Có thể khởi tố hình sự chủ đầu tư chung cư Nam Đô nếu có sai phạm

Hồng Anh |

(Soha.vn) - Luật sư Trịnh Cẩm Bình cho biết: Nếu chủ đầu tư khu chung cư Nam Đô chiếm đoạt tiền của các hộ dân hoặc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước thì có thể khởi tố hình sự.

>>> Chủ đầu tư GP Invest bị "tố" lạm thu 20 tỷ đồng VAT của cư dân
>>> Nước nhiễm chất độc, dân Nam Đô đối mặt nguy cơ ung thư, hoại tử
>>> Dân cư Nam Đô tố chủ đầu tư GP Invest "chà đạp quyền lợi"
>>> Nghịch lý ở Nam Đô Complex: Ở chung cư tiền tỷ vẫn lo mưa dột

Liên quan đến vụ việc dân cư Nam Đô Complex tố chủ đầu tư GP Invest lạm thu hàng chục triệu đồng thuế GTGT (VAT) trên giá trị chuyển quyền sử dụng đất mỗi căn hộ, chúng tôi đã có trao đổi với Luật sư Trịnh Cẩm Bình, GĐ Văn phòng luật Biển Đông (Đoàn luật sư Hà Nội).

Luật sư Cẩm Bình cho biết: “Qua phản ánh cũng như chứng cứ mà các hộ dân xuất trình có thể thấy rằng chủ đầu tư GPI có dấu hiệu xác định số thuế cho các hộ chưa chính xác. Theo cách áp dụng tính thuế căn cứ hợp đồng hai bên đã ký cho thấy có sự vênh nhau giữa số thuế VAT đã nộp so với số VAT mà GPI kê khai.

Trên thực tế, các hộ đã có đơn gửi tới cơ quan thuế để đề nghị xác minh làm rõ có hay không có hành vi kê khai thuế thiếu trung thực. Vậy, cơ quan thuế sẽ có nhiệm vụ xác định việc tính thuế và việc thu, nộp thuế của GPI là đúng với hướng dẫn về thu thuế của Tổng Cục thuế không.

Trường hợp xác định tố cáo của các hộ dân là có cơ sở, cơ quan thuế có thể xử phạt hành chính đối với GPI. Nếu có dấu hiệu hình sự như chiếm đoạt tiền của các hộ dân hoặc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, đủ mức độ xử lý hình sự thì cơ quan thuế sẽ chuyển cơ quan công an để đề nghị khởi tố theo thẩm quyền”.

Luật sư Trịnh Cẩm Bình

Luật sư Trịnh Cẩm Bình

Tuy nhiên, theo luật sư Bình, các khách hàng của chung cư Nam Đô cần phải xem xét lại các hợp đồng mình đã ký diễn ra tại thời điểm nào.

“Phải soi chiếu thời điểm ký hợp đồng với thời điểm Luật nhà ở, Công văn số 26155/CT-HTr và thông tư 64/2013/TT-BTC có hiệu lực; xem tại thời điểm các hợp đồng mua bán đã ký có chịu ảnh hưởng bởi các văn bản luật này không. Nếu có sự đồng nhất thì mới xác định tiếp được tính đúng sai của chủ đầu tư trong sự việc này” – luật sư Bình nhận định.

“Cư dân chung cư khi mua nhà chung cư cần lưu ý xem xét kỹ các điều khoản cam kết trong Hợp đồng và nên sớm đưa ra yêu cầu đối với Chủ đầu tư khi có những điểm còn băn khoăn hoặc vướng mắc. Để tránh những vướng mắc kéo dài gây phức tạp trong quan hệ giữa Chủ đầu tư và khách hàng, Chủ đầu tư nên sớm trả lời ý kiến của khách hàng, không nên để khách hàng phải chờ đợi câu trả lời dễ nảy sinh mâu thuẫn.”

LS Trịnh Cẩm Bình

GĐ Văn phòng luật Biển Đông

Chia sẻ quan điểm của mình về những tranh chấp cũng như kiến nghị của cư dân Nam Đô với chủ đầu tư GP Invest, luật sư Trương Văn Cường, VP Luật Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay: “Qua xem xét các đơn thư mà các hộ dân cung cấp thì tôi thấy rằng, việc người dân trình bày và đưa ra các yêu cầu là có căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Quan hệ pháp luật giữa hai bên là Hợp đồng mua bán nhà. Theo đó các thỏa thuận giữa hai bên đã được ghi nhận trong hợp đồng trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật.

Còn việc quyết định đúng sai là do cơ quan có thẩm quyền (cơ quan thuế, tòa án) giải quyết trên cơ sở các chứng cứ mà các bên cung cấp.

Cơ quan thuế cần có văn bản trả lời cụ thể về mức thuế mà các hộ dân phải nộp theo quy định pháp luật. Trên cơ sở đó làm căn cứ để các hộ dân làm việc với chủ đầu tư về số tiền mà các hộ dân phải nộp.

Nếu văn bản của cơ quan thuế xác định số tiền thuế VAT mà chủ đầu tư phải nộp ít hơn số tiền mà chủ đầu tư thực tế thu của các hộ dân thì chủ đầu tư phải trả lại tiền cho các hộ dân.

Khi có căn cứ xác định số tiền mà chủ đầu tư phải hoàn lại cho các hộ dân mà chủ đầu tư không hoàn lại thì các hộ dân có quyền khởi kiện tới tòa án để được giải quyết bằng một vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà theo thủ tục tố tụng dân sự.

Trong vụ việc này khó có căn cứ để xử lý hình sự với chủ đầu tư. Vụ việc phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà và tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Nếu quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan Nhà nước có dấu hiệu sai phạm thì mới có thể khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính quy định tại Luật tố tụng hành chính hiện hành. Vụ việc này không phải là quan hệ hành chính.

Nếu chủ đầu tư trốn thuế thì mới có thể bị xử lý về hành vi này, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra. Nếu chỉ tính thuế sai cho bên mua nhà nhưng vẫn nộp đủ thuế cho nhà nước thì chỉ là tranh chấp dân sự.”

“Trước tiên, cư dân Nam Đô cần có văn bản trả lời của cơ quan thuế để xác định mức thuế VAT thực tế 

“Ở nước ta còn thiếu nhiều quy định về quản lý nhà chung cư, giao dịch về nhà chung cư... các tranh chấp, mâu thuẫn sẽ phát sinh trong lĩnh vực này cho tới khi việc sử dụng nhà chung cư trở lên phổ biến và pháp luật có quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này.”

Luật sư Trương Văn Cường

GĐ VP Luật sư Chính Pháp

 

Ngoài ra, họ có thể khởi kiện bên bán căn hộ tới tòa án để được giải quyết tranh chấp về điều khoản thanh toán (thuế và giá bán căn hộ)”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Hiện đơn kiến nghị của cư dân Nam Đô đã được Chi cục thuế Quận Đống Đa tiếp nhận và cơ quan này đã ra quyết định số 4007/QĐ-CCT-KTNB ngày 23/5 thụ lý giải quyết tố cáo của người dân Nam Đô.

Chiều 16/6, ông Võ Thanh Sơn –Trưởng Ban liên lạc ban bảo vệ quyền lợi cư dân Nam Đô cũng đã được Chi cục thuế quận Đống Đa mời lên để bổ sung thêm các tài liệu văn bản liên quan.

Chúng tôi sẽ sớm liên lạc với chủ đầu tư GP Invest để có cái nhìn khách quan hơn về vụ việc này.

>>> Xem thêm clip: Chung cư Nam Đô bị dột

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại