Đổ ra nước ngoài vay vốn tránh lãi suất cao

Nhu cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp luôn cao, nhưng vốn ngoại tệ chỉ ưu tiên cho những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ, nên nhiều doanh nghiệp chọn cách vay vốn ở nước ngoài.

Tuy nhiên, vốn ngoại tệ chỉ ưu tiên cho những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ. Vì thế, không ít doanh nghiệp đã chuyển sang vay USD ở nước ngoài.

Nhu cầu vốn USD luôn cao

Không phải đến thời điểm này, nhu cầu về vốn ngoại tệ của doanh nghiệp, nhất là với các nhà nhập khẩu mới cao.

Ở những thời điểm lãi suất VND còn neo ở mức 18 - 20%/năm, các doanh nghiệp đều chuyển hướng muốn vay ngoại tệ để tránh bão lãi suất VND cao.

Giám đốc một công ty kinh doanh điện lạnh tại TP.HCM cho biết, nhu cầu nhập hàng trong mùa hè luôn cao. Tuy nhiên, do không thuộc diện được vay vốn ngoại tệ, nên công ty phải vay bên ngoài với lãi suất cao, hoặc "gom" trên thị trường tự do, song không dễ có số lượng lớn.

Còn theo lãnh đạo Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi, nguồn nguyên liệu đầu vào của Công ty chủ yếu là trong nước, nhưng nếu vay ngoại tệ, thì lãi suất chỉ ở mức 4 - 5%/năm, còn nếu sử dụng vốn vay VND, Công ty phải trả ít nhất 10-12%/năm. Vì thế, nguồn vốn vay của Út Xi chủ yếu là ngoại tệ.

{keywords}
 

Tổng giám đốc Citibank Việt Nam, ông Brett Krause cho rằng, chính sách chống đô la hoá nền kinh tế và hạn chế mua bán vàng trên thị trường mà Ngân hàng Nhà nước đang điều hành là rất thành công. Nhưng quá trình triển khai đã tác động đến cho vay ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, nên một số khách hàng trong nước của Citibank đã chuyển sang vay ngoại tệ ở nước ngoài.

Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2012/TT-NHNN quy định, khách hàng chỉ được vay vốn ngoại tệ nếu có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay, thì dư nợ cho vay bằng ngoại tệ của ngân hàng đã giảm rất mạnh. Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến ngày 31/5, tín dụng bằng VND tăng 5,48%, còn tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,41%.

Lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét để cung ứng ngoại tệ cho các doanh nghiệp có nhu cầu, kể cả với nhà nhập khẩu, nhất là trong những tháng cuối năm nay.

Giảm thêm lãi suất USD

So với VND, trần lãi suất tiết kiệm USD hiện chưa bằng phân nửa, vẫn duy trì ở mức 2%. Theo các ngân hàng, chính sự thu hẹp dần chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và ngoại tệ kể từ khi trần huy động VND được kéo xuống 7,5%/năm đã tạo áp lực lên tỷ giá, do nhiều người chuyển từ VND sang ngoại tệ. Do đó, muốn tạo tính ổn định cho tỷ giá, giảm áp lực cho doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngoại tệ, thì Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm thêm lãi suất USD.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, trong tháng 4/2013, tăng trưởng đối với tiền gửi ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn là âm 8%, nhưng tiến độ giảm bắt đầu chậm lại trong tháng 5 và 6.

Chênh lệch giữa lãi suất ngoại tệ và tiền đồng không còn quá lớn như trước đây, nhưng trước bối cảnh lạm phát, một số người thấy yên tâm khi giữ ngoại tệ, dẫn đến tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ giảm chậm hơn.

Đây cũng là lý do để Tổng giám đốc Citibank Việt Nam kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét hạ lãi suất USD. Theo ông Brett Krause, những biến động của tỷ giá trong 2 tuần qua là do chênh lệch lãi suất giữa USD và VND đang dần thu hẹp. Vì vậy, người dân sẽ chuyển dần từ VND sang USD gửi tiết kiệm, nếu lãi suất tiền đồng giảm thêm.

Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, thị trường ngoại hối và tỷ giá tiếp tục duy trì ổn định, nếu có điều chỉnh cũng không quá 2%. Việc điều chỉnh trần lãi suất huy động ngoại tệ nhất định sẽ xảy ra, nhưng như thế nào, liều lượng bao nhiêu cũng sẽ phải cân nhắc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại