Khó khăn chồng chất
Được thành lập từ năm 1993, tới nay, Công ty CP XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) đã có số vốn điều lệ lên tới 6.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Geleximco – ông Vũ Văn Tiền còn giữ nhiều vị trí chủ chốt ở Ngân hàng An Bình, Chứng khoán An Bình và Phó chủ tịch CMC Group,…
Là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn ở Việt Nam, Geleximco có trong tay hàng loạt dự án có vốn đầu tư lên tới cả chục nghìn tỷ đồng như: Khu đô thị mới dầu khí - Geleximco (hơn 10 nghìn tỷ), Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, Dự án Cống hóa Mương Cổ Nhuế và Khu nhà ở thấp tầng...
Ở thời kỳ bất động sản phát triển cực “nóng”, Geleximco có dòng vốn lên tới vài tỷ USD.
Tuy nhiên, khi thị trường đóng băng, các căn hộ tung ra không có khách mua, dự án đắp chiếu dở dang, Geleximco cũng không nằm ngoài vòng xoáy suy thoái ấy. Không ít dự án của tập đoàn này gặp khó, thậm chí phải xin dừng triển khai.
Điển hình như khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (nằm ở phía Tây Bắc thủ đô thuộc địa bàn quận Hà Đông).
Được xây dựng với hình thức đô thị gồm đầy đủ siêu thị, sân golf, nhà đa chức năng, phòng khám đa khoa, tổ hợp thể dục, căn hộ, biệt thự… trên quỹ đất 135ha ở thủ đô, những tưởng đây sẽ là “mỏ vàng” giúp cho Geleximco thu được món lời lớn hơn nhiều lần số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng ban đầu.
Tuy nhiên, dự án được triển khai ngay đúng thời điểm thị trường khó khăn khiến tới tận bây giờ, Geleximco Lê Trọng Tấn vẫn là một khu đô thị hoang lạnh dù đã mở bán 4 năm.
Số lượng dân cư đến ở chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp.
Năm 2013, Geleximco cũng phải xin dừng triển khai dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình do không thể hoàn thành công trình theo tiến độ đã cam kết.
Nguyên nhân là vì quỹ đất đối ứng cho dự án của cả tỉnh Hòa Bình và Hà Nội tổng cộng gần 900ha cùng một gân golf Trung Minh 36 lỗ không đủ để hoàn vốn cho nhà đầu tư khi hoàn thành xây dựng tuyến đường (tổng mức đầu tư còn đường dài 33 km vào khoảng 18.000 tỷ đồng).
Những “ván bài” chưa lật ngửa
Tuy nhiên, từ năm 2014, Geleximco bắt đầu có những bước đi dù lặng lẽ nhưng hứa hẹn sẽ đưa tập đoàn này “trở lại” như thâu tóm cổ phần của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), tham gia vào việc tái cấu trúc Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (HANIC – Mã: SHN).
Trong lần bán cổ phiếu lần đầu (IPO) của Seaprodex, giới đầu tư không dành nhiều sự chú ý khi chỉ có 66% số lượng cổ phiếu chào bán được các nhà đầu tư đăng ký mua.
Cổ đông của Công ty CP XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) đã sở hữu 35% vốn điều lệ, là cổ đông lớn thứ 2 sau cổ đông nhà nước (sở hữu 63% vốn).
Tại đại hội cổ đông lần đầu tiên sau khi cổ phần hóa, ngày 23/3 vừa qua, ông Vũ Văn Tiền đã được bầu làm Phó chủ tịch Seaprodex.
Không khó để nhận ra Geleximco nhìn thấy gì từ Seaprodex.
Trước đó, doanh nghiệp này đã bật mí chiến lược phát triển lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khi sở hữu một quỹ đất hơn 10 lô với tổng diện tích lên tới hàng chục ngàn mét vuông trải từ Bắc vào Nam.
Trong đó có các mảnh đất vàng như lô đất tại số 4 Đồng Khởi, Quận 1, TPHCM... là một cú đầu tư đầy tiềm năng của đại gia Vũ Văn Tiền.
Mới đây nhóm gia đình ông Tiền lại dự kiến mua tới 46,5 triệu cổ phiếu phát hành thêm (tương đương 465 tỷ đồng theo mệnh giá) của Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (HANIC-mã chứng khoán SHN).
Việc Geleximco tham gia vào việc tái cấu trúc SHN khiến nhiều người bất ngờ.
Được thành lập vào 2004, SHN hoạt động kinh doanh về xe máy, thép, xuất khẩu lao động…
Trong giai đoạn 2007-2011, SHN bắt đầu tham gia đầu tư thứ cấp và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Sau nhiều lần tăng vốn, đến 2010 vốn điều lệ của SHN đã lên tới trên 324 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến khi BĐS suy thoái, SHN cũng lâm vào nguy cơ phá sản khi đối diện với rất nhiều khó khăn.
Chia sẻ về lý do tham gia vào SHN, ông Tiền cho biết SHN còn có lợi thế lớn của một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán - lĩnh vực mà Geleximco cũng đang rất quan tâm.
Có lẽ, việc tham gia tái cấu trúc SHN cũng là một bước đi mới của Geleximco khi đầu tư hàng ngang, không còn “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, nhất khi thị trường bất động sản vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt.