Bí mật sau nghịch lý trong giá sữa ở Việt Nam

Hoàng Đan |

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, chính việc chạy theo lợi nhuận của các doanh nghiệp và việc quản lý giá chưa sát sao đã khiến giá sữa trong nước không giảm theo giá sữa thế giới.

Sữa giá cao, người nghèo, người bệnh thiệt thòi

Ở Việt Nam, chỉ có gần 30% sản phẩm sữa nước được sản xuất từ sữa tươi, còn lại 70% là sữa hoàn nguyên (nhập sữa bột nguyên liệu về pha lại).

70% sữa hoàn nguyên là một tỷ lệ rất cao và đó là một thực tế hết sức nghịch lý của thị trường sữa Việt Nam.

Hiện các nước tiên tiến trên thế giới chỉ đang tiêu dùng khoảng 3% sữa bột công thức và tới 97% sữa tươi và sản phẩm sữa được sản xuất từ sữa tươi.

Nghịch lý này càng trở nên phi lý hơn khi Việt Nam hiện phải chi trả hàng tỷ USD mỗi năm để nhập sữa bột nguyên liệu”.

Theo thống kê của Global Dary Trade (Tổ chức thương mại sữa toàn cầu), giá sữa bột nguyên liệu thế giới đã giảm mạnh từ mức 5.000 USD/tấn xuống còn 2.500 USD/tấn.

Nhưng nhiều mặt hàng sữa hoàn nguyên lại không giảm hoặc giảm không đáng kể.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, việc giá sữa trong nước thời gian qua không giảm là do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trước hết, theo ông Phú, trong việc này, bản thân cơ quan quản lý giá của Nhà nước đã chưa tiến hành quản lý sát sao đối với các đơn vị sản xuất.

“Trong Luật giá đã quy định, khi có những biến động về giá chúng ta có quyền yêu cầu kê khai về giá nhưng việc này chưa được thực hiện nghiêm túc”, ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, sữa được coi là mặt hàng rất quan trọng nhưng chúng ta mới đưa được loại sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vào quản lý còn các loại sữa dành cho người già, người bệnh… thì lại chưa quản lý được.

Ông Phú cũng đưa ra một thực tế, mặt trái của cơ chế thị trường, chạy theo lợi nhuận đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất mặt hàng sữa không thực hiện đúng các quy định, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

“Điều này gây thiệt thòi nhất đến với người nghèo và người bệnh”, ông Phú nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông Phú cũng chỉ rõ, từ quá trình sản xuất sản phẩm sữa đến khi tới được tay người tiêu dùng phải trải qua khá nhiều các khâu trung gian bất hợp lý. Điều này khiến giá sữa bị đẩy lên cao cũng như khó giảm.

Bà Thái Hồng Hảo (Chủ nhiệm câu lạc bộ người tiêu dùng Thăng Long - Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) cũng cho rằng, yếu tố lợi nhuận được đặt ra quá cao đã khiến giá sữa chưa giảm mạnh.

“Rõ ràng, một số doanh nghiệp đang chạy theo lợi nhuận tối đa mà chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng. Nếu họ quan tâm thì giá sữa ngoại giảm, sữa nội cũng cần giảm theo tương đương”, bà Hảo nói.

Đồng quan điểm đó, Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn, Phó Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cũng cho rằng, sữa nguyên liệu là bộ phận cấu thành sản phẩm sữa để đưa tới tay người tiêu dùng.

“Khi mà giá sữa quốc tế đã giảm xuống một nửa từ 5.000 USD/tấn xuống 2.500 USD/tấn thì các doanh nghiệp phải xem xét giảm giá sữa bán cho người tiêu dùng. Đây là nguyện vọng và sự công bằng”, Tiến sĩ Tuấn nói.

Minh bạch để bảo vệ người tiêu dùng

Ông Vũ Vinh Phú cũng bày tỏ: “Ở đây, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cần phải được tăng cường để đảm bảo điều hành giá một cách đúng đắn, công bằng, theo đúng giá lên xuống của thị trường thế giới”.

Còn bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH true MILK, hãng sữa sản xuất hoàn toàn các sản phẩm sữa tươi sạch thì  đúc kết: “Nền tảng cốt lõi để bảo vệ người tiêu dùng là phải minh bạch thị trường sữa.

Có minh bạch thị trường sữa thì các doanh nghiệp sẽ không dám tối đa hóa lợi nhuận và phải đi theo con đường tất yếu là đầu tư vào trang trại bò sữa để nâng cao tỉ lệ sử dụng sữa tươi khi sản xuất sản phẩm sữa”.

Theo bà Thái Hương, điều kiện tiên quyết để minh bạch thị trường là các cơ quan chức năng phải buộc doanh nghiệp sữa tuân thủ việc công bố chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào rõ ràng, để người tiêu dùng biết được chất lượng, nguồn gốc của các sản phẩm sữa khi lựa chọn và quyết định mua hàng.

Quan điểm của bà Thái Hương phù hợp với những quy định trong Luật Bảo vệ Người tiêu dùng.

Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, người tiêu dùng có quyền:

Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa,dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Còn theo Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn, giá sữa là do doanh nghiệp quyết định và nhà nước hiện nay đang khống chế giá trần.

“Trong trường hợp giá sữa thế giới giảm nhưng doanh nghiệp trong nước không giảm giá thì nhà nước cần xem xét giá trần đó. Đồng thời, cần công bố giá sữa công khai để người tiêu dùng biết và lên tiếng”, Tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Cùng với đó, bà Hảo cũng cho rằng, trách nhiệm chính trong việc không giảm giá sữa chính là từ phía doanh nghiệp.

“Các cơ quan chức năng của nhà nước cần phải có sự vào cuộc tích cực hơn, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất sữa phải giảm giá, theo đúng giá thị trường.

Đó là mong mỏi của người tiêu dùng chúng tôi”, bà Hảo nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại