Khi chúng tôi thực hiện ý tưởng xây dựng công viên nghĩa trang cho người chết, nhiều người bảo chúng tôi điên, nhiều anh em, bạn bè bàn lùi, thậm chí có người ra đi, ông Trần Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Toàn Cầu - Chủ đầu tư dự án nghĩa trang Lạc Hồng Viên cho hay.
Đất nghĩa trang không sợ “đóng băng”
Năm 2012, bất chấp sự trầm lắng của thị trường địa ốc, bất động sản cho người âm vẫn được rất nhiều người tìm mua. Theo ông thì vì sao?
Đất nghĩa trang có đặc thù riêng nên không sợ bị “đóng băng” như bất động sản cho người sống. Trước hết, nhu cầu đất nghĩa trang là nhu cầu thật và nhu cầu này ngày càng lớn hơn khi các khu nghĩa trang ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng quá tải, buộc phải đóng cửa.
Sở dĩ thị trường bất động sản của chúng ta “đóng băng” như thời gian vừa qua, một trong những nguyên nhân là do giới đầu cơ ôm hàng lướt sóng quá lớn, mua một bán mười, đẩy giá bất động sản lên quá cao. Trong khi những sản phẩm dành cho người có nhu cầu thực sự lại quá ít.
Đất nghĩa trang ngoài nhu cầu sử dụng, còn mang ý nghĩa tâm linh, nên hầu như không ai dám đầu cơ, mua đi bán lại để kiếm lời.
Bên cạnh đó, nhu cầu được chôn cất người thân ở những nơi sạch đẹp, văn minh ngày càng được nhiều người hướng đến. Lạc Hồng Viên được thiết kế theo mô hình công viên nghĩa trang, đồng bộ về quy hoạch, đẹp về cảnh quan, đầy đủ và chu đáo về dịch vụ nên thu hút được sự quan tâm của rất nhiều khách hàng.
Chính vì những lý do đó, nên thời gian vừa qua, rất nhiều khách hàng đã tìm đến Lạc Hồng Viên để có được một nơi an nghỉ yên tĩnh, trong lành, sạch đẹp cho mình và người thân.
Lạc Hồng Viên là một trong những nơi đầu tiên xây dựng theo mô hình công viên nghĩa trang. Ý tưởng nào đã khiến ông và các thành viên trong công ty thực hiện mô hình này?
Nhắc đến nghĩa trang ở Việt Nam, người ta thường hình dung ra là một nơi rất lộn xộn, không có quy hoạch thậm chí là mất vệ sinh. Trong khi đó, người Việt Nam mình thì lại rất coi trọng chuyện mồ mả.
Một lần, ông bà của một anh ở công ty tôi mất, gia đình anh ấy phải chi một khoản tiền khá lớn, khoảng vài chục triệu đồng nhưng cũng chỉ đưa được ra nghĩa trang làng. Khi đi thắp hương phần mộ nhà mình thì phải trèo qua phần mộ của người khác, thậm chí thắp hương cũng phải đứng trên phần mộ của người khác.
Khi tôi ở bên Úc, có lần tôi lái xe qua thấy công viên nghĩa trang bên họ rất đẹp và sạch sẽ. Người phương Tây mặc dù không nặng nề về tâm linh, họ cũng không làm cúng giỗ, nhưng lại làm công viên nghĩa trang đẹp thế để người thân của họ an nghỉ. Tại sao Việt Nam mình rất coi trọng cúng giỗ và nơi an nghỉ của người đã khuất thì nghĩa trang lại có hình ảnh xấu như vậy.
Từ ý nghĩ đó, đến năm 2003 - 2004, Ban lãnh đạo Công ty chúng tôi quyết định thay đổi chiến lược của công ty sang một lĩnh vực mới, mục tiêu là xây dựng lên những công viên nghĩa trang thật đẹp tại Việt Nam, những nghĩa trang được quy hoạch đồng bộ, xây dựng văn minh, dịch vụ thật chuyên nghiệp và chu đáo nhưng vẫn giữ được những truyền thống văn hóa tâm linh của Việt Nam.
Những dự án như Lạc Hồng Viên sẽ đi tiên phong thay đổi nhận thức của người Việt, đó sẽ là công viên tâm linh, dự án tâm linh. Đến công viên nghĩa trang người ta sẽ có cảm giác như đến chùa vậy.
“Người ta bảo tôi điên”
Khi thực hiện ý tưởng này, bạn bè, người thân nói anh sao?
Người nhà còn nói chúng tôi là bị hâm, bị điên, chứ chưa nói gì đến người ngoài. Người ta đi xây dựng, làm nhà cho người sống, lợi nhuận thương mại thấy ngay, nhìn thấy tiền luôn. Không ai muốn làm nghĩa trang cả thì mình lại nhảy vào.
Trong công ty cũng có những người bàn lùi, thậm chí có người còn ra đi. Nhưng anh em chúng tôi vẫn quyết tâm vượt qua những ý kiến trái chiều để thực hiện.
Tôi nghĩ rằng, cái gì mới lạ cũng đều khó khăn và chưa thể một sớm một chiều có thể nhận ngay được sự đồng thuận. Giống như hỏa táng, hồi mới đưa vào cũng bị phản đối, nhưng giờ thì người dân đều đã chấp nhận.
Có người nói đất nghĩa trang mà bán tiền tỷ thì đắt quá?
Thực ra, những khu đất tiền tỷ đó là những khu có diện tích lớn, có khu vài trăm m2. Thông thường các khu này để chôn cất cho cả dòng họ hoặc đại gia đình. Mỗi khu như vậy, có thể đủ chỗ cho vài chục ngôi mộ, tùy theo bố trí của mỗi gia đình.
Vì vậy, nếu tính ra chi phí của mỗi ngôi mộ lại rất rẻ, chỉ một hai chục triệu đồng/suất. Trong khi đó, điều kiện vệ sinh, môi trường lại rất trong lành, cảnh quan rất đẹp và dịch vụ thì rất đầy đủ và chu đáo.
Còn các suất mộ đơn, cũng chỉ có giá từ 15 triệu đồng/suất và khi mua khách hàng thậm chí có thể trả trong một hai năm, mỗi tháng 500 nghìn đồng. Như vậy, so với giá đất ở các nghĩa trang ở Hà Nội, tôi cho rằng mức giá này là rất hợp lý với mức sống hiện nay thì mọi gia đình khi có nhu cầu đều có thể chi trả được.
Cũng có ý kiến cho rằng chi phí như vậy là cao, nhưng chúng tôi tin chắc rằng nếu người nào nghĩ vậy mà có dịp đến Lạc Hồng Viên thăm quan, họ sẽ nghĩ hoàn toàn khác, mà chúng tôi đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở mọi khả năng chi trả.
Một điều nữa tôi cho rằng đây là xu hướng tất yếu, mọi người nên thay và sẽ thay đổi cách nhìn vì chúng ta ai cũng ngày càng muốn hướng tới những sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn, những dịch vụ đầy đủ, chu đáo và chuyên nghiệp hơn.
Theo ông, xây nhà cho người đã khuất, điều gì là khó nhất?
Làm nghĩa trang cái khó nhất là phải kiên trì và đam mê, việc này hoàn toàn khác với những dự án mang tính thương mại khác.
Định hướng của chúng tôi về doanh thu là quá trình khai thác dịch vụ lâu dài. Chính vì vậy, hồi mới làm, chúng tôi cũng bị áp lực về vốn rất lớn, nhưng đến giờ, khi Lạc Hồng Viên đã bắt đầu đi vào giai đoạn khai thác rồi thì áp lực cũng bớt đi phần nào. Dự án đã bắt đầu có doanh thu để phục vụ cho tái đầu tư.
Nói như vậy là năm 2012, công ty ông đã bắt đầu có lãi?
Chúng tôi hoàn toàn chưa có một đồng nào tính về lãi, vì dự án đang trong quá trình đầu tư, thu được một thì thậm chí tái đầu tư 1,5 – 2 lần.
Năm 2012, công ty tôi mới chỉ đạt kế hoạch về doanh thu đề ra và Lạc Hồng Viên cũng mới đi vào khai thác và hoàn thiện các khuôn viên, mộ phần ở một số khu vực nên lượng khách hàng đến ký hợp đồng cũng nhiều hơn.
Có tâm ắt sẽ linh
Các ông chủ làm ăn liên quan đến đất cát thường rất hay kiêng cái này, sợ cái kia. Ông làm về đất mà lại là đất cho người âm, ông có lo sợ điều gì không?
Nếu nói sợ có quá nhiều cái để sợ. Tôi cho rằng cái mình đã dám làm thì không nên sợ. Nếu sợ thì không nên làm. Còn làm thì chấp nhận rủi ro. Nếu không muốn có rủi ro thì đi làm công ăn lương hoặc không làm gì thậm chí tốt nhất là ở nhà, không nên ra đường.
Tôi có một biệt danh mà bạn bè thường gọi và lưu tên trong điện thoại là “Tuấn Anh mồ mả”. Tôi thấy cái tên này do mọi người yêu quý nên mới đặt vậy và tôi cũng thấy nó rất phù hợp với niềm đam mê và công việc mình đang làm.
Như lúc nãy ông nói, xây nhà cho người âm còn có ý nghĩa tâm linh rất lớn. Vậy chắc ông cũng phải là người mê tín?
Tôi là người tin, chứ không phải là tín. Tôi tin vào thế giới tâm linh, tin vào luật nhân quả, và tin thì tôi mới đam mê và làm. Còn tín theo nghĩa là mê tín dị đoan, làm cái gì cũng phải xem ngày, giờ thì chắc là không.
Quan điểm của tôi về “tâm linh” rất đơn giản. Mình có tâm thì ắt sẽ linh.
Xin cảm ơn ông!