Trong báo cáo mới đây của SCIC doanh thu tài chính năm 2012 của đơn vị này chỉ đạt 1.568 tỉ đồng do chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, còn 8%/năm so với mặt bằng chung năm 2011 là 14%/năm.
Như vậy với so tiền lãi lên đến 1.568 tỉ đồng, ước tính tổng số tiền SCIC mang gửi tại các ngân hàng năm 2012 có thể lên tới 19.600 tỉ đồng. Con số này tăng mạnh so với năm 2011 (số tiền mang gửi ngân hàng ước trên 10.500 tỉ đồng, lãi thu về khoảng 1.479 tỉ đồng).
Việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đơn vị giữ quyền đại diện vốn nhà nước sử dụng phần lớn nguồn vốn này để gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Theo đó, vấn đề được quan tâm nhất lúc này chính là tính hợp lý và hiệu quả mang lại từ cách làm của SCIC nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang “khát” vốn để thực hiện các đề án tái cấu trúc doanh nghiệp, đầu tư sản xuất.
SCIC đang làm khó doanh nghiệp Việt
Liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn của SCIC, trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) cho biết: “Việc SCIC sử dụng hàng chục ngàn tỉ đồng nguồn vốn nhà nước gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi như báo chí đưa tin là vấn đề lớn mà ông Chủ tịch HĐQT ở đây là Bộ trưởng Bộ Tài chính và các thành viên HĐQT nên lên tiếng trả lời công luận”.
Theo TS Lê Đăng Doanh, SCIC nằm dưới sự quản lý của Bộ Tài chính, nơi có những con người có chuyên môn, có tầm nhìn chiến lược kinh tế mà lại mang tiền gửi ngân hàng lấy lãi thì cần phải xem xét lại. “Ở đây khi ông có tầm nhìn, có tính chuyên môn, chuyên nghiệp lại không tìm ra cơ hội để kinh doanh lại đi gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi thể hiện sự ỷ lại, kém năng động” – TS Lê Đăng Doanh nói.
Đánh giá tác động sau việc SCIC dùng vốn nhà nước gửi ngân hàng TS Lê Đăng Doanh cho rằng, người gặp khó khăn chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“SCIC dùng nguồn vốn nhà nước gửi ngân hàng lấy lãi sau đó ngân hàng lấy nguồn tiền này chia nhỏ cho các doanh nghiệp vay lại với số lãi cao hơn. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi muốn có nhu cầu về vốn để tái cầu trúc hay đầu tư sản xuất. Như vậy vô hình chung SCIC đang gián tiếp làm khó doanh nghiệp Việt. Vì thế cần xem xét lại hoạt động của SCIC để đơn vị này hoạt động tốt hơn nữa” – TS Lê Đăng Doanh cho biết thêm.
Nguồn vốn nhà nước phải vận hành chung theo chỉ đạo của Chính phủ
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế của Viên nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, việc SCIC dùng hàng chục tỉ đồng vốn nhà nước gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi là vấn đề đang gây ra nhiều tranh cãi. Theo TS Phong, câu hỏi đặt ra ở đây là “Tại sao SCIC lại làm như vậy?” vì nó cho thấy một cái gì đó không bình thường đằng sau câu chuyện này.
Trước câu hỏi này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Có hai cách lý giải cho việc làm của SCIC. Thứ nhất là các đề án tái cấu trúc doanh nghiệp có những đề án nhỏ riêng do các cấp có thẩm quyền phê duyện và cấp phát các nguồn vốn riêng. Trong khi đó phía SCIC sẽ hoạt động theo luật và quy định riêng của mình.
Như vậy sẽ có sự tách rời giữa nhu cầu về vốn và các hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp trong khu vực nhà nước cũng như nền kinh tế nói chung.
Thứ hai, khi SCIC không dùng vốn thì câu hỏi đặt ra là anh gửi vào đâu? Trả lời câu hỏi này rất đơn giản vì theo tất cả các nguyên tắc, đảm bảo tính an toàn, sinh lời thì chỉ có thể gửi ngân hàng.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động nguồn vốn nhà nước, theo TS Nguyễn Minh Phong cần phải điều chỉnh lại cơ chế hoạt động của SCIC. “Ở đây nếu cần điều chỉnh trước hết phải xem xét lại cơ chế hoạt động của SCIC với tư cách là doanh nghiệp nắm quỹ tiền lớn của nhà nước, phục vụ cho tái cấu trúc không chỉ cho doanh nghiệp nhà nước hay khu vực kinh tế nhà nước mà nó sẽ vận hành theo chỉ đạo chung của Chính phủ chứ không phải chỉ riêng Bộ Tài chính” – TS Nguyễn Minh Phong nhận định.
Lý giải phương án đưa nguồn vốn trở lại nằm trong sự chỉ đạo chung của Chính phủ chứ không chỉ riêng Bộ Tài chính, TS Nguyễn Minh Phong cho biết: “Điều này cần thiết vì hiện nay tuy SCIC là do Bộ Tài chính quản lý nhưng đề án tái cấu trúc doanh nghiệp thì lại do các cấp có thẩm quyền khác nhau phê duyệt như tập đoàn lớn thì chính phủ phê duyệt, rồi nhỏ hơn là các bộ, các địa phương từ tỉnh, thành phố… Cho nên theo tôi cần xem xét điều chỉnh lại cơ chế hoạt động của SCIC”.
Nếu để đảm bảo nguồn vốn, SCIC đã làm đúng
Ở khía cạnh khác, TS Phạm Kinh Luân - chuyên gia tài chính, ngân hàng và chứng khoán lại cho rằng: “Câu chuyện SCIC gom tiền không xuất vốn cho doanh nghiệp để tái cơ cấu, đầu tư sản xuất mà ngược lại mang hàng nghìn tỉ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi lúc này là có lý do của họ” bởi SCIC là đơn vị nắm và quản lý tiền vốn nhà nước, nếu xảy la việc thất thu, mất nguồn vốn này SCIC sẽ phải chịu trách nhiệm trước chính phủ.
Hơn nữa thực tế qua việc nhiều ngân hàng khi cho doanh nghiệp vay tiền nhưng khi doanh nghiệp vay mà phá sản khi đó ngân hàng sẽ mất cả gốc chứ chưa nói đến thu được lãi. “Vì thế trước khi nói đến việc SCIC sử dụng nguồn vốn đó có đúng hay không thì cần nhìn lại cơ chế hoạt động, mục đích sử dụng nguồn vốn của SCIC là gì. Nếu để an toàn và vẫn sinh lời thì nguyên tắc cơ bản đầu tiên cũng đầy an toàn là gửi tiết kiệm vào ngân hàng” – TS Phạm Kinh Luân nhận định.
Ngược trở lại câu chuyện thì theo cách lý giải về phương án an toàn cho đồng vốn nhà nước của SCIC trong trường hợp này cũng không được hợp lý. Nhất là khi nhìn lại tổng vốn thực hiện đầu tư của SCIC năm 2012 là 1.257 tỉ đồng, riêng khoản đầu tư tăng vốn tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng VN (Vinaconex) đã lên tới 1.021 tỉ đồng. Khoản đầu tư này đã gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả và khả năng thu hồi vốn khi Vinaconex cũng đang trong tình trạng nợ hàng ngàn tỉ đồng tại các ngân hàng.