Sau khi Bộ Giao thông Vận tải ra chủ trương xã hội hóa ngành ĐSVN thì ngay lập tức các nhà ga như: ga Hà Nội, ga Sài Gòn và ga Đà Nẵng trở thành “miếng mồi béo bở” cho các ông lớn nhắm vào.
Cụ thể, tại cuộc họp về xã hội hóa các dự án đường sắt diễn ra giữa tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất lên Bộ kế hoạch mua 3 nhà ga, trong đó có Ga Hà Nội...
Gầy đây, báo chí tiếp tục đưa tin về việc bầu Hiển, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn T&T ngỏ ý muốn đầu tư ga Hà Nội.
Theo bầu Hiển: “Với năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý, điều hành thực hiện các dự án của mình, Tập đoàn T&T kính đề nghị Bộ GTVT xem xét và chấp thuận cho chúng tôi được làm nhà đầu tư ga Hà Nội”.
Đồng thời, ông Hiển cam kết, sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về dầu tư xây dựng, đúng tiến độ của Bộ GTVT, TP Hà Nội nhằm đóng góp, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Việc các tập đoàn xin được đầu tư vào các nhà ga có ý nghĩa như thế nào đối với ngành đường sắt Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Thành (Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN) về vấn đề này.
Đầu tư vào nhà ga và ý nghĩa đối với ngành đường sắt
Theo ông Thành, thực hiện Chiến lược phát triển GTVT đường sắt trong tình hình vốn ngân sách nhà nước đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt hạn hẹp, Tổng công ty ĐSVN đã mời một số nhà đầu tư như Tập đoàn Vingroup, CTCP Thương mại Bạch Đằng...
“Quan điểm của Tổng công ty ĐSVN là mời các nhà đầu tư có khả năng tham gia đầu tư vào ngành đường sắt.
Chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ từ năm ngoái việc xã hội hóa đường sắt. Tuy nhiên, quan trọng nhất là hình thức đầu tư, cách khai thác của nhà đầu tư như thế nào.
Về việc tập đoàn T&T có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải xin được đầu tư vào nhà ga Hà Nội thì tôi mới chỉ nghe qua, chưa nghiên cứu rõ, chưa biết họ đề nghị đầu tư và hình thức đầu tư như thế nào nên chưa có bình luận”, ông Thành nói.
Ông Trần Ngọc Thành cho rằng xã hội hóa sẽ khai thác hết tiềm năng của nhà ga Hà Nội
Tuy nhiên, ông Thành khẳng định rằng: “Ga Hà Nội là kết cấu hạ tầng của ngành đường sắt thế nên không thể bán lại mà chỉ mời các nhà đầu tư liên kết đầu tư”.
Ông Thành cho biết: “Phải hiểu là xã hội hóa ngành đường sắt, việc mời các nhà đầu tư tham gia, liên kết đầu tư vào các nhà ga như ga Hà Nội không phải mất đi năng lực của ĐSVN mà là để khai thác hết tiềm năng của khu ga này”.
Trước đó, tại cuộc họp xã hội hóa ngành ĐSVN diễn ra giữa tháng 4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị có liên quan nghiên cứu lộ trình nhượng quyền khai thác các nhà ga.
Trong đó Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh cần lưu ý đến việc công khai minh bạch để thu hút thêm các nhà đầu tư và tiến hành đấu thầu chọn nhà đầu tư có đủ tiềm lực nhượng quyền.
“Nếu chỉ có 1 nhà đầu tư thì báo cáo Chính phủ để có chỉ định trên cơ sở đàm phán nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, nhưng nhiều nhà đầu tư thì cần tổ chức đấu thầu công khai minh bạch” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
>>>> Bộ sưu tập siêu xe của tỉnh nghèo Hà Tĩnh
>>>> "Đại gia Tây Bắc" đi dép lê mê "chân dài"