Bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu: “Lùi” để “tiến”?

Trong câu chuyện điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước lâu nay, vấn đề thiếu minh bạch được “soi” nhiều nhất, nhiều bất cập nhất, không gì khác là vấn đề điều hành hoạt động của Quỹ bình ổn giá.

Câu hỏi đặt ra là trích lập Quỹ như thế nào, ai được “hưởng lợi” từ Quỹ là mối quan tâm lớn của người dân? Không có gì ngạc nhiên khi tại Hội thảo về sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu mới đây do Bộ Công Thương tổ chức, đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu lại nhận được nhiều sự ủng hộ đến thế.

Trước hết là thực trạng việc điều hành, quản lý Quỹ này không minh bạch; tính vào giá bán xăng dầu là vô lý, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Thực tế hiện nay, chúng ta vẫn chưa quy định được thuế xăng dầu phải ổn định, để tránh việc giá xăng dầu trong nước biến động một cách tùy biến theo ý muốn của các doanh nghiệp đầu mối.

Đơn cử như từ đầu năm 2013 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước liên tục có biến động, chủ yếu theo chiều hướng tăng trong khi giá thế giới được điều chỉnh. Đến khi giá thế giới giảm sâu, phải mất một thời gian dài giá trong nước mới điều chỉnh giảm, với lý do phải chờ đợi sau 30 ngày để tính toán theo quy định của Nghị định 84.

Liên Bộ Công Thương – Tài chính (cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ trực tiếp về điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước) lấy lý do phải chờ báo cáo lỗ - lãi của doanh nghiệp; trong đó căn cứ chủ yếu là thời hạn điều chỉnh 30 ngày theo Nghị định 84 của Chính phủ. Nếu các doanh nghiệp vẫn lỗ, sẽ tính toán trích Quỹ bình ổn, rồi giảm thuế (nhập khẩu), cuối cùng mới đến điều chỉnh tăng giá.

Bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu: “Lùi” để “tiến”?
 

Thực tế, lỗ lãi của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, qua nhiều cuộc họp giữa liên bộ Công Thương – Tài chính đều cho thấy các cơ quan chủ quản đều không nắm rõ. Chỉ biết khi giá thế giới biến động, doanh nghiệp “kêu”, liên bộ lại sử dụng Quỹ bình ổn để ổn định thị trường, theo hướng bảo đảm nguồn thu cho doanh nghiệp, lại vừa giữ được ổn định giá thị trường.

Đề xuất của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tại Hội thảo của Bộ Công Thương vừa qua về sửa đổi Nghị định 84 đã đưa ra 2 phương án liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong đó có phương án về việc bỏ quỹ này.

Quan điểm được đưa ra là khi thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán xăng dầu và người dân chấp nhận giá bán xăng dầu theo cơ chế thị trường thì việc lập Quỹ bình ổn là không cần thiết. Bên cạnh đó, việc bỏ quỹ sẽ làm giảm bớt và ổn định các yếu tố cấu thành giá bán, làm minh bạch giá bán lẻ xăng dầu.

Thực tế, khi đã xác định điều hành giá xăng dầu theo hướng thị trường (với tham chiếu là giá thế giới) thì Nhà nước không nên can thiệp như hiện nay nữa mà nên nhường quyền chủ động cho doanh nghiệp; phần giữ lại là cơ chế giám sát mà thôi. Nếu Quỹ bình ổn tiếp tục được duy trì và Nhà nước tiếp tục sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ điều tiết giá bán lẻ thì khi giá xăng dầu thế giới giảm, thương nhân đầu mối phải tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình, không hạn chế khoảng cách thời gian giữa hai lần giảm và số lần giảm như quy định tại Nghị định 84. Nghĩa là tiếp tục diễn biến các bất cập khi giá thế giới tăng thì doanh nghiệp trong nước đòi điều chỉnh giá, giảm thì lại lôi các yếu tố khác ra để ghìm như hiện nay.

Có nhiều đề xuất được đưa ra trong các hướng điều chỉnh Nghị định 84, nhưng xem ra cơ quan chủ quản vẫn muốn “giữ” quyền lực quản lý của mình, dù đó là các biện pháp đầy bất cập. Mạnh dạn trao quyền cho doanh nghiệp và quản lý bằng chế tài chặt chẽ, đó sẽ là biện pháp mạnh để các cơ quan hữu quan thể hiện quyền lực giám sát của mình đối với doanh nghiệp mà Nhà nước đã giao phó. Vấn đề ở chỗ liên bộ Công Thương – Tài chính có dám “lùi” để “tiến” như đề xuất mạnh dạn của chính các doanh nghiệp?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại