giá…) để hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, đồng thời có thêm điều kiện để sử dụng công cụ bình ổn trong trường hợp cần thiết.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho hay, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung tới 23/35 điều và bổ sung mới hai điều. Thủ tướng đã đồng ý xây dựng nghị định thay thế Nghị định 84 theo hướng khắc phục các bất cập trong quy định về thương nhân được phép kinh doanh xăng dầu, phương thức điều chỉnh giá, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá và đặc biệt là đảm bảo tính công khai, minh bạch; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên cơ sở thực hiện đúng nguyên tắc giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Bộ Công Thương đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị định này và ngày 18/9 đã trình Thủ tướng xem xét, báo cáo cho hay.