LiveTaxi ra đời sẽ không thua Uber trên sân nhà

Phương Nhi |

Trong khi, dịch vụ mới Uber taxi đang gây “sốt” thì ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Tp.Hà Nội cho rằng: Không khó gì để tạo ra ứng dụng cạnh tranh với Uber tại Việt Nam.

Phần mềm của Việt Nam không thua gì Uber

Mặc dù mới có mặt tại Việt Nam được hơn 4 tháng nhưng Uber đã nhanh chóng tạo ra cơn “sốt” trên thị trường taxi Việt bởi những tiện ích tích cực cho người dùng.

Chính vì vậy, khi Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM lên tiếng thông báo rằng: Tp.HCM sắp có ứng dụng LiveTaxi “made in Vietnam” không thua kém gì Uber, dư luận đã hết sức quan tâm.

Các tính năng của LiveTaxi được Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM liệt kê ra như sau: Xác định vị trí xe theo thời gian thực hiện để người dùng chọn xe gần nhất; Kiểm soát hành trình, tự tính tiền, tránh gian lận.

Đồng thời, LiveTaxi cũng xác định cước phí qua email, SMS để làm căn cứ giải quyết tranh chấp; Có dữ liệu để hãng xe quản lý tối ưu.

Thậm chí còn có ưu điểm hơn Uber nhờ có dữ liệu để cơ quan quản lý điều hành ngành cũng như phục vụ xã hội.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Tp.Hà Nội chia sẻ: Ông rất hoan nghênh Tp.HCM nếu thành phố này năng động, đi đầu trong việc tạo ra ứng dụng mới cho ngành taxi Việt Nam.

Ông Liên cũng khẳng định: LiveTaxi ra đời sẽ không thua Uber trên sân nhà.

“Không khó gì để tạo ra ứng dụng cạnh tranh với Uber tại Việt Nam. Bởi như chúng ta đã biết, công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay phát triển tới mức chóng mặt.

Riêng việc chế tạo phần mềm kết nối như Uber, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được” – ông Liên nói.

Tuy nhiên, sở dĩ chúng ta chậm chân hơn so với các nước khác, theo lý giải của ông Liên là bởi vì: Việt Nam là nước đang phát triển, việc áp dụng CNTT vào các ngành nghề còn hạn chế, không riêng gì taxi.

TP.HCM sẽ có ứng dụng LiveTaxi “không thua kém“ Uber.

Tp.HCM sẽ có ứng dụng LiveTaxi “không thua kém“ Uber.

Chúng ta có nhân lực, có kỹ thuật, có máy móc thiết bị nhưng lại chưa có đủ kinh phí để đầu tư, thực hiện các dự án về công nghệ. Lâu nay, Việt Nam vẫn chỉ làm thủ công và áp dụng CNTT một phần, nhỏ lẻ.

“Ví dụ như, trong ngành giao thông vận tải, nếu áp dụng CNTT, dùng phần mềm tích vào vé thì sẽ biết ngay một ngày, trên một tuyến có bao nhiêu xe và bao nhiêu khách.

Nhưng cho tới giờ, việc này chúng ta vẫn lúng túng, dẫn tới việc quản lý cũng như thu thuế trở nên khó khăn” – ông Liên tâm sự.

Ông cho biết: Trước đó, ở Hà Nội, ông cũng từng đề xuất làm tổng đài trượt để trượt số từ hãng taxi này sang hãng taxi kia. Khi khách điện thoại, cuộc gọi sẽ chuyển về các hãng taxi, từ đó, các hãng sẽ điều phối xe gần nhất.

Tuy nhiên, phương án này không được thực hiện bởi các doanh nghiệp taxi chưa ngồi lại với nhau để thống nhất đưa ra phương án tối ưu.

Do đó, nếu Tp.HCM tạo ra được các ứng dụng LiveTaxi với các tính năng không thua kém gì Uber sẽ giúp ngành taxi Việt Nam phát triển, nâng cao trình độ và cung cách phục vụ tốt hơn cho người dân.

LiveTaxi không ảnh hưởng tới “nồi cơm” của taxi truyền thống

Khác với Uber vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ Hiệp hội Taxi Tp.HCM, LiveTaxi chưa đưa vào ứng dụng đã nhận được nhiều sự ủng hộ.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Tp.Hà Nội Bùi Danh Liên nói: “Cứ có phần mềm đưa đến là các taxi Việt sẵn sàng sử dụng ngay.

Phần mềm LiveTaxi này ra đời sẽ rất tốt cho các hãng taxi và không hề ảnh hưởng tới “nồi cơm” của gần 20.000 taxi truyền thống.

Chứ nó không như Uber chẳng khác nào taxi “dù”, taxi “cò”, không chịu trách nhiệm về thuế, không chịu đăng ký kinh doanh, không chịu trách nhiệm về an toàn cho người sử dụng,…”.

Nếu Tp.HCM tạo ra được các ứng dụng LiveTaxi với các tính năng không thua kém gì Uber, sẽ giúp ngành taxi Việt Nam phát triển, nâng cao trình độ và cung cách phục vụ tốt hơn cho người dân.
Nếu Tp.HCM tạo ra được các ứng dụng LiveTaxi với các tính năng không thua kém gì Uber, sẽ giúp ngành taxi Việt Nam phát triển, nâng cao trình độ và cung cách phục vụ tốt hơn cho người dân.

Mặc dù theo đánh giá, LiveTaxi có nhiều tiện ích cho khách hàng nhưng ông Liên nhấn mạnh: vẫn phải duy trì song song 2 mô hình: taxi truyền thống và taxi sử dụng phần mềm này.

Bởi một bộ phận người Việt vẫn chưa quen với việc thanh toán trực tuyến. Với 1 thị trường quen sử dụng tiền mặt như Việt Nam, việc người sử dụng dùng các loại thẻ Visa để gọi dịch vụ không phải phổ thông.

Chính vì vậy, ai có điều kiện, có điện thoại thông minh, có kết nối trực tuyến bằng 3G hay wifi thì có thể sử dụng ứng dụng phần mềm mới LiveTaxi trên. Còn không thì vẫn dùng kiểu taxi truyền thống.

“Cũng như chợ bình dân vẫn tồn tại bên cạnh các siêu thị cao cấp. Ai muốn mua hàng dân dã thì ra chợ, còn muốn mua hàng đẳng cấp thì vào siêu thị. Điều này phụ thuộc vào nhu cầu của người dân” – ông Liên chia sẻ thêm.

Để LiveTaxi đi vào hoạt động tại Việt Nam, theo ông Liên, ứng dụng này phải là liên kết giữa các doanh nghiệp taxi trong nước với nhau.

Tức là các doanh nghiệp taxi sử dụng phần mềm đó đều đã đăng ký hoạt động kinh doanh, có trách nhiệm nộp thuế và tuân thủ các quy định về vận tải.

Ngoài ra, “tôi nghĩ LiveTaxi cần đưa ra thí điểm. Vì nó là vấn đề kỹ thuật, ban đầu có thể sẽ trục trặc.

Khi nào được dân tán thành, doanh nghiệp tán thành thì mới đi vào hoạt động và sử dụng rộng rãi được. Cái gì mới cũng phải hết sức thận trọng!” – ông Liên nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại