Bầu Đức bán máy bay cũ lại cho Công ty Quản lý bay VN

Duyên Duyên |

Theo ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, đơn vị này đang có kế hoạch mua lại chiếc máy bay King Air của bầu Đức làm máy bay dẫn đường.

Ngày 25.2, báo An ninh Thủ đô đưa tin, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) Đinh Việt Thắng cho biết, VATM đã hoàn thành xong đề án thành lập Công ty CP dẫn đường bay hiệu chuẩn trong đó sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Điều này xuất phát từ thực tế các nước trong khu vực như Thái Lan đều có đội bay dẫn đường riêng, và Thái Lan hiện có 3 chiếc máy bay hiệu chuẩn.

Còn Việt Nam trước đây bay thuê của VASCO nhưng chiếc máy bay này đã bị tai nạn hư hỏng. Năm 2014, việc bay dẫn đường hiệu chuẩn phải thuê của nước ngoài.

“VATM đã có phương án mua tàu bay và đầu tư đội bay hiệu chuẩn. Trong năm 2015 sẽ mua chiếc máy bay hiệu chuẩn đầu tiên do Công ty CP dẫn đường bay hiệu chuẩn thực hiện.

Chúng tôi đang đàm phán mua lại chiếc máy bay King Air của bầu Đức, loại máy bay này rất tốt và phù hợp cho việc bay hiệu chuẩn”, ông Thắng cho biết.

mua-may-bay-moi-bau-Duc-ban-may-bay-cu-cho-Cong-ty-Quan-ly-bay-Viet-Nam-hinh-anh-1
Chiếc máy bay Beechcraft King Air 350 mà bầu Đức định bán cho Công ty Quản lý bay được mua vào năm 2008 với giá 7 triệu USD 

Cũng theo lãnh đạo VATM, bầu Đức đã cam kết, sẽ ưu tiên bán chiếc máy bay King Air cho VATM nếu đơn vị này có nhu cầu. 

Điều này cũng trở nên hợp lý khi mới đây bầu Đức vừa sắm cho mình chiếc phản lực Legacy 600 trị giá 27 triệu USD.

Và chỉ một ngày sau khi bầu Đức ký hợp đồng chuyển nhượng 50% cổ phần Công ty Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center cho tỉ phú Peter Lim, ông đã sử dụng chiếc máy bay mới mua để bay về Gia Lai xem bóng đá.

Ngay sau khi thông tin bầu Đức mua máy bay bị "rò rỉ" đã có nhiều đồn đoán cho rằng, mục đích "tậu" máy bay mới của ông bầu Đoàn Nguyên Đức là nhằm chở lứa cầu thủ như Công Phượng đi đá bóng.

Tuy nhiên, trả lời trên báo Thanh Niên ngày 24.2, bầu Đức đã phủ nhận điều này. “Làm gì có chuyện HAGL bỏ ra mấy chục triệu USD mua máy bay chỉ để chở cầu thủ đi đá bóng.

Tôi luôn có những quyết định táo bạo, khác người, nhưng quyết định nào cũng dựa trên lợi ích chung của tập đoàn và phải hợp tình hợp lý.

Ngay cả các CLB danh tiếng, giàu có trên thế giới cũng không dại gì mua máy bay để chở cầu thủ đi thi đấu vì rất tốn kém và không hợp lý.

Nếu quyết định mua máy bay mới, thì tôi mua để đi lại thuận tiện hơn, phục vụ việc kinh doanh của tập đoàn HAGL đang ngày càng mở rộng sang các nước trong khu vực như Myanmar, Lào, Campuchia…” - bầu Đức nói.

mua-may-bay-moi-bau-Duc-ban-may-bay-cu-cho-Cong-ty-Quan-ly-bay-Viet-Nam-hinh-anh-2
  Chiếc phản lực Legacy 600 mà bầu Đức mới tậu trị giá hơn 27 triệu USD

Được biết, chiếc máy bay Beechcraft King Air 350 mà bầu Đức định bán cho Công ty Quản lý bay được mua vào năm 2008 với giá 7 triệu USD.

Tính đến nay, chiếc máy bay này đã gắn bó với ông bầu được gần 8 năm. Đây là loại máy bay cánh quạt, dài hơn 10m và sải cánh hơn 15m, có thể bay liên tục 3.500 km, với tốc độ nhanh nhất đạt 583 km/giờ.

Còn chiếc phản lực Legacy 600 mà bầu Đức mới sắm là loại siêu máy bay kích thước trung bình chở được 13 hành khách, có nội thất tiện nghi và riêng tư với ba khu vực cabin riêng.

Ngoài các tiện nghi cơ bản trên máy bay còn có một bếp, tủ áo, DVD giải trí, hệ thống liên lạc bằng vệ tinh và thiết bị dữ liệu vào Internet tốc độ cao trong khi đang bay.

Với tầm bay 6.019km với tám hành khách hoặc 6.297km với bốn hành khách, Legacy 600 là một trong bảy loại máy bay phản lực riêng chở từ 8-19 khách được một số khách hàng lựa chọn vì tiện nghi và tính cơ động cao.

Được biết, Embraer (Emprensa Brasileira de Aeronautica S.A.) của Brazil là công ty hