Suốt cả năm, chỉ có mẫu Honda SH Mode, Lead 125 và Exciter GP có giá bán cao hơn giá đề xuất, còn lại ất cả đều rớt giá mạnh. Mẫu xe Honda Air Blade 125 khi mới ra luôn "cháy" hàng, giá cao hơn tới 5 triệu đồng so với giá đề xuất, nay rớt thê thảm, thấp hơn giá từ 1,5 - 2 triệu đồng. Thảm hại nhất, có lẽ là mẫu xe Yamaha Cuxi, có giá niêm yết tới 32,9 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ bán được 18 triệu cũng không bán được.
Giá giảm, tiêu thụ rất chậm, khiến hàng loạt các đại lý chịu cảnh tồn kho. Nhiều đại lý bán xe máy cho biết tồn kho hàng trăm chiếc, thậm chí có đại lý Honda tại Hà Nội vào thời điểm tháng 7 âm lịch còn tồn kho gần 1.000 chiếc.
Tính bình quân 1 chiếc xe mua vào với giá 1.000 USD, tồn kho 100 chiếc cũng mất cỡ 100.000 USD, tương đương với 2,1 tỷ đồng. Số tiền này phải trả lãi, chưa kể cũng phải chi hàng chục triệu đồng thuê kho chứa gần 100 triệu/tháng.
Ngoài ra còn chi phí thuê mặt bằng bán hàng lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng, tiền điện nước, lương nhân công, thuế... Trong khi giá xe bán ra thấp hơn giá đề xuất nên ăn vào lợi nhuận của các đại lý.
Một số đại lý cho biết, nếu bán trên 500 xe/tháng, cộng với làm các dịch vụ bảo hành bảo dưỡng, sửa chữa tốt thì vẫn tồn tại được, còn những đại lý chỉ bán cỡ 100 xe/tháng, không làm dịch vụ cầm chắc thua lỗ.
Đại lý Honda tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, hiện họ bán được trên 200 xe/tháng và thua lỗ khoảng 200 triệu đồng/tháng. Đại lý Honda mà như vậy thì đại lý của các thương hiệu khác như Yamaha, Suzuki, SYM... còn khó khăn hơn.
Lỗ lớn, nhiều đại lý tại Hà Nội đã phải rao bán cửa hàng. Một đại lý dưới dốc cầu Vĩnh Tuy (Long Biên) đã bán cho chủ mới. Tại Quốc Oai, Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân... một số đại lý cũng đã được bán với giá phổ biến từ 3 - 3,5 tỷ đồng. Nhiều cửa hàng bán xe máy dọc phố Huế, Bà Triệu, Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) trước đây đông đúc, nhộn nhịp bao nhiêu thì nay vắng vẻ, đìu hiu bấy nhiêu.
Trước kia, để có được một đại lý xe máy, nhất là của hãng lớn tại Hà Nội thì vô cùng khó khăn và tốn cả chục tỷ đồng, nhưng nay lại đang rao bán nhan nhản. Theo thống kê, có đến 1/3 số cửa hàng tại đây đã phải đóng cửa.
Đại lý Yamaha lớn trên phố Bà Triệu nay đã chuyển thành nhà hàng cơm, gọi điện hỏi thì nhận được trả lời đang tạm ngừng hoạt động, chưa biết khi nào mới kinh doanh trở lại. Tại phố Huế, đại lý SYM chỉ còn có biển treo trên tầng 2, tầng một thành quán bán hải sản. Gần đó một đại lý của Honda cũng đã phải chuyển lên quận Tây Hồ vì ở đây xe bán chậm, giá thuê mặt bằng đắt.
Đại lý Honda tại phố Bà Triệu cho biết xe ngày càng bán chậm, trước đây có thể bán trên 300 xe/ tháng, nay chỉ bán được 30 xe/tháng. Ông chủ đại lý cũng cho biết, đã giảm tối đa số lao động, chỉ còn 6 người kể cả người nhà.
Thừa công suất, đua ra xe mới
Cuối tháng 3/2013 Honda Việt Nam tung ra mẫu xe Lead mới với động cơ 125cc cùng thiết kế mới. Sang tháng 4, mẫu xe tay ga Vision cũng được làm mới. Tới tháng 5, Honda tung ra mẫu SH mode với giá bán 50 triệu đồng. Đầu tháng 9, Honda lại giới thiệu phiên bản Air Blade 125 Magnet...
Yamaha Việt Nam, tháng 4/2013 đã ra mẫu Sirius RC và xe ga Luvias GTX. Đến giữa năm là phiên bản Exciter 2013 và vào tháng 10 ra mắt Exciter GP 2013. Giữa tháng 12, Yamaha có thêm phiên bản mới của 5 dòng xe chủ lực trong năm 2014 gồm: Nouvo SX, Nouvo GP, Exciter GP, Nozza và Jupiter Fi.
Piaggio đến giữa năm 2013 đã ra mắt 2 mẫu xe Vespa LXV 3V i.e và Libety 3V i.e mới, tiếp đến tháng 11 ra mắt Vespa Primavera và GTS Super thay thế cho mẫu Vespa LX.
Từ đầu năm đến tháng 10/2013, Suzuki Việt Nam tiếp tục làm mới dòng sản phẩm Hayate với Hayate SS và Hayate SS FI, Viva 115, Axelo 125. Đồng thời, ra mắt mẫu xe côn tay mới Raider 150cc. SYM ra mắt Shark 125 EFI, Attila Elizabeth EFI, Galaxy 110 phiên bản mới.
Ồn ào là vậy nhưng các hãng xe đang đối mặt với tồn kho và dư thừa công suất rất lớn. Một số nguồn tin cho biết, năm nay Honda Việt Nam chỉ tiêu thụ 1,9 triệu xe, bằng năm 2012 và thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Nếu tính Honda đang chiếm giữ 65% thị phần, ước tính cả năm 2013 sản lượng xe máy các DN sẽ vào khoảng 3 triệu chiếc. Con số này giảm so với 3,3 triệu chiếc của năm 2012 và 3,8 triệu chiếc của năm 2011.
Honda Việt Nam cho biết, nhà máy thứ 3 của DN này tại Hà Nam đã lùi thời gian hoạt động đến tháng 3/2014 thay vì đầu năm 2012 như dự kiến. Tuy nhiên, đến nay nhà máy vẫn bất động. Với công suất của 2 nhà máy tại Vĩnh Phúc là 2 triệu xe/năm chưa dùng hết thì tương lai nhà máy ở Hà Nam rất bấp bênh.
Tương tự, Yamaha Việt Nam, đang dư thừa công suất. Yamha Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% thị phần xe máy, ước tính tiêu thụ 750.000 xe trong năm nay, dư thừa cỡ 50%. Các DN khác như SYM có công suất 2 nhà máy tại Đồng Nai và Hà Nội là 540.000 xe/năm, Suzuki Việt Nam cũng có 2 nhà máy sản xuất xe máy tại Đồng Nai với công suất 200.000 xe/năm, Piaggio Việt Nam 300.000 xe/năm... còn khó khăn hơn nhiều, dư thừa công suất trên 50%.