EVN cần một cuộc "đại phẫu thuật"
Thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình phản ánh về tình trạng hóa đơn tiền điện tăng gấp 2-3 lần, thậm chí 8 lần so với cách đây 1 - 2 tháng.
Lý giải về điều này, nhà đèn cho biết, do thời tiết nắng nóng nên mức sử dụng điện năng của các hộ gia đình tăng cao.
Chia sẻ với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất của việc tăng giá "phi mã" này chính là do cách tính lũy tiến mới của ngành điện.
Vì vậy, nếu nhà đèn đổ cho thời tiết dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng là chưa hợp lý và chưa thuyết phục với người tiêu dùng.
Theo ông Long, ngày 16/3, giá điện được điều chỉnh tăng 7,5% thì Bộ Công thương cũng ban hành biểu tính giá mới với cách tính luỹ tiến.
Mức giá bình quân là 1.622 đồng/kWh, song ở biểu tính giá thì mức giá tiêu dùng cao nhất cho hộ sinh hoạt, lên tới 2.587 đồng/kWh.
Với bậc thang mới được điều chỉnh ở biểu giá này, theo cách tính luỹ tiến thì người sử dụng điện càng sử dụng nhiều thì chi phí càng cao, tức giá càng cao thì nhà đèn càng có lợi.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, việc tính toán chi phí và giá thành điện hết sức phức tạp vì ngành điện hoạch toán từ trên xuống dưới, nên muốn tính chính xác thì phải có cơ quan chuyên môn, kiểm toán độc lập.
“Kết quả của Thanh tra Chính phủ thì nhận định ban đầu cho thấy ngành điện làm ăn chưa hiệu quả như đầu tư ngoài ngành, năng suất lao động kém, tổn thất điện năng lớn,... mọi chi phí này đều được đưa vào giá bán điện.
Hay nói một cách khác, việc EVN lỗ là do quản trị doanh nghiệp kém giờ lại để người tiêu dùng phải gánh”, ông Long nói.
Theo ông Long, để người tiêu dùng chấp thuận được mỗi lần tăng giá thì cần tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” đối với EVN và có sự tham gia của cơ quan tư vấn, độc lập, đủ chuyên môn tham gia cùng.
Hóa đơn tiền điện tăng đột biến
Cần một bộ phận đo điện độc lập
Để đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và nhà đèn, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, nên chăng tách bộ phận đo điện ra hoạt động độc lập.
Đơn vị này có thể là trực thuộc kiểm toán hoặc một cơ quan độc lập khác giám sát.
Nếu làm được điều này thì chẳng những nhân dân yên tâm dùng điện mà nhà đèn cũng giải thoát được nghi vấn có khuất tất.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng phải thừa nhận rằng, ngành điện là “con cưng” của Bộ Công thương, đang nằm trong thế độc quyền từ khâu mua, phát điện, truyền điện cho đến bán điện nên không có cơ chế thị trường.
“Người dân đòi hỏi công khai, minh bạch của ngành điện nhưng đòi hỏi chỉ là đòi hỏi, công khai chỉ là hình thức lấp liếm còn đằng sau đó vẫn là sự độc quyền.
Muốn thoát được thế độc quyền cần rất nhiều biện pháp từ khâu quản lý nhà nước.
Trong đó, thành lập công ty giám sát số điện, phản biện riêng biệt sẽ tạo nên một sự cạnh tranh, kiểm soát độc lập, đo đếm số điện là điều rất cần thiết.
Song, để làm được việc này, chúng ta không thể ngày một ngày hai và phải kế hợp nhiều biện pháp đồng bộ khác mới giải quyết được vấn đề gốc rễ”, ông Thắng nói.
“Ý tưởng công ty giám sát độc lập không còn mới lạ nhưng để vận hành, quản lý cũng sẽ rất tốn kém.
Thực chất là nhân gấp đôi hệ thống đo đạc điện và người đi kiểm tra thì chi phí này cũng đội vào đầu người tiêu dùng mà thôi”, một vị chuyên gia khác tỏ ra quan ngại.