>>> Đồng Rúp “bốc hơi” thêm 19% sau pha cứu vãn vô vọng của Nga
>>> Kịch bản khủng hoảng kinh tế năm 1998 có lặp lại?
>>> Đồng Rúp mất giá: Doanh nghiệp và người dân Nga đều "run rẩy"
>>> Nga vạch kế sách “cứu” đồng Rúp
>>> Doanh nhân Nga tự tử vì "khủng hoảng đồng rúp"
Nền kinh tế nước Nga vừa trải qua một ngày 16/12 tồi tệ khi chứng kiến đồng Rúp trượt giá mạnh nhất trong vòng 16 năm nay.
Lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm nhảy 317 điểm cơ bản lên đỉnh kỷ lục 16,4% chỉ riêng trong phiên ngày 16/12. Chỉ số RTS Index trên thị trường chứng khoán Nga tụt xuống đáy thấp nhất hơn 5 năm.
Trong khi, dầu khí là sản phẩm đóng góp hơn 1 nửa doanh thu cho Nga thì giá dầu thô Brent lại tiếp tục trôi theo dốc, mất thêm 3,6% xuống còn 58,86USD/thùng chỉ trong ngày 16/12.
Tình trạng này đã gây ra sự hoang mang trong giới đầu tư và dân chúng nước Nga.
Để hiểu hơn về tình trạng khủng hoảng đang diễn ra tại Nga, chúng tôi có cuộc phỏng vấn PGS TS Đinh Công Tuấn - Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Châu Âu (Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), nguyên TBT Tạp chí nghiên cứu Châu Âu.
* Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng
Thưa ông, lịch sử nước Nga trong vòng 16 năm nay chưa bao giờ đồng Rúp trải qua đà trượt mạnh như vừa qua. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng khủng hoảng này?
Hiện Nga đang bị phương Tây và Mỹ bao vây cấm vận sau sự kiện khủng hoảng ở Ucraina.
Đặc biệt là từ sự kiện Nga lấy lại Crưm – trong quan điểm của Nga là “lấy lại phần đất của mình”, trong khi đó quan điểm của phương Tây là Nga đem quân đi xâm lược.
Hiện nay Ucraina vẫn đang rơi vào khủng hoảng giữa miền Đông và miền Tây. phương Tây cho rằng Nga đứng đằng sau mâu thuẫn giữa Đông và Tây.
Trong khi Nga cho rằng đây là không gian hậu Xô-viết, nên Nga phải có nhiệm vụ bảo vệ kiều dân Nga ở phía Đông và không cho NATO và phương Tây gây ảnh hưởng xấu ở không gian hậu Xô-viết và đặt ảnh hưởng đến sát biên giới các nước SNG.
Sự bất đồng này gây ra cuộc bao vây cấm vận nói trên.
TS. Đinh Công Tuấn
Khi phương Tây gây khó khăn, hai động lực phát triển chính của Nga là XNK dầu mỏ (chiếm tới gần 50% tăng trưởng GDP của Nga) và công nghiệp quốc phòng nước này lâm vào cảnh khó khăn.
Trong khi đó nền sản xuất công nghiệp tiêu dùng của Nga bị bỏ quên trong dài hạn lâu nay, quá phụ thuộc vào nhập khẩu nên đời sống của người dân Nga chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trong tình hình sản xuất dầu khí, nếu như Nga đặt ra tăng trưởng GDP trong 2014 tăng 2%, với điều kiện giá dầu vào khoảng 120USD/thùng; thì hiện nay giá dầu liên tục rớt chỉ còn khoảng 50 - 60USD/thùng.
Với công nghệ khai thác dầu khí của Nga vẫn đang còn tương đối lạc hậu thì mức giá này không có lãi, đồng nghĩa với việc kinh tế Nga mất điểm tựa.
Trong khi đó, việc dầu vẫn tiếp tục rớt giá được lí giải rằng Mỹ đã làm việc với các nước OPEC vẫn giữ nhịp độ khai thác như cũ bất chấp giá rớt, khiến chênh lệch cung cầu ngày càng rõ rệt.
Ngoài ra, còn có thể do Mỹ lâu nay đã âm thầm tìm ra nguồn năng lượng mới từ đá phiến dưới đáy biển thay thế việc khai thác dầu dưới đáy biển, đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho Mỹ.
