"Cà phê Phindeli chưa chắc đã thắng ở Việt Nam"

Mạnh Hùng |

(Soha.vn) - Phạm Đình Nguyên đã thành công khi đưa cà phê Việt bay vào vũ trụ hay xuất hiện trên kệ hàng của đất Mỹ nhưng khi về nước, Phindeli chưa chắc đã “làm nên chuyện”.

Sau khi mua lại thị trấn Buford và đổi tên thành Phindeli, ông Phạm Đình Nguyên với slogan “Không gì là không thể” đã khiến giới cà phê không khỏi ngạc nhiên khi tuyên bố chiến lược đưa cà phê Việt chinh phục nước Mỹ.

Phindeli đầu tư 500 ngàn USD vào Mỹ - một thị trường khắt khe và đầy tính cạnh tranh.

Tham vọng chinh phục nước Mỹ của Phạm Đình Nguyên cũng được Hiệp hội cà phê và ca cao Việt Nam (Vicofa) đánh giá rất cao. Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký của Vicofa cho biết: Ý định đưa cà phê Việt thâm nhập thị trường Mỹ hiện nay đang được các Bộ, ngành và Chính phủ rất quan tâm.

Bởi lẽ, đối với cà phê, Hoa Kỳ là một thị trường lớn đứng thứ 2 sau Đức. Vì vậy, mới đây, một kỳ họp của giữa các Tham tán thương mại đã được tổ chức, mục đích đưa các nông sản Việt trong đó có cà phê thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ cũng như thị trường Châu Âu thông qua chuỗi phân phối.

“Về mặt thương hiệu, ở Đắk Lắk có cà phê Buôn Mê Thuột tạo ra tiếng vang ở nhiều nước lớn, nhưng trong thời kỳ đổi mới, cách thức tổ chức có những mặt hạn chế nên chưa được đưa vào các khu thương mại lớn, các hệ thống, các kênh phân phối lớn” – ông Vinh nhận định.

Để chinh phục người tiêu dùng Mỹ với cafe phong cách Việt của PhinDeli sẽ là thách thức lớn không chỉ ở chi phí đầu tư đắt đỏ mà còn do vấn đề khẩu vị và thói quen.

Để chinh phục người tiêu dùng Mỹ với cà phê phong cách Việt của PhinDeli sẽ là thách thức lớn không chỉ ở chi phí đầu tư đắt đỏ mà còn do vấn đề khẩu vị và thói quen.

Việc doanh nhân Phạm Đình Nguyên đưa cà phê Việt bay vào vũ trụ hay mở những quầy hàng bày bán Phindeli ngay trên đất Mỹ rất đáng trân trọng, tuy nhiên, theo vị Tổng Thư ký Hiệp hội cà phê và ca cao Việt Nam: Với tất cả những điều đó, Phindeli vẫn chưa chắc đã thắng ở Việt Nam.

Ông Vinh giải thích: “Ngay trong hội viên của Hiệp hội vẫn đang có những Tập đoàn lớn của thế giới đầu tư ở Việt Nam, họ đã bỏ tiền ra xây dựng các nhà máy, chế biến cà phê để vừa cung ứng trong nước vừa xuất ra nước ngoài (nước thứ 3)”. Phindeli ra nhập thị trường cà phê Việt đương nhiên sẽ phải đương đầu, thách thức với các Tập đoàn đồ uống lớn, các thương hiệu cà phê “sừng sỏ” này.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cà phê, theo ông Vinh: Để thành công ở thị trường Việt, PhinDeli cần phải có sự hợp tác với các doanh nghiệp trong nước. “Một số doanh nghiệp mới đây như Nestlé, cũng có sự hợp tác liên doanh với các đơn vị trong nước. Hay một số sản phẩm cà phê của Nhật cũng đầu tư vào công ty Thắng lợi của UBND tỉnh Đắc Lắc. Nếu đơn độc thì sẽ khó thành công” – ông Vinh nhấn mạnh.

Một số chuyên gia marketing cũng nhận định rằng: Mặc dù Phạm Đình Nguyên đã có những hành động nhanh chóng ngay sau khi đặt chân lên nước Mỹ, nhưng để triển khai bán hàng thành công, chinh phục người tiêu dùng Mỹ với cà phê phong cách Việt của PhinDeli sẽ là thách thức lớn không chỉ ở chi phí đầu tư đắt đỏ mà còn do vấn đề khẩu vị và thói quen.

“Để có thể thành công trên đất Mỹ, quan trọng nhất là phải hiểu được gu uống cà phê của người tiêu dùng Mỹ. Cần phải tìm hiểu thị trường, gu uống cà phê của châu Âu hay Hoa Kỳ bởi cách uống cà phê của họ rất khác mình. Cứ nhìn vào Starbucks là sẽ thấy ngay” – một chuyên gia marketing lưu ý.

Đi trước một bước so với Chủ tịch cà phê Trung NguyênĐặng Lê Nguyên Vũ trong việc mở cửa hàng cà phê Việt đầu tiên trên đất Mỹ, có người cho rằng: Vị thế “vua cà phê Việt” của CEO Đặng Lê Nguyên Vũ đang lung lay. Tuy nhiên, trò chuyện với chúng tôi, Tổng thư ký của Vicofa lại cho hay: Ông không không đồng tình với quan điểm này.

Ông Vinh nói: “Mỗi người có 1 đặc trưng riêng. Trung Nguyên có lối đi riêng của Trung Nguyên. Phải nói rằng, Đặng Lê Nguyên Vũ có chiến lược marketing khá mạnh dạn. Trung Nguyên quá hiểu thị trường cà phê trong nước, cũng như đã chịu sức ép của các doanh nghiệp cà phê FDI, hiểu được mình, hiểu được bạn, hiểu được nước ngoài.

Còn đối với một người mới, anh có thể biết thị trường nước ngoài nhưng vào Việt Nam, anh cần hiểu thị trường Việt Nam, nhu cầu trong nước, điều kiện và khả năng. Nếu biết ta, biết bạn thì mới thành công”.

Trong khi đó, cũng theo ông Vinh đánh giá: Phindeli có thể thành công trên đất Mỹ nhưng chưa chắc đã thắng ở Việt Nam, kể cả Starbucks thành công ở Indonesia, Malaysia hay nhiều nước Asean nhưng chưa chắc đã “làm nên chuyện” ở Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại