Đó là ý kiến của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP.HCM tại kỳ họp thứ 5 của Ban chỉ đạo Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản diễn ra sáng 22/2.
Theo ông Châu, Chính phủ nên sửa đổi chính sách lãi suất cho vay về mức 6 - 8%/năm, thời hạn 20 - 30 năm cho người mua nhà.
Bên cạnh đó, cấp tín dụng để doanh nghiệp hoàn thiện dự án có khả năng tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước cũng xem xét mua lại dự án căn hộ dưới 70m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng để làm nhà tái định cư hoặc nhà ở xã hội.
Đồng thời, cho phép Việt kiều và mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua căn hộ ở Việt Nam.
“Đây cũng là phương thức xuất khẩu tại chỗ và làm tăng giá trị tài sản quốc gia, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động”, ông Châu nêu ý kiến.
Còn theo ông Trần Kim Chung, đại diện của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng, trọng tâm của thị trường bất động sản vẫn là các sản phẩm giá thấp, quy mô nhỏ, phù hợp với khả năng thanh toán của người có nhu cầu.
“Chính sách tiền tệ cũng cần xem xét hạ lãi suất xuống mức chấp nhận được”, ông Chung cho biết.
Ngoài ra, ông Chung cũng nêu ý kiến, về trung hạn, cần tạo lại niềm tin cho thị trường. Cam kết không thay đổi nhiều chính sách đối với bất động sản trong thời gian ít nhất 2 - 3 năm.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì cho rằng, việc cần làm ngay trong thời gian tới là tổng kiểm tra nguồn vốn các dự án, tổng kiểm tra năng lực các doanh nghiệp thực hiện các dự án để sàng lọc doanh nghiệp không đủ năng lực, dự án ma.
Theo ông Hùng, Thủ tướng Chính phủ cần thành lập đoàn công tác để đến các địa phương trực tiếp rà soát lại các dự án, phân loại các dự án phải thu hồi, chuyển đổi, thậm chí là dừng triển khai.
“Không thể để tự các địa phương rà soát để tránh bao che, tiêu cực do theo quy định, đa phần các dự án bất động sản đều có theo cơ chế xin – cho do địa phương phê duyệt”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước, thành viên ban chỉ đạo cũng cho biết, trong thời gian tới, có thể lãi suất cho vay trong lĩnh vực bất động sản sẽ thấp hơn.
Trong thời gian tới cũng sẽ xây dựng đề án xử lý nợ xấu, trong đó có nợ xấu bất động sản. Tiếp đó, sẽ thành lập cơ quan xử lý nợ xấu bất động sản để hỗ trợ thị trường.
Phát biểu tại phiên họp sáng nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, trong thời điểm này, không có một giải pháp đơn thuần nào cứu được được thị trường bất động sản, mà cần phối hợp nhiều biện pháp.
Trước mắt, cần hoàn thiện được các thể chế quản lý bất động sản, cơ cấu lại thị trường bất động sản, chuyển dần phân khúc cao cấp sang nơi có nhu cầu thật, thanh khoản thật.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt Nghị quyết 02 của Chính phủ, tăng cường đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Cần xây dựng cơ chế khuyến khích nhiều dự án chuyển sang cho thuê.
Ngoài ra, để giảm bớt tình trạng một chủ đầu tư không có đủ vốn nhưng mượn quá nhiều vốn ngân hàng, vốn huy động để đầu từ dàn trải, khi cạn lực lại đắp chiếu dự án gây lãng phí, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các chủ đầu tư, các địa phương cần công khai các dự án, tiến độ dự án ở nhiều website, qua kênh báo chí… để khách hàng nắm được thông tin dự án, tránh mua phải dự án ma.