Lộ diện đại gia cáp treo nghìn tỷ
Trong vài ngày qua, nhiều người bất ngờ trước thông tin một đại gia Việt khởi nghiệp từ Đông Âu bỏ hàng nghìn tỷ đồng khởi công xây dựng hệ thống cáp treo với hàng loạt các kỷ lục tầm vóc thế giới lên Nóc nhà Đông Dương – đỉnh núi Fansipan.
Đây được coi là hệ thống cáp treo dài nhất, cao nhất và phức tạp nhất thế giới, đánh bại tất cả các kỷ lục thế giới mà Bà Nà Hills cũng do ông đầu tư được công nhận hồi cuối tháng 3/2013. Khi cáp treo này đi vào hoạt động (9/2015), kỷ lục cáp treo do tổ chức Guinness World Records công bố trước đó sẽ thành dĩ vãng.
Vậy ai là chủ sở hữu của hàng loạt dự án cáp treo bậc nhất này trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chìm ngập trong khó khăn?
Tất cả đều thuộc Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group), do doanh nhân trẻ tuổi Lê Viết Lam (1969) điều hành. Đây là một tập đoàn khá non trẻ nhưng đã được biết đến ở Việt Nam. Tuy nhiên, người đứng sau tập đoàn này lại rất hiếm khi được nhắc tới như một phong cách thường thấy ở nhóm các doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu rồi mang tiền về Việt Nam đầu tư.
Thủy sản: Chết vẫn chết, giàu vẫn giàu
Dù thời gian qua, nhiều đại gia thủy sản điêu đứng vì nợ nần nhưng không thể phủ nhận đây là lĩnh vực hiếm hoi trong nhóm ngành nông nghiệp có nhiều đại gia trên sàn chứng khoán.
Thống trị lĩnh vực tôm xuất khẩu, ông Lê Văn Quang- Chủ tịch Minh Phú từng có một thời gian dài là doanh nghiệp lớn nhất ngành thủy sản. Hiện ông Quang cùng các thành viên trong gia đình và công ty đầu tư riêng đang nắm giữ hơn 62% cổ phần của Minh Phú, tương ứng với số cổ phiếu có giá trị hơn 1.120 tỷ đồng.
Cùng trong giới đại gia thủy sản, ông Dương Ngọc Minh – chủ tịch Hùng Vương đang nắm giữ giá trị cổ phiếu là 1.015 tỷ đồng.
Thông qua những cuộc thâu tóm nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị, hiện nay Minh Phú đã vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn nhất ngành thủy sản trên nhiều tiêu chí như doanh thu, lợi nhuận quy mô tài sản lẫn vốn hóa thị trường.
Ngành nghề chính của Hùng Vương là chế biến cá tra xuất khẩu và công ty đang có những động thái rõ ràng trong việc tiến vào lĩnh vực xuất khẩu tôm hiện do Minh Phú thống trị.
Chủ tịch Hùng Vương, ông Dương Ngọc Minh đang nắm giữ hơn 36% cổ phần của công ty, số cổ phiếu này hiện có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, qua đó đưa ông Minh là doanh nhân duy nhất của ngành nông nghiệp đứng trong top 10 người giàu nhất TTCK.
Sở hữu khối tài sản nghìn tỷ và đã ngoài 50 tuổi nhưng ông Minh đang độc thân.
BĐS đình trệ, đại gia tôn và thép vẫn kiếm ngàn tỷ
Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, hai đại gia Lê Phước Vũ - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Trần Đình Long - người điều hành Tập đoàn Hòa Phát vẫn biết cách mang về cho mình hàng nghìn tỷ đồng.
Công bố của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho thấy, chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ hiện đang nắm giữ gần 43 triệu cổ phiếu HSG. Với số cổ phiếu khổng lồ này, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2013 đại gia này đang nắm giữ khoảng 44,5% vốn HSG.
Việc giá cổ phiếu HSG tăng mạnh trong gần 5 tháng đầu năm 2013 và liên tục giữ giá cao đã khiến cho tài khoản của đại gia Lê Phước Vũ không ngừng tăng mạnh.
Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy, tính riêng năm 2013, đến thời điểm hiện tại đại gia Lê Phước Vũ đã thu về khoảng 830 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc tài khoản của đại gia này đạt tới con số trên 1.600 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 100% số tiền trong tài khoản.
Ngoài đại gia Lê Phước Vũ, ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long cũng có mức tăng ấn tượng không kém. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng tài sản của đại gia Trần Đình Long là hơn 1,7 lần trong 10 tháng đầu năm.
Trầm Bê - Đại gia bí ẩn ngành ngân hàng
Ngày 26/5/2012, ông Trầm Bê và con trai là ông Trầm Khải Hòa đã được bầu vào HĐQT của Ngân hàng Sacombank.
Ông Trầm Bê là người đi lên từ BĐS. Từ năm 1994-1999 ông là phó Ban quản lý dự án Khu dân cư An Lạc Bình Trị Đông. Từ năm 1999 đến nay là thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI).
Tuy nhiên, ông Bê có phần nổi tiếng hơn trong lĩnh vực ngân hàng với vai trò là cổ đông lớn và Phó Chủ tịch Ngân hàng Phương Nam.
Trên sàn chứng khoán, ông Bê sở hữu 2,21 triệu cổ phiếu BCCI, tương ứng 3% vốn điều lệ CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh. Bên cạnh đó còn có 115 nghìn cổ phiếu STB.
Lượng cổ phiếu này hiện có trị giá hơn 40 tỷ đồng.
Tính đến giữa năm 2012, ông Bê và 2 con Trầm Thuyết Kiều, Trầm Trọng Ngân nắm giữ gần 20% cổ phần của Ngân hàng Phương Nam.
Lê Ân - đại gia du lịch
Nhắc đến lão đại gia Lê Ân là người ta nhắc đến ông chủ của Làng du lịch Chí Linh (TP. Vũng Tàu) với 6 đời vợ và mức độ giàu có của đại gia này vẫn luôn gây sự tò mò cho nhiều người.
Khởi đầu sự nghiệp kinh doanh của mình từ những năm 1958, lão đại gia đã trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, thậm chí có lúc Lê Ân phải ăn cơm tù.
Mới đây, trong một tiết lộ với báo chí đại gia Lê Ân cho biết, hiện tổng tài sản của ông trên 2.000 tỷ đồng. Ngoài khai thác Làng du lịch rộng 14 ha ven biển thành phố Vũng Tàu, ông còn kinh doanh dịch vụ lưu trú, bất động sản và hiến 1.500 tỷ đồng cho Quỹ từ thiện Lê Ân gồm tiền mặt và tài sản của Làng du lịch Chí Linh rộng 14ha.
Tỷ phú Forbes đầu tiên của VN
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, 45 tuổi, xếp thứ 974 trong danh sách 1.426 người giàu nhất thế giới do Forbes công bố tháng 3/2013, là người Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách này.
Ông Phạm Nhật Vượng, đã vươn lên trở thành tỷ phú USD với bước đầu khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền ở Ukraina và sau đó đã sáng lập nên công ty BĐS lớn nhất ở Việt Nam. Hiện ông Vượng đang xây dựng 8 dự án BĐS đa năng tại các vị trí đắc địa ở Việt Nam với tổng chi phí dự kiến hơn 4 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng và vợ, bà Phạm Thu Hương, hiện nắm giữ khoảng 50% số cổ phiếu của Vingroup, doanh nghiệp lớn thứ 5 ở Việt Nam về giá trị vốn hóa thị trường.
Ông Vượng bắt đầu đầu tư về Việt Nam từ năm 2001. Đó cũng là thời điểm mà ông thành lập nên công ty du lịch khách sạn mang tên Vinpearl. Năm 2002, ông thành lập Vincom, công ty chuyên phát triển các dự án BĐS thương mại và nhà ở trung - cao cấp.
Vinpearl và Vincom đều là công ty niêm yết và đã sáp nhập thành Vingroup trong năm nay. Hiện Vingroup đang nắm lợi ích kiểm soát trong 19 dự án BĐS đa năng và nghỉ dưỡng mà tập đoàn này đang xây dựng tại Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên và Đà Nẵng.
Tỷ phú này cũng cho biết, ông có tham vọng xây các dự án địa ốc ở Singapore và Hồng Kông, nơi có những công ty BĐS vào hàng lớn nhất của châu Á.