Bởi thế khi mất đi động lực tăng trưởng từ dầu mỏ, giá đồng Rúp ngày càng rớt giá mạnh.
Chỉ trong vòng 1 tháng qua đã rớt đi 20% giá trị đồng Rúp, điều này làm cho niềm tin của nhà đầu tư mất đi mỗi ngày.
Dân chúng thì hoảng hốt đổi Rup sang ngoại tệ khác, nhà đầu tư thì thoái vốn ra khỏi đất nước này, nó tạo ra thế cờ domino gây suy sụp dây chuyền.
Vừa qua Nga đã phải “quăng” đến 40 tỷ USD ra để duy trì ổn định đồng Rúp nhưng vẫn không có tác dụng, nên tình hình rất căng.
* Cơ hội nào để cứu cánh nền kinh tế?
Về diễn biến sắp tới đây - theo nhận định của ông - chính phủ Nga có thể làm những gì để cứu nền kinh tế khỏi những diễn biến xấu hơn?
Nga có dự trữ ngoại tệ khoảng 420 tỷ USD, tới đây nguồn dự trữ này có thể sẽ phải được đưa ra để cứu đồng Rúp, để ổn định thị trường tài chính.
Nga có thể cũng sẽ phải thi hành chính sách kiểm soát chặt chẽ tiền tệ để không rơi vào hỗn loạn thị trường tiền tệ.
Họ sẽ phải cố gắng ở mức cao nhất để duy trì ổn định tỷ giá để tạo niềm tin cho nhà đầu tư và dân chúng.
Vai trò của Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nga cũng sẽ phải được đề cao hơn trong việc điều hành tỷ giá, lãi suất, can thiệp mạnh mẽ thị trường tài chính.
Tôi nghĩ khả năng sẽ như thế, để giữ cho tâm lý người dân không rơi vào hoang mang sâu hơn, đổ xô đi rút hết tiền để đổi ra USD.
Có nhiều quan điểm cho rằng: Hành động nâng lãi suất của Nga đã tỏ ra không có tác dụng thì việc can thiệp thị trường tiền tệ cũng sẽ vô ích, kể cả rút tiền từ dự trữ ngoại tệ. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Làm sao mà đến mức độ ghê gớm như thế. Cả một quốc gia lớn như Nga, họ có nhiều bộ óc lớn sẽ phải nghĩ ra giải pháp nào đó chứ, sao lại dễ dàng lâm nguy mức ấy được.
Họ còn 420 tỷ USD dự trữ, rồi bao nhiêu vàng, bao nhiêu khoản khác nữa.
Trước mắt, tôi nghĩ Chính phủ sẽ đưa ra biện pháp để chống sự hoảng loạn tâm lý, siết chặt thị trường đã. Sau đó mọi việc sẽ dần ổn định. Có thể không phải là sớm, nhưng cuối cùng mọi việc sẽ ổn.
Vai trò điều tiết của nhà nước Nga sẽ được tô đậm sau thời điểm này.
Ngay cả khủng hoảng nợ công Châu Âu hay thậm chí là chao đảo thị trường tài chính ở Mỹ thời gian trước, Chính phủ cũng phải tung các gói tiền dự trữ ra để giải cứu.
Suốt từ 2009 đến giờ, cuộc khủng hoảng nợ công tác động lên Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ai-len cũng khiến họ phải dùng các gói cứu trợ của Ngân hàng châu Âu, của IMF đổ xô vào giải cứu.
Đến giờ đã có nước nào sụp đổ đâu.
Với tình trạng khủng hoảng đang diễn ra như hiện nay, phương Tây bao vây, trong nước người dân hỗn loạn. Bản thân ông Putin cũng như chính quyền của ông đã có động thái gì để "né" đòn công kích của phương Tây?
Cuộc khủng hoảng là có thật, nhưng nó không đến mức độ sâu sắc như thời năm 2008.
Nghĩa là nó tổng hợp từ việc bao vây về mặt chính trị, mục tiêu của nó có lẽ là vì phương Tây muốn hạ bệ ông Putin.
Phương tây muốn sử dụng các đòn kinh tế kết hợp với việc dân chúng bên trong bất mãn, để thay thế chế độ của ông Putin bằng một chính quyền thân phương Tây.
Nga đang chuyển dần sang phương Đông trong quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN… Nga sẽ thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới, và họ sẽ làm được. Tôi tin như thế.