Chuyện nợ nần và chuỗi ngày đen đủi của bầu Đức

H.Tú |

Giờ đây, mỗi cổ phiếu HAGL đang gánh khoảng 40 ngàn đồng tiền nợ. Chuỗi ngày đen đủi của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tiếp tục nối dài.

Vận đen đầu năm

Chuỗi ngày đen đủi của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) dường như chưa dừng lại sau một năm dồn dập những tin không mấy tốt lành ập đến.

Hai phiên giảm liên tiếp đầu năm mới 2016 đã khiến cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) rơi xuống 9.600 đồng/cp.

Đây là mức thấp nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung của Việt Nam và cũng là lần đầu tiên HAG xuống dưới mệnh giá.

Trong vòng chỉ khoảng một năm, cổ phiếu HAG đã giảm khoảng 56%, từ mức giá 22.000 đồng/cp trước đó. Mức giá hiện tại của HAG chỉ còn bằng khoảng 45% giá trị sổ sách của cổ phiếu này.

Mảng kinh doanh chăn nuôi bò đang mang lại doanh thu lớn cho bầu Đức.
Mảng kinh doanh chăn nuôi bò đang mang lại doanh thu lớn cho bầu Đức.

Điều lạ là, giá cổ phiếu HAG giảm thê thảm cho dù hoạt động kinh doanh của DN tốt lên.

Doanh thu của HAGL tăng đều đặn và mạnh trong 4 quý vừa qua. Lợi nhuận cũng tăng đều qua các năm gần đây và cũng tăng theo từng quý.

Chỉ số giá/thu nhập cổ phiếu (P/E) của HAG đang ở mức 6 lần. Tất cả đang triển tiến tốt đẹp, trừ giá cổ phiếu.

Trong cả một năm trời, cổ phiếu của doanh nhân này hầu như chỉ giảm hoặc đi ngang, rất hiếm khi tăng điểm.

Riêng năm 2015, do giá cổ phiếu liên tục xuống thấp kỷ lục, bầu Đức đã mất tổng cộng gần 4 ngàn tỷ đồng.

Và tất nhiên, trong năm đen tối vừa qua, bầu Đức là người có kết quả kém nhất trong tốp 10 người giàu nhất và là người mất tiền nhiều nhất trên TTCK.

Bầu Đức rớt khỏi tốp 3, từ vị trí thứ 2 xuống vị trí số 4, xếp sau vợ người giàu nhất trên TTCK Phạm Nhật Vượng.

Trong năm 2015, ông Đoàn Nguyên Đức cũng chứng kiến một thương vụ lớn bất thành.

Hồi đầu quý II, HAGL đã chấm dứt một thỏa thuận hợp tác phát triển khu phức hợp tại Yangon, Myanmar với Tập đoàn bất động sản Rowsley Limited - Singapore.

đó, Rowsley thỏa thuận sẽ mua 50% cổ phần Hoang Anh Land với giá trị khoảng 275 triệu USD.

Nguyên nhân được HAG giải thích là do thuế suất trên lợi nhuận chuyển nhượng vốn tại Myanmar đang ở mức quá cao (40%).

Cũng trong năm 2015, HAGL chịu nhiều tin đồn ác ý liên quan tới các khoản nợ ngàn tỷ của DN này. Tin đồn HAGL sắp vỡ nợ là một trong các lý do khiến cổ phiếu HAG có những lúc tuột dốc khá nhanh.

Cổ đông ngoại thoái vốn

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của HAGL đã và đang trên đà đi lên, tiến triển tích cực trong năm 2015.

Hoạt động của HAG khởi sắc nhờ doanh thu từ sản phẩm thịt bò và khu hợp HAGL Myanmar Center.

Mảng cốt lõi nông nghiệp của HAG bắt đầu mang lại doanh thu ngày càng lớn, mang lại lợi nhuận và dòng tiền ổn định, bền vững.

Ông Đoàn Nguyên Đức đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Đoàn Nguyên Đức đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, những biến chuyển tích cực này không thể kìm hãm giá cổ phiếu đi xuống trong bối cảnh khối các NĐT nước ngoài liên tục bán ra.

Trong năm qua, khối NĐT ngoại đã bán ròng một lượng lớn cổ phiếu HAG.

Hồi đầu năm 2015, khối ngoại sở hữu 34% cổ phần của HAGL thì tới nay con số này chỉ còn hơn 14%. Gần đây, cổ đông lớn Credit Suisse cũng đã bán toàn bộ 10% cổ phần HAG.

Một trong những điểm mà nhiều NĐT lo ngại ở HAGL là: khối nợ của DN này liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây, từ mức gần 21 ngàn tỷ đồng vào cuối 2015, tổng nợ của HAGL đã lên tới trên 30,7 ngàn tỷ đồng vào cuối quý III/2015.

Với gần 790 triệu cổ phần đang lưu hành và tổng nợ (tính theo báo cáo cuối quý III) nói trên, mỗi cổ phiếu HAG đang gánh gần 39 ngàn đồng, cao gần gấp 2 lần giá trị sổ sách.

Cho dù so với vốn chủ sở hữu, tổng nợ không quá cao nhưng cũng không hề thấp, ở vào khoảng 1,8 lần. Nỗi lo của nhiều NĐT trong nước vẫn khá lớn. Họ không biết lý do tại sao khối ngoại lại bán ra mạnh đến như vậy.

Trước đó, khoản vay trái phiếu đến hạn phải trả trị giá hàng ngàn tỷ đồng của HAGL đã được gia hạn thêm 2 năm nhờ đưa HAGL Agrico - một công ty con của HAGL - niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE.

Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), rủi ro với HAG nằm ở chỗ, nguồn thu của DN này trong năm 2015 thấp hơn khá nhiều so với khoản tiền phải huy động. HAG phải huy động tiền để đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án như kế hoạch.

Trong một báo cáo tháng 12/2015, CTCK PNS cho rằng, HAG sử dụng đòn bẩy tài chính tương đối cao và đây là yếu tố khiến cho DN gặp không ít khó khăn trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh. Khoản nợ ngắn hạn lớn cũng làm tăng chi phí tài chính và làm giảm lợi nhuận.

Theo nhiều chuyên gia, điều mà thị trường quan ngại về HAG chính là sự ổn định tài chính của DN.

Bên cạnh đó, sự rớt giá của cao su và mức độ cạnh tranh cao trong lĩnh vực mía đường và vấn đề môi trường… cũng là các yếu tố có tác động tiêu cực.

Mặc dù vậy, theo PNS, việc đầu tư vào thị trường bò đã giúp cho HAG có thể tạo ra đà tăng trưởng mới cho công ty, đặc biệt vào cuối năm, thời điểm nhu cầu thịt tăng cao.

Dây chuyền hiện đại và giá thành sản phẩm cạnh tranh là lợi thế của HAG.

Trước đó, ông Đoàn Nguyên Đức đã từng phản bác dữ dội trước các tin đồn xấu về DN.

Ông Đức cho rằng, thông tin DN nuôi bò gặp khó khăn, hàng ngàn tỷ đồng nợ đến hạn không có tiền trả, bong bóng BĐS Myanmar… chỉ là cái nhìn phiến diện.

Trong năm 2015, bầu Đức cũng đã mua vào 5 triệu cổ phiếu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại