3 luật sư "nã đạn" vào thái độ "không thể chấp nhận" của Uber

Hoàng Đan |

Luật sư Thiệp cho rằng, việc Uber "cấm cửa" hành khách không trái pháp luật nhưng trên phương diện đạo đức kinh doanh thì khó được chấp nhận tại thị trường Việt Nam.

Khó chấp nhận ở Việt Nam

Khách hàng tên Tuấn ở Tp Hồ Chí Minh phản ánh, tài khoản của anh đã bị Uber tự động trừ 350.000 đồng, sau đó, anh nhận được một email thông báo của Uber.

Lý do phía Uber đưa ra đó là do vợ của anh Tuấn đã nôn ra xe và khoản tiền đó là "phí dọn dẹp" mà vợ chồng anh Tuấn phải thanh toán cho tài xế.

Ngay sau khi nhận được phản hồi, phía Uber đã hoàn lại toàn bộ số tiền cước phí của chuyến đi, cũng như chi phí rửa xe cho khách hàng.

Tuy nhiên, hãng cho biết sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho anh Tuấn với lý do, anh Tuấn "đã có những hành động và lời nói không phù hợp với đối tác lái xe khi sử dụng dịch vụ".

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, Uber là dịch vụ hỗ trợ vận tải ứng dụng bằng phương tiện điện tử.

Vì là dịch vụ nên khi đề nghị giao kết của bên cung cấp dịch vụ này được người tiêu dùng chấp nhận thì phát sinh quan hệ dân sự mà cụ thể là hợp đồng dịch vụ được hình thành.

Mà đã là hợp đồng dịch vụ giữa các chủ thể thì đương nhiên bị điều chỉnh bởi các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, theo đó hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ tức các bên có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, quyền bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.

Phần trả lời anh Tuấn của Uber.

Phần trả lời anh Tuấn của Uber.

"Như vậy việc không chấp nhận cho khách hàng sử dụng dịch vụ cũng là điều bình thường, không trái pháp luật, tuy nhiên trên phương diện đạo đức kinh doanh thì hành vi này khó được chấp nhận tại thị trường Việt Nam.

Hơn nữa việc phạt hành khách là người sử dụng dịch vụ Uber thì đây là điều không thể chấp nhận được, nó không phù hợp pháp lý và đạo lý.

Bởi lẽ, hiện tượng say xe dẫn đến nôn mửa là hoàn toàn bình thường, thậm chí nó luôn được cảm thông và giúp đỡ hết mức", luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Đồng thời, luật sư Thiệp cũng khẳng định, việc phạt hành khách trong khi không có các quy định của pháp luật hay có các thỏa thuận bằng các hình thức khác nhau thì không thể phạt được.

Trường hợp này khách hàng có thể không chấp nhận.

Đồng quan điểm đó, luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, việc Uber "phạt nôn" đối với hành khách đi xe là điều chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

"Việc Uber trừ hay phạt 350.000 đồng vì cho rằng khách nôn ra xe có thể nói là chưa từng có trong lịch sử dịch vụ xe khách ở Việt Nam. Chưa có bất cứ hãng nào đưa ra quy định lạ lùng như vậy", luật sư Bình nói.

Uber cần cung cấp chứng cứ rõ ràng

Theo luật sư Bình, ở đây cần làm rõ xem Uber có công khai các quy định là đi trên xe phải như thế nào và nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt với khách hàng hay không.

"Ở đây cần phải xem rõ xem có sự cam kết rõ ràng giữa Uber với khách hàng không hay là sự tùy tiện của hãng đưa ra mà không có sự đưa ra, thỏa thuận với khách hàng từ trước.

Hơn thế, nếu chẳng may khách bị nôn thì đối với các phương tiện khác người ta đều chuẩn bị các túi nôn để khách sử dụng còn ở đây Uber có hay không.

Còn việc cấm khách hàng không được sử dụng dịch vụ sau khi phản ánh có thể không sai nhưng về mặt đạo đức là không được", luật sư Bình nhìn nhận.

Luật sư Bùi Quốc Đạt, Công ty Luật TNHH Thế Lực Mới cũng cho rằng, trong trường hợp này, có hai vấn đề: thứ nhất là mức "phạt nôn" đó có được Uber niêm yết công khai cho khách hàng biết hay không để có căn cứ xử phạt.

Thứ 2 là phía Uber có những chứng cứ ghi nhận việc nôn, ói, mửa ra xe hay không?

"Uber chưa chứng minh được hai vấn đề cơ bản này thì chưa thể có căn cứ, cơ sở phạt. Bởi, hiện tại, chưa có quy định của pháp luật về vấn đề này

Ở đây, nó phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên bằng cách là Uber phải niêm yết công khai các điều cấm khách hàng ở nơi khách hàng có thể nhìn thấy, nghe thấy và biết được.

Nếu khách hàng biết mà vẫn chấp nhận sử dụng dịch vụ đó và nếu khách hàng có vi phạm thì bị phạt theo nội quy cấm đó.

Thứ nữa là phải có chứng cứ chứng minh cho việc vi phạm hay nói cách khác, phải có sự tiếp nhận ý chí và đồng ý sử dụng dịch vụ của các bên trước khi thực hiện.

Lúc đó mới có cơ sở để xử lý theo pháp luật được vì pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên", luật sư Đạt phân tích.

Cùng với đó, luật sư Đạt cũng bày tỏ, theo thông lệ, các doanh nghiệp, cửa hàng không được từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người có nhu cầu.

"Nhưng ngược lại, nếu họ từ chối cung cấp thì cũng không có cơ chế xử lý, hoặc họ làm "lơ" dưới hình thức im lặng từ chối, tìm mọi lý do cản trở việc cung cấp thì khách hàng cũng chịu.

Hơn nữa, trăm người bán, vạn người mua, không sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp này thì sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, từ việc này cũng cho thấy một điều đó là văn hóa ứng xử của Uber với khách hàng sử dụng dịch vụ của mình cần phải xem xét lại và nó không phù hợp với văn hóa, đạo đức kinh doanh Việt Nam", luật sư Đạt nói.

Giám đốc khối Tmđt Zamba của VC Corp
Nguyễn Văn Tuấn
Thay vì tuyên bố khóa vĩnh viễn, Uber Việt Nam nên thông báo tạm thời khóa tài khoản để khách hàng có thời gian hiểu và nắm rõ quy định sử dụng. Sau đó nếu khách hàng cam kết hiểu rõ quy định thì mở tài khoản trở lại. Làm như vậy, Uber Việt Nam sẽ nhận được sự đồng tình của người tiêu dùng. Đúng là khách hàng phải hiểu quy định trước khi bắt đầu cuộc chơi, không thể cứ có vấn đề lại 'la làng' được. Mặt khác, công ty cũng không bị mang tiếng bắt nạt kẻ yếu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại