"Đại gia" ngoại "xâu xé" thị trường bán lẻ Việt

Ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài "nhảy" vào tranh phần trong "mâm bánh" béo bở của thị trường bán lẻ, đẩy các DN nội ra rìa.

Được xếp hạng là một trong những thị trường bán lẻ có tiềm năng số 1 thế giới vào năm 2008, tuy nhiên chỉ 4 năm sau, ngành bán lẻ của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 32. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2012, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt trên 2.342.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011.

"Mâm bánh" béo bở

Hiện cả nước có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi. Đáng chú ý, hiện có đến 21 doanh nghiệp (DN) 100% vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ, như: Metro Cash & Carry (Đức) – được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh bán lẻ đầu tiên ở Việt Nam, từ năm 2001; Casino Group (Pháp), với thương hiệu Big C; Lion Group (Malaysia), với thương hiệu Parkson (với 7 chi nhánh và đang tiếp tục mở rộng);

Tập đoàn Circle K (Hoa Kỳ), mới hoạt động hơn 2 năm ở Việt Nam, nhưng đã phát triển hơn 20 cửa hàng tiện dụng. Còn nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như: Zen Plaza, Family Mart, Ministop (Nhật); Diamond Plaza, Lotte Mart (Hàn Quốc); Dairy Farm (Hongkong), Gouco Group (Hà Lan)… đang không ngừng phát triển dịch vụ, mạng lưới tại thị trường Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, một số chuyên gia cho rằng rất có khả năng năm 2013 sẽ là năm mở màn cho sự "bùng nổ" của các thương hiệu bán lẻ trên thế giới đến với Việt Nam và những thương hiệu ngoại đã có mặt tiếp tục thực hiện tham vọng "bành trướng".

Điển hình như việc các thương hiệu lớn như: Starbucks, McDonald và 7-Eleven, Takashimaya và AEON, VivoCity, Tesco, Wal- Mart, Carrefour, FairPrice, đã lên kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam.

"Đại gia" ngoại "xâu xé" thị trường bán lẻ Việt
 

Mới đây, ngày 17/1/2013, Tập đoàn E-mart – một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc, thuộc sở hữu của Shinsegae, thông báo đang gấp rút chuẩn bị mở siêu thị đầu tiên ở Việt Nam và đưa vào hoạt động 17 siêu thị vào năm 2017.

Trong năm 2013, Subway công bố mở thêm 10 cửa hàng, Burger King mở 5 cửa hàng, Lotteria và KFC mở thêm 200 cửa hàng. Với mục tiêu chiếm lĩnh cả thị trường thành thị lẫn nông thôn, Metro, Big C cũng đang mở rộng địa bàn ra các khu vực tỉnh, thành phố nhỏ.

Kết quả nghiên cứu mới đây của Công ty chuyên phân tích thị trường AC Nielsen cho thấy, mặc dù kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, nhưng những mặt hàng tiêu dùng nhanh, các mặt hàng thiết yếu như sữa, thực phẩm, bia,… vẫn tăng trưởng tốt, chỉ một số ít các ngành hàng như điện máy là đang gặp khó khăn.

Đáng chú ý, hiện một bộ phận lớn người dân thành phố đã có thói quen tiêu dùng chuyển từ khu vực chợ sang siêu thị. Tp.Hồ Chí Minh là nơi có sự chuyển biến rõ rệt nhất, có khoảng 40% dân cư tìm đến siêu thị thay vì chợ truyền thống.

Mặt khác, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu cũng là tín hiệu đáng mừng cho thị trường bán lẻ. Hiện Việt Nam có khoảng 8 triệu người được

xếp vào tầng lớp trung lưu. Đến năm 2020, con số này sẽ vào khoảng 44 triệu người và lên tới 95 triệu người vào năm 2030.

Muốn chiến thắng phải tự đổi mới

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang có sức hút rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong khi các DN nước ngoài khai thác khá tốt tiềm năng của thị trường, thì DN trong nước dường như đang "hụt hơi".

So với các DN nước ngoài, DN bán lẻ Việt Nam bộc lộ nhiều yếu kém về kho hàng, bến bãi phân tán và hoạt động không hiệu quả, lượng hàng dự trữ mỏng, mạng lưới phân phối kém chuyên nghiệp, phát triển manh mún, chưa có chiến lược hợp lý…

Trong năm qua, một số nhà bán lẻ nội một phần vì đói vốn, một phần do thiếu kinh nghiệm không lường trước được những rủi ro, làm thị phần của mình bị sụt giảm như Fivimart, Intimex.

Trước sự "tấn công" như vũ bão vào thị trường bán lẻ Việt Nam của các DN ngoại, ông Phú lo ngại: nếu các DN bán lẻ trong nước không có chiến lược thích ứng kịp thời thì sẽ mất dần cơ hội làm chủ trên sân nhà.

Nhiều khả năng các DN nội sẽ phải làm thuê cho DN ngoại. "Kịch bản" dễ xảy ra nhất là DN ngoại có xu hướng thâu tóm, hoặc liên doanh, liên kết rồi tăng thị phần, hoặc mua gom các DN nội bị thua lỗ, sáp nhập thôn tính các DN nội, để rồi DN ngoại vốn dĩ đã mạnh nay càng mạnh hơn lên. Cho nên có thể nói nguy cơ các DN bán lẻ nội địa bị phụ thuộc sau khi liên doanh đã nhãn tiền.

Hiện nhiều DN bán lẻ nội đang nỗ lực phát triển mạng lưới, hướng tới một hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp, một số DN đã liên kết nhau để xây dựng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn, nhưng sự "chống chọi" này vẫn còn yếu ớt và chỉ diễn ra ở một số DN mạnh.

Các DN bán lẻ nội địa vẫn đang tự "bơi", trong khi các DN ngoại lại nhận được sự hỗ trợ lớn. Nhiều DN nước ngoài thừa nhận được hưởng nhiều ưu đãi như vị trí mặt bằng, thuế… khi đến Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại