Chờ đợi kế sách hay là sự mỉa mai?
Liên quan đến bức thư gửi trả lời các thành viên CLB bất động sản Hà Nội của TS Alan Phan, trao đổi với PV vào chiều ngày 1/4, ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết, các thành viên của CLB bất động sản (BĐS) Hà Nội khá thất vọng và muốn có cuộc đối thoại trực tiếp với TS Alan Phan để trả lời cụ thể từng câu hỏi chứ không phải chung chung trong bài viết ông đã gửi.
Về nhận định của TS Alan Phan khi cho rằng, không cần giải cứu, thị trường bất động sản sẽ tự đi lên trong vòng 4, 5 năm tới và giá sẽ giảm 40 - 50%, ông Nguyễn Hữu Cường cho rằng, đó chỉ là nhận định mà không hề có bằng chứng khoa học cụ thể của TS Alan Phan.
"Hiện nay, rất nhiều ngành nghề gặp khó khăn chứ không chỉ riêng bất động sản. Vì thế, việc giải cứu hiện nay không phải chỉ là giải cứu bất động sản mà là giải cứu nền kinh tế nói chung.
Với bề dày 43 năm kinh nghiệm từng làm việc, sinh sống ở hai cường quốc kinh tế là Mỹ và Trung Quốc, chúng tôi mong, kỳ vọng TS Alan Phan có thể đưa ra được câu trả lời về các giải pháp cụ thể, có giá trị giúp cho thị trường BĐS gỡ được nút thắt mà không cần giải cứu sẽ tự đi lên trong 4, 5 năm tới.
Nhưng với thư trả lời của TS Alan Phan chúng tôi không hề thấy một giải pháp nào cả", ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho hay, cùng với việc gửi câu hỏi, các thành viên của câu lạc bộ đã có các thông tin về tiểu sử của TS Alan Phan.
“Trong quá khứ, TS Alan Phan đã từng bị Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ kiện vì gian lận trong chứng khoán, thất bại chua cay với dự án BĐS đầu đời ở cuối thập niên 70 khi đó thị trường BĐS ở Mỹ đang phát triển rầm rộ. Vậy tại sao một người có kinh nghiệm như vậy lại thất bại?”, ông Cường đặt câu hỏi.
Từ quá khứ này của TS Alan Phan, ông Cường bày tỏ sự nghi ngờ, TS Alan Phan đang có ý đổ “giở trò” với BĐS Việt Nam để khi thị trường giảm giá sâu nhất, các doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, các tập đoàn tài chính nước ngoài sẽ lao vào thâu tóm, mua “trọn gói” các dự án để găm hàng và ba, bốn năm sau sẽ tung ra thị trường với mức giá ngang ngửa với dự án thời vàng son.
“Tôi nghi ngờ đứng đằng sau TS Alan Phan có một tổ chức nào đó vì ông ấy từng làm chủ tịch quỹ đầu tư tài chính VISA. Với những gì ông ấy đã làm với chứng khoán Mỹ thì BĐS Việt Nam cũng sẽ rất có thể xảy ra như vậy. Mọi người đừng tin rằng BĐS giảm giá người dân sẽ mua được nhà mà thị trường sẽ được thâu tóm bởi các tập đoàn đầu tư tài chính nước ngoài”, ông Cường nhấn mạnh.
TS Alan Phan chấp nhận "tranh luận trí thức"
Trước đó, trong bức thư phúc đáp các câu hỏi được CLB bất động sản Hà Nội, TS Alan Phan đã chia sẻ: "Tôi trả lời dựa trên quan điểm của cá nhân tôi, ai hợp với tôi thì ủng hộ, ai không hợp thì chê là ngạo mạn. Tôi không để ý vì đây là quan điểm của cá nhân tôi".
Đồng thời, ngay mở đầu bức thư trả lời, TS Alan Phan cũng viết: "Tôi cũng đã từng làm một nhà đầu tư dự án BĐS (real estate developer) ở tận xứ Mỹ xa xôi vào cuối thập niên 1970’s. Sau 7 năm huy hoàng với lợi nhuận, tôi và các đối tác đã trắng tay trả lại mọi vốn và lời trong dự án lớn ở Arizona vào năm 1982. Do đó, tôi khá đồng cảm với trải nghiệm “của thiên trả địa” hiện tại của quý vị".
Liên quan đến "thách đấu" của CLB bất động sản Hà Nội, trong bài viết mới nhất trên website cá nhân của mình (www.gocnhinalan.com) TS Alan Phan đã viết: "Quay qua cuộc “chất vấn”, “đối thoại”, “tra tấn” mà nhóm BĐS đòi tổ chức cho bằng được, Alan đã muốn chào thua các ngài và tịnh khẩu cho qua chuyện; vì Alan được biết “Hiệp Hội” thực ra chỉ là một câu lạc bộ với dưới 100 thành viên không có nhiều hoạt động.
Nhưng sau cuộc trao đổi với anh Phạm Đỗ Chí và các bậc trưởng thượng khác, Alan tiếp nhận lời khuyên là đất nước đang cần những cuộc thảo luận rộng mở về các vấn đề…nhức nhối; và việc Alan buông súng đầu hàng sẽ làm ô nhiễm xâm phạm đến danh dự của các vị “kẻ sĩ” này".
Điều kiện TS Alan Phan tham dự một cuộc “tranh luận trí thức” theo những quy luật ông đặt ra như sau:
- Tổ chức: Sẽ do một Viện Đại học và Hiệp Hội BĐS (anh Lê Hoàng Châu làm chủ tịch)
- Mục tiêu: Tạo nhiều góc nhìn đa chiều về vấn nạn BĐS với nhiều quan điểm độc lập và thực tiễn. Đề nghị những giải pháp khả thi và có cơ sở.
- Địa điểm: Tại một hội trường của Viện Đại học
- Thời gian: Một ngày do Ban Tổ chức sắp xếp; nhưng sau ngày 26/4 và trước ngày 12/5 vì Alan chỉ có mặt ở Việt Nam vào thời điểm này.
- Điều phối viên: Một giáo sư do Viện Đại học tuyển chọn
- Đề tài: Do Ban Tổ chức quyết định
- Tham dự: Khoảng 8 nhân vật có uy tín trong các ngành nghề liên quan đến BĐS
Trong 8 nhân vật này, Alan đề nghị Ban Tổ chức mời các vị sau đây:
Chuyên viên: T/S Phạm Đỗ Chí, L/S Nguyễn Ngọc Bích, T/S Võ Trí Thành, G/S Đặng Hùng Võ, T/S Cao Sỹ Kiêm, T/S Trần Du Lịch…
Ngân hàng và Quỹ: Ông Don Lâm (Vina Land), ông Trương Văn Phước (Eximbank), ông Peter Ryder (Indochina Capital), ông Nguyễn Đăng Hưng (SSI), ông Trần Mộng Hùng (ACB)…
Chuyên gia BĐS: Ông Đoàn Nguyên Đức (HAGL), ông Nguyễn Xuân Quang (Nam Long), ông Nguyễn Văn Đực (Đất Lành)…