Đặng Lê Nguyên Vũ được xếp ngang hàng với nhân vật lịch sử

Hoàng Đan (TH) |

(Soha.vn) - Đặng Lê Nguyên Vũ được vinh danh ngang hàng cùng bậc anh hùng, danh nhân tiêu biểu nhất của hơn 4.000 năm lịch sử gây nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận

"Bê bối" phản cảm (?!)

"Bê bối" là hai từ thường được người ta dùng để ví đến sự kiện đã tốn rất nhiều bút, mực của báo chí cách đây hơn 2 năm về cuốn sách Tài năng và đắc dụng với sự vinh danh ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ ngang hàng cùng các bậc hành hùng, doanh nhân tiêu biểu nhất của lịch sử.

Được nhà xuất bản chính trị quốc gia xuất bản năm 2008 do do giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Hoàng Lương (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) và phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Hồng Tung (ĐHQGHN) chủ biên đã gây "choáng" cho người đọc khi trong số 14 nhân tài của lịch sử Việt Nam và thế giới được chọn giới thiệu có ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Nguyên.

Theo giới thiệu, cuốn sách chia làm ba phần: Phần 1: Những nhân tài trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, các trường hợp được lựa chọn để nghiên cứu là Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh và Chulalongkorn (nhà cải cách vĩ đại của Thái Lan thời cận đại).

Phần 2: Các nhân tài trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, với các nhân vật Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein (người được coi là thay đổi tư duy nhân loại) và Thomas Edison (nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ XIX).

Bìa của cuốn sách Tài năng và đắc dụng.
Bìa của cuốn sách Tài năng và đắc dụng.

Phần cuối cùng: Nhân tài trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, các trường hợp nghiên cứu Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Đặng Lê Nguyên Vũ và Bill Gates (tỉ phú thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin).

Trong phần giới thiệu của mình NXB Chính trị Quốc gia: Qua nghiên cứu cho thấy họ (các nhân vật được chọn) vốn không được đào tạo để trở thành chiến lược gia kinh tế hay doanh nhân chuyên nghiệp. Điều này xác nhận một thực tế là nhân tài trong lĩnh vực kinh doanh đều có thể hình thành và xuất lộ như là kết quả của quá trình tự học, tự đào tạo... Quan trọng hơn cả là có khát vọng, có ý chí làm giàu, hoài bão lớn lao mang lại lợi ích cho bản thân và cho cộng đồng.

Trong cuốn sách có đoạn: "Trong suy nghĩ của nhiều người dân ở các nước tôi đến là hình ảnh một Việt Nam trong chiến tranh, một Việt Nam nghèo nàn lạc hậu, họ không được biết nhiều về Việt Nam với nhiều hình ảnh khác, với những giá trị văn hóa, dân tộc truyền thống, với những khung cảnh tươi đẹp thanh bình hay những thay đổi của nền kinh tế đang tăng tốc phát triển.

Điều này đã làm cho tôi rất tự ái, cảm thấy mình mang một mỗi nhục của sự tụt hậu, sự thua kém về nhiều thứ trước nhiều cơ hội và thách thức mở ra của đất nước trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, hội nhập".

Ngay sau đó, đã có rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia, nghiên cứu bàn luận quanh cuốn sách, nhưng tựu trung cho rằng, việc các tác giả cuốn sách đưa Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971) đứng chung danh sách với các nhân vật kiệt xuất trong lịch sử VN là không thể chấp nhận. Các ý kiến còn cho rằng phần giới thiệu về Đặng Lê Nguyên Vũ dài 42 trang, trong khi đó nhiều danh nhân nổi tiếng thế giới như Nguyễn Trãi lại chỉ có 10 trang, Trần Quốc Tuấn 15 trang... là hồ đồ!

Phát biểu trên báo chí lúc bấy giờ, TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Phát triển cho rằng, việc lựa chọn doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ thể hiện một thái độ hết sức hồ đồ và những người làm sách quá thiếu cảm quan khi chọn nhân vật.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Công Trứ, Bạch Thái Bưởi... đã được các nhà lịch sử, khoa học, nhà nghiên cứu công nhận về tài năng ở nhiều công trình nghiên cứu, nhiều hội thảo, nhưng thử hỏi đã ai mở hội thảo để đánh giá về ông chủ tập đoàn Trung Nguyên?” - TS Nguyễn Văn Vịnh đặt vấn đề.

PGS Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học - Đào tạo, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng đối với lịch sử cận đại thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là số 1 và là danh nhân được thế giới thừa nhận. “Còn Đặng Lê Nguyên Vũ giỏi lắm được mấy ông tác giả thừa nhận chứ thế giới có ai công nhận?”, ông Chung nói và cho rằng việc đề cập nhân Đặng Lê Nguyên Vũ lên đến 42 trang sách, trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có 25 trang, Trần Hưng Đạo 10 trang... thì thật đáng trách.

Còn TS Nguyễn Quang Ngọc nhận xét, số lượng trang, nội dung đề cập quá nhiều về nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ có thể là do “sơ suất” của người viết, nhưng NXB Chính trị quốc vẫn cho ấn hành thì quả là phi lý, vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của NXB, mà có thể gây hiểu nhầm cho thế hệ trẻ mai sau.

Cảm ơn vì sự tranh luận

Ngay sau khi vụ "bê bối" này được báo chí đăng tải, ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã gửi công văn đến một tờ báo khẳng định, Tổng Giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ không phải là chủ biên và đồng tác giả của cuốn sách này.

Ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ.

Cùng với đó, đại diện phía cà phê Trung Nguyên cũng đưa ra giải thích, vào đầu năm 2008, công ty chúng tôi có nhận được công văn từ Đại học Quốc gia Hà Nội, do GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương đại diện cùng một nhóm tác giả với nội dung “muốn được gặp gỡ, trao đổi và xin cung cấp một số tài liệu về cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Theo công văn này, đây là công trình khoa học phân tích và nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhân cách, tài năng, sự nghiệp của 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam. Sau đó, đầu năm 2008, tại Công ty Trung Nguyên có diễn ra buổi tiếp đón nhóm tác giả trên.

Đến tháng 8-2008, cuốn sách Tài năng và đắc dụng đã ra đời như mọi người đã biết. Chúng tôi không hiểu vì sao một cuốn sách được xuất bản cách đây gần 4 năm nhưng cho đến bây giờ lại đem ra mổ xẻ, đặt lại vấn đề vì cho rằng trong đó có những điều bất hợp lý.

Công ty Trung Nguyên nói chung và cá nhân anh Đặng Lê Nguyên Vũ nói riêng, hoàn toàn độc lập với nhóm tác giả này. Chúng tôi chỉ cung cấp tư liệu theo yêu cầu, còn cuốn sách ra đời thế nào đó là kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả nọ”

Trong một bài viết được đăng tải trên TuanVietnamnet sau đó ít lâu về cuốn sách này, ông chủ cà phê Trung Nguyên một lần nữa khẳng định: "tôi phải khẳng định rằng mình không hề cung cấp về tài chính cũng như không can thiệp về mặt nội dung trình bày, mà chỉ cung cấp thông tin đầu vào cho một công trình nghiên cứu khoa học. Chúng tôi hoàn toàn không kiểm soát được kết quả đầu ra đối với công chúng. Cuốn sách đã là "khởi nguồn" cho làn sóng các ý kiến phản biện".

Đồng thời, ông Vũ cũng cho rằng: "tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành trước mọi ý kiến dù ủng hộ hay phản đối, khen hay chê, thương hay ghét của bạn bè, cũng như bạn đọc gần xa đến cá nhân tôi và Trung Nguyên.

Một con người lành mạnh là một con người biết lắng nghe mọi ý kiến góp ý. Một tổ chức lành mạnh là một tổ chức mà các chính kiến được trao đổi thẳng thắn. Một xã hội lành mạnh là một xã hội mà ở đó có sự tự do phản biện để cùng sửa cái sai, vun trồng cái đúng.

Như vậy thì sự tranh luận vừa qua rõ ràng là tốt cho bản thân tôi, cho Trung Nguyên, và phần nào là cho sự phát triển của xã hội ta nói chung. Bởi theo tôi, một xã hội văn minh là một xã hội luôn có được sự phản biện tích cực, cùng hướng đến một cơ cấu kinh tế và pháp luật hiệu quả, với một nền tảng khoa học và công nghệ ngày càng cao..."

Dù rằng, sau đó vụ "bê bối" đã tạm lắng xuống với nhiều thông tin liên quan đến hai đồng chủ biên của cuốn sách được tiết lộ nhưng nhiều câu hỏi cũng được đặt ra rằng, liệu ông Vũ đã tự đánh bóng tên tuổi của mình (!?).

(còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại