Một lần nữa những sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại được Kiểm toán Nhà nước “khui” ra trong báo cáo kiểm toán vừa được công bố sáng 25/7.
Giá điện tăng do EVN phân bổ lỗ không hợp lý
Sau nhiều năm kinh doanh lỗ nặng, năm 2012 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại công bố lãi lớn, gần 6.000 tỷ đồng, doanh thu 143.000 tỷ đồng. Song, hoạt động kinh doanh của EVN lại vướng khá nhiều sai phạm nghiêm trọng, bởi nếu không đáng lý giá điện đã có thể giảm, chứ không phải tăng trong năm 2012.
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, EVN không đăng ký tiêu thức phân bổ, phân bổ không đúng tỷ lệ đối với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá theo lộ trình tại phương án giá bán điện.
Nói rõ hơn về việc EVN phân bổ sai nguyên tắc, ông Nguyễn Hồng Long – Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành 6 cho biết, chênh lệch tỷ giá được kết chuyển vào kết quả kinh doanh năm 2012 của EVN là 10.535 tỷ đồng, khoản lỗ những năm trước phân bổ trong năm 2012 là 10.482 tỷ đồng. Tổng cộng các khoản lỗ phân bổ là trên 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay tổng số lỗ vẫn phải xử lý là 18.140 tỷ, trog đó 15.114 tỷ là chênh lệch tỷ giá, còn lại là lỗ do kinh doanh.
Sở dĩ khoản lỗ cho chênh lệch tỷ giá của EVN chiếm tỷ lệ lớn, ông Long cho rằng, đây là sự “cộng dồn” trong 10 năm mà các đơn vị EVN đã vay để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, từ lúc tỷ giá ngoại tệ chỉ 13.000 – 14.000 đồng/USD, cho tới lúc tỷ giá lên tới trên 21.000 đồng/USD. Còn phần lỗ trong kinh doanh chủ yếu do giá bán điện của EVN hiện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất.
Tuy nhiên, phần phân bổ chênh lệch tỷ giá của EVN không hợp lý và tập đoàn này cũng đã “quên” đăng ký với các cơ quan quản lý trong quá trình phân bổ. Đáng lý, theo phương án bán giá điện đã được EVN xây dựng thì khoản chênh lệch tỷ giá chỉ được phân bổ khoảng 7,9% vào giá thành điện, song thực tế EVN đã phân bổ “vượt mức” lên tới 30%.
“Việc phân bổ như vậy không nhất quán và EVN đã không ký với các cơ quan chức năng” – ông Long cho hay.
“Nếu không tính toán chi phí phát sinh thì giá thành điện năm 2012 đã giảm 12.660 tỷ đồng, tương đương giá thành giảm đi 120 đồng/kWh” – ông Long chia sẻ.
Yếu tố nữa ảnh hưởng tới giá thành điện năm 2012 là, tại thời điểm 31/12/2012, EVN bổ sung vốn 63.000 tỷ đồng từ nguồn chênh lệch kiểm kê do đánh giá tài sản. Trong năm 2012 việc này không ảnh hưởng, nhưng sang năm 2013 giá thành điện phải tăng chi phí lớn, ước tính khoảng 6.300 tỷ đồng/năm, và như vậy giá thành điện năm 2013 cao hơn 2012 là 62 đồng/kWh.
Cùng với đó, chính sách trợ giá than cho sản xuất điện thay đổi trong năm 2012, từ 28-42%/tùy loại. Nếu tính theo giá than, khí thị trường thì giá than, khí bán cho ngành điện cả năm 2012 chênh khoảng 12.063 tỷ đồng. Giá than bán cho điện tăng điện tăng thêm khoảng 34 đồng/kWh.
Trong khi KTNN khẳng định năm 2012 EVN đã phân bổ chênh lệch tỷ giá vào giá điện, thì lãnh đạo EVN lại nói không. Trong lần trả lời báo chí về nguyên nhân tăng giá điện 2 lần trong năm 2012, ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám đốc EVN lại quả quyết, đợt điều chỉnh giá điện năm 2012 là để bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá bán than cho điện, tăng giá khí và quyết toán sản lượng vượt bao tiêu khí và còn khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá thực tế chưa được đưa vào giá điện năm 2012, mà chỉ đưa vào các khoản nợ đã đến hạn. Bởi, EVN lo lắng, nếu đưa con số lỗ do tỷ giá vào giá điện sẽ tăng áp lực lên giá bán điện tới người dân.
Nếu EVN phân bổ đúng, đáng lý giá điện năm 2012 có thể giảm chứ không phải tăng như thực tế đã diễn ra.
EVN ưu ái con “cưng”?
Cũng theo báo cáo kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước, trong số các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) “dính” khá nhiều sai phạm, như phản ánh không đúng doanh thu, chi phí; quan hệ mua bán giữa công ty mẹ và công ty con/công ty liên kết chưa đảm bảo tính khách quan, không đúng quy định.
Cụ thể, năm 2012 Công ty mẹ EVN nâng giá mua điện của 2 nhà máy điện (Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Uông bí, Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Cần Thơ) 865,8 tỷ đồng, giảm giá bán điện cho 5 tổng công ty điện lực 1.717 tỷ đồng để hỗ trợ bù lỗ cho các đơn vị này năm 2011.
Liệu đây có phải là dấu hiệu chuyển giá của EVN với các công ty con?
”Các đơn vị trên đều là 100% vốn của EVN, nên để đảm bảo báo cáo tài chính được minh bạch, có thể làm việc với các cơ quan tài chính trong nước – nước ngoài, thì việc xử lý trên báo cáo tài chính là phù hợp về mặt hoạch toán kế toán”- ông Long trấn an.
Còn việc EVN nâng giá bán điện trong các đơn vị nội bộ, ông Long thừa nhận, việc làm này của EVN chưa đảm bảo khách quan.
Nói riêng về 2 đơn vị mua tăng giá điện để bù lỗ là Nhà máy điện Uông Bí (865 tỷ), NMĐ Cần Thơ, đây là 2 đơn vị cổ phần. Uông Bí được bù lỗ vì cũng thực hiện nhiệm vụ như trên còn NMĐ Cần Thơ là nhà máy chạy dầu với giá thành điện 36.000 đồng/số - cao gấp 36 lần các nhà máy bình thường do sản lượng điện của nhà máy chạy dầu là để phục vụ bù khi xảy ra sự cố đường dây, thường chỉ từ 700-1.000 đồng/kWh. Trong năm 2012, sản lượng của nhà máy này chỉ đạt 7% - giảm 93% so với công suất phát 2011 nhưng vẫn phải chịu tất cả các chi phí bảo dưỡng duy tu.
>>> Xem thêm clip: EVN giải quyết thắc mắc hóa đơn tiền điện thế nào?
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA