Những ngày qua, việc TS Alan Phan đưa quan điểm không nên cứu mà để thị trường bất động sản (BĐS) rơi tự do thì câu hỏi trên đã trở thành chủ để tranh cãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Và theo những phản hồi mới nhất, vị chuyên gia này đã đồng ý sẽ có một cuộc đối thoại "trí thức" với các thành viên Câu lạc bộ BĐS Hà Nội – tổ chức phản ứng mạnh mẽ nhất với đề xuất trên – để làm rõ những vấn đề “khúc mắc” mà tổ chức này đặt ra.
Liên quan, đến quan điểm này của TS Alan Phan, trao đổi với PV, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản cũng đã đưa ra rất nhiều ý kiến khác nhau.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, thực tế, ở đây không nên có sự lẫn lộn giữa việc giải cứu thị trường bất động sản và giải cứu các nhà kinh doanh bất động sản.
"Với các doanh nghiệp bất động sản, đã là kinh doanh, khi có rủi ro phải tự chịu trách nhiệm, lỗ hay lãi hoặc phá sản thì đó là việc của riêng một cá thể.
Còn với thị trường BĐS, khi suy thoái không giống như thất bại của một nhà kinh doanh BĐS, nếu “chết” sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.
Vì vậy ở đây Nhà nước không nên để thị trường BĐS rơi tự do, cần có biện pháp can thiệp nhất định vì BĐS có hệ số lôi cuốn khá lớn, lôi cuốn thị trường xây dựng, vật liệu,… tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động", TS Liêm nhấn mạnh.
Cũng theo TS Liêm, việc nhà nước đưa ra gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng ở đây là để hỗ trợ, "giải cứu" thị trường chứ không phải để cứu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Còn trao đổi với PV, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường cũng cho rằng, chúng ta nên có một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản, như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ vừa rồi và chỉ đến mức đó thôi.
"Còn các nhà đầu tư BĐS có kho tồn đọng thì phải tự xử lý. Cuộc chơi trên thị trường rất sòng phẳng, lời ăn lỗ chịu", ông Võ nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lại cho rằng, không nên đặt vấn đề giải cứu thị trường bất động sản bởi lẽ, sẽ không thể cứu bất động sản nếu như nó đổ vỡ vì những nguyên nhân cốt lõi.
"Cái chính là phải xử lý vấn đề chủ yếu của thị trường, đó là sự phát triển quá nóng khiến giá bất động sản lên quá nhanh, kích thích làn sóng đầu cơ trên thị trường dẫn đến việc giá bất động sản vượt ra ngoài khả năng thanh toán. Điều này, tạo ra nhu cầu không có thực và đó chính là bong bóng thị trường.
Thêm nữa, hiện nay, trong cơ cấu của thị trường bất động sản đang mất cân đối nghiêm trọng, doanh nghiệp "chạy" theo bất động sản trung, cao cấp, trong khi nhu cầu thực là phân khúc nhà giá rẻ, nhà thu nhập thấp hay nhà ở xã hội cho những người lao động thu nhập thấp thì gần như không doanh nghiệp nào quan tâm đến. Chính vì thế thị trường tạo ra sự chênh lệch về cung cầu", ông Ánh cho hay.
Trước đó, trả lời báo chí, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, dù bất cứ người dân doanh nghiệp, ngành nghề nào gặp khó khăn thì nhà nước cũng phải hỗ trợ vì vậy, không thể để thị trường bất động sản rơi tự do hay tự phát triển.