Đồng ý tăng giá điện nhưng...
Trước đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc tăng giá điện lên 1.652 đồng, tương ứng tăng 34 đồng/kWh, biên độ 9,5%, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam bày tỏ quan điểm đồng tình với EVN về việc tăng giá điện vào thời điểm này.
Theo ông Ngãi, hiện các hồ thủy điện đang vào mùa cạn, than đang phải nhập khẩu, giá bán than cho điện cũng tăng từ 4-10%... Ngoài ra, các yếu tố khác như tỷ giá, giá khí cũng tăng khiến chi phí đầu vào tăng theo.
Song ông Ngãi lưu ý rằng, thời điểm cuối năm không nên điều chỉnh giá điện một cách thái quá, do động thái này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng.
Ngoài ra, cũng theo ông Ngãi, một biện pháp quan trọng nhằm giảm chi phí sản xuất điện nằm ở việc EVN có thể cắt giảm nhân sự của ngành.
"Nhân lực của EVN 110.000 người là nhiều quá, quá tốn kém nên giảm bớt số lượng, đẩy mạnh cổ phần hóa các nhà máy điện, tăng năng suất lao động mới giảm được chi phí, giá thành", ông Ngãi đề xuất.
Được biết, đề xuất của EVN đang được Bộ trưởng Bộ Công thương giao Cục Điều tiết điện lực chủ trì phối hợp với Tổng cục Năng lượng và EVN nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện. Báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, các bộ ngành liên quan cũng đang đưa ra các phương án cân nhắc do việc tăng giá điện ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và các ngành sản xuất, kinh doanh khác.
Trong khi đó, theo quy định tại Quyết định 69 ban hành tháng 11/2013 của Chính phủ, EVN được quyền tăng giá điện trong phạm vi 7%; từ 7% - 10% thì tập đoàn phải xin ý kiến Bộ Công Thương; từ trên 10% mới phải xin ý kiến Thủ tướng.
Thời gian tối thiểu giữa 2 lần tăng giá điện là 6 tháng.
Giá điện Việt Nam cao hay thấp?
Lần gần đây nhất giá điện của Việt Nam được điều chỉnh tăng cách đây 16 tháng và với mức giá hiện tại, một số nhà đầu tư đến từ châu Âu cho rằng, giá điện cần phải tăng cao hơn nữa.
Đồng thời cũng đưa ra so sánh giá điện Việt Nam (7 cent Mỹ/kWh) so với Australia (22 - 46,56 cent Mỹ/kWh), Trung Quốc (7,5 - 10,7 cent Mỹ/kWh), Đức (31,41 cent Mỹ/kWh), Ấn Độ (8 - 12 cent Mỹ/kWh), Indonesia (8,75 cent Mỹ/kWh), Nhật Bản (20 - 24 cent Mỹ/kWh), Malaysia (7,09-14,76 cent Mỹ/kWh), Philippines (30,46 cent Mỹ/kWh)...
Vì vậy, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cho rằng, việc duy trì giá điện như hiện nay sẽ không hiệu quả đối với chiến lược phát triển ngành theo hướng tăng trưởng xanh, đồng thời cản trở nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực phát điện.
"Việt Nam đã cho phép nhiều nhà thầu đầu tư vào các nhà máy điện. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn ngần ngại vì giá mua quá thấp", bà Nicola Connolly, Chủ tịch EuroCham Việt Nam đánh giá.
Chủ tịch EuroCham cũng thông tin, một số công ty châu Âu đã đến Việt Nam rồi đi vì họ không nhìn thấy hiệu quả đầu tư khi giá ở mức như hiện tại.
Theo đó, EuroCham cho rằng giá điện của Việt Nam cần được điều chỉnh tăng lên 11,5 xu Mỹ/kWh, tương đương gần 2.500 đồng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc so sánh giá điện Việt Nam với một số quốc gia khác trong đó có Mỹ để khẳng định giá điện Việt Nam ở mức thấp là khập khiễng do thu nhập bình quân của Việt Nam thua xa.