Trước thông tin sữa "neo giá" trong bối cảnh giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, qua theo dõi, cập nhật thông tin giá (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, báo cáo của Bộ Công Thương), giá chào bán một số loại nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem) của thị trường Tây Âu, Châu Úc tăng liên tục trong 3 tháng đầu năm nhưng từ tháng 4 có xu hướng giảm khoảng 20%.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, mức giá này là mức giá chào bán, trên thực tế các doanh nghiệp sản xuất sữa phải thực hiện việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng nên đều có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường.
Đồng thời theo báo cáo của Tổng cục Hải Quan, nguyên liệu sữa nhập khẩu về Việt Nam của các công ty trong nước rất nhiều loại (bột Whey, bột váng sữa, đường lactose, sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem…) được nhập từ trên 25 quốc gia không chỉ để sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mà còn sản xuất các mặt hàng khác như bánh kẹo, nước hoa quả, sữa cho đối tượng khác như phụ nữ mang bầu, người già…
"Như vậy, theo số liệu của cơ quan Hải quan, giá nguyên liệu nhập khẩu dùng trong việc sản xuất sữa, có loại giảm, có loại tăng. Ngoài ra, giá nhập khẩu thành phẩm về Việt Nam của các công ty, doanh nghiệp từ tháng 6/2014 đến nay ổn định.
Do vậy, giá sữa nhập khẩu thành phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam không tác động đến giá bán trong nước", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trong cơ cấu giá thành sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước, ngoài giá nguyên liệu sữa, mặt hàng sữa thành phẩm còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố, trong đó có rất nhiều yếu tố tăng tác động.
Phân tích kỹ hơn, theo ông Tuấn, trong cơ cấu giá thành sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước, ngoài giá nguyên liệu sữa, mặt hàng sữa thành phẩm còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố, trong đó có rất nhiều yếu tố tăng tác động.
Thứ nhất, lương tối thiểu vùng. Theo quy định tại Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014, lương tối thiểu tăng 14% trong năm 2015, khoản chi phí này có thể tác động đến chi phí tiền lương và chi phí đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động.
Thứ hai, tỷ giá. Từ khi thực hiện bình ổn giá (tháng 6/2014) tính đến thời điểm hiện nay, tỷ giá đã được điều chỉnh 5% (3% năm 2015).
Thứ ba, chi phí quảng cáo, khuyến mại: Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế từ 1/1/2015, trần chi phí quảng cáo, khuyến mại (15% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp) trước đây sẽ được dỡ bỏ.
Thứ tư, yếu tố giá điện: Theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày 12/3/2015 của Bộ Công thương từ 16/3/2015 tăng khoảng 7,5%.
Trong khi đó, theo ông Tuấn, từ khi thực hiện biện pháp bình ổn giá đến nay, các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm 0,1-34% ngay cả khi theo thống kê của cơ quan Hải quan cho thấy giá sữa thành phẩm không thay đổi.
"Do vậy, với các yếu tố tác động tăng như trên, tác động giảm giá nguyên liệu đến giá sữa thành phẩm trong nước là chưa đáng kể", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi do xác định giá tối đa trong thời gian bình ổn giá.
Cụ thể, trước 30/5/2015 các cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương giá tối đa của 715 sản phẩm.
Trong đó, từ 1/6/2015 đến tháng hết tháng 8/2015 có 39 sản phẩm mới ra thị trường và được xác định giá tối đa giảm từ 5-10% so với yếu tố hình thành giá như trình bày ở trên.
"Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện bình ổn giá, cũng có những lúc thị trường hình thành các chi phí tăng dẫn đến doanh nghiệp đề nghị phải điều chỉnh giá, nhưng Bộ Tài chính đã đề nghị doanh nghiệp phải điều tiết chi phí để phù hợp với mặt bằng giá tối đa.
Nhờ vậy, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có được một mặt bằng giá ổn định trong suốt 15 tháng qua, và dự kiến sẽ còn ổn định cho đến hết năm 2016 nếu không có yếu tố bất thường", ông Tuấn nói.