Chuyên gia "hiến kế" giúp Uber "sống sót" tại Việt Nam

David Nguyễn |

Nếu cho phép Uber taxi hoạt động tại Việt Nam thì cơ quan thuế cần thống nhất được cách thu thuế đối với “ông lớn” này.

Cần thống nhất cách thu thuế với Uber

Với mức giá rẻ hơn taxi truyền thống, cái lợi trước mắt cho khách hàng của Uber không có gì phải bàn cãi nhưng làm thế nào để hợp pháp hoá loại hình kinh doanh bằng phần mềm này tại Việt Nam – đó vẫn là một dấu chấm hỏi.

Cũng giống như Google, Facebook,… những sáng tạo công nghệ này tạo ra sức mạnh cạnh tranh đáng gờm khi xuất hiện tại mỗi thị trường, bởi sự tiện ích và giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhiều ngành khác nhau.

Nhưng điều đáng nói là cần phải nhìn rõ hiện trạng và tạo hành lang pháp lý để quản lý chúng.

Còn nhớ cách đây không lâu, người dân Việt Nam đã lên án gay gắt việc kinh doanh của Google tại Việt Nam và cỗ máy quảng cáo của họ không phải đóng thuế tại Việt Nam.

Trong khi, các doanh nghiệp như công ty cổ phần VNG – một công ty công nghệ phải căng mình lên cạnh tranh với “ông vua” quảng cáo này và còn phải chịu những khoản thuế của Chính phủ.

Còn “ông lớn” Google lại không và cả Facebook cũng theo con đường tương tự của Google.


Dịch vụ taxi sử dụng phầm mềm Uber đang gây nhiều tranh cãi. (Hình minh họa)

Dịch vụ taxi sử dụng phầm mềm Uber đang gây nhiều tranh cãi. (Hình minh họa)

Sau một thời gian hoạt động dài ở Việt Nam, cơ quan thuế đã thống nhất được cách thu thuế đối với những ông lớn này là khấu trừ tại nguồn. 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thế giới, vẫn còn có những "ông lớn" kinh doanh nhưng không phải đóng thế. Amazon có trụ sở tại Luxembourg có hoạt động kinh doanh tại Anh với doanh thu 7 tỷ bảng Anh là một ví dụ điển hình.

Theo một chuyên gia truyền thông, Uber cũng là trường mới nhất tương tự tại Việt Nam.

“Theo tuyên bố của Uber, phía đối tác ở Việt Nam sẽ có trách nhiệm chi trả các khoản thuế liên quan.

Việc kiểm soát thuế khá dễ dàng với Uber nhưng vấn đề không chỉ nằm ở thuế mà là rất nhiều những vấn đề liên quan khác” – chuyên gia này nhấn mạnh.

Bởi vì, Uber chỉ cần có xe tới ký hợp đồng, kiểm tra chất lượng xe và chạy. Trong khi đó, việc bảo vệ môi trường, bảo hiểm thất nghiệp và rất nhiều vấn đề xã hội cần quan tâm khác lại chưa được đề cập.

Ngoài ra, những công ty taxi truyền thống với hơn hàng nghìn đầu xe đã bỏ công sức xây dựng hệ thống nhân sự, phương tiện để kinh doanh lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chưa có chính sách quản lý loại hình dịch vụ này.

Vì vậy, theo quan điểm của vị này, nếu cho phép Uber hoạt động tại Việt Nam thì cần phải có những biện pháp quản lý để Uber cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng như những hãng taxi truyền thống khác.

Uber phải đặt máy chủ tại Việt Nam

Hiện tại, trên trang web của Uber bằng tiếng Việt vẫn ghi Uber thực hiện theo quy định pháp luật của Hà Lan và sử dụng tòa án Amsterdam để xử lý các tranh chấp.


Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình: Uber phải đặt máy chủ tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình: Uber phải đặt máy chủ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trên báo điện tử Bizlive, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình nhấn mạnh: “Uber phải thực hiện đăng ký kinh doanh và đảm bảo các điều kiện hoạt động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”.

Ông Bình cho rằng, những người tham gia kết nối bán dịch vụ cho Uber chính là những người tham gia hình thức kinh doanh vận tải nên họ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính họ rồi đến khách hàng.

“Họ phải tự đảm bảo, phải xin giấy phép. Đúng luật thì anh mới được hoạt động. Khi anh chưa đầy đủ điều kiện thì chưa được chở. Mà chở là trái luật thì phải chịu phạt”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cũng như đảm bảo được sự công bằng đối với các hình thức kinh doanh vận tải như taxi, Uber phải đặt máy chủ tại Việt Nam.

Cơ quan quản lý phải được truy xuất toàn bộ dữ liệu của Uber tại Việt nam, phải biết được có bao nhiêu lái xe tham gia bán dịch vụ, có đủ điều kiện lái xe không?

Điều này nhằm giảm thiểu mọi rủi ro cho khách hàng, bảo đảm cạnh tranh cho doanh nghiệp và đây phải là nhiệm vụ của cơ quan quản lý.

Theo động thái mới đây nhất, người đại diện của Uber tại Việt Nam đang làm việc với chính phủ và chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc cấm Uber hoạt động.

Ông Karun Arya - Giám đốc truyền thông khu vực Nam Á của Uber khẳng định trên Bizlive: “Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước mà Uber có mặt, Uber chắc chắn sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế.

Khi Uber hợp tác với những đối tác kinh doanh vận tải ở các nước, tất cả thông tin về tài chính, doanh thu của các đối tác đều được công khai.

Các doanh nghiệp vận tải này đăng ký hoạt động và chịu sự quản lý của nhà nước nên họ sẽ đóng thuế dựa trên doanh thu và giao dịch với Uber.

Về phía hành khách khi dùng dịch vụ sẽ thanh toán qua thẻ visa, ví điện tử... nên các cước phí thanh toán cũng rất minh bạch”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại