Ethiopia có đường sắt đô thị: Rẻ bằng 1/3 Cát Linh - Hà Đông?

Tuấn Minh |

Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia vừa khánh thành hệ thống đường sắt đô thị đầu tiên của nước này, được xây dựng nhờ vào vốn vay từ Trung Quốc.

Hôm 20-9, hệ thống đường sắt đô thị đầu tiên của Ethiopia đã được đi vào hoạt động tại thủ đô Addis Ababa của nước này.

Với tổng chiều dài 32km, hệ thống này có 2 tuyến Bắc-Nam và Đông-Tây, chạy qua 39 nhà ga. Trong số 32km đó, có 23km là trên mặt đất, còn lại là trên cao.

Với khả năng chuyên chở tối đa 60.000 hành khách mỗi giờ và vận tốc có thể đạt 70km/h, hệ thống đường sắt này sẽ góp phần đáng kể trong việc giải quyết vấn đề giao thông tại thành phố Addis Ababa.

Hiện nay, thành phố này đang nằm trong nhóm 20 đô thị lớn nhất Châu Phi với khoảng 5 triệu cư dân.

Ethiopia cũng đang là một trong những quốc gia tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Châu Phi, với mức tăng bình quân là 11% trong những năm qua và được IMF dự báo tăng 8% trong giai đoạn 2015-2016.

Theo thông tin từ lãnh đạo Tập đoàn Đường sắt Ethiopia (ERC), giá vé của hệ thống này sẽ ở mức rất rẻ là hơn 4.000 đồng Việt Nam cho một chuyến đi từ ga đầu tiên tới ga cuối của mỗi tuyến đường.

Có lẽ mức giá này thấp như vậy là do có sự trợ giá của chính phủ.

Theo nguồn tin chính thức từ chính phủ Ethiopia, chi phí đầu tư cho dự án đường sắt đô thị này là 475 triệu USD, trong đó có 85% là vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc.

Tổng thầu chính của dự án này cũng là Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC).

Theo đánh giá từ một số chuyên gia khác, chi phí thật của dự án này có thể lên tới 740 triệu USD.

Như vậy, chi phí của một km đường sắt tại Addis Ababa dao động trong khoảng từ 14,8 triệu đến 23 triệu USD.

Trong khi đó, dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội có tổng chiều dài hơn 13km và 12 nhà ga, với vận tốc tối đa 80km/h.

Theo thiết kế ban đầu, dự án này có thể chuyên chở tối đa 57.000 hành khách mỗi giờ.

Tổng kinh phí dự toán của dự án này lúc đầu là 522,86 triệu USD vào năm 2011, sau đó được điều chỉnh lên thành 891 triệu USD.

Hầu hết kinh phí cho dự án này cũng là vốn vay từ Trung Quốc, trong đó có 250 triệu USD vừa được phê duyệt vay bổ sung vào tháng 7 vừa qua.

Tổng thầu của dự án cũng là một công ty Trung Quốc: Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (CRSG), một công ty con của CREC.

Có thể tính được rằng chi phí đầu tư cho mỗi km của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là 68,5 triệu USD, cao gấp 3 lần so với mức chi phí tối đa của một km đường sắt tại Addis Ababa, vốn có 3/4 là trên mặt đất và 1/4 là trên cao.

Theo ước tính của các chuyên gia quốc tế, chi phí của hệ thống đường sắt trên cao thường là gấp đôi cho đến gấp bốn lần hệ thống đường sắt trên mặt đất.

Hồi tháng 6 mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng từng tuyên bố với báo giới: 

"Nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn. Do đó, rất mong mọi người chia sẻ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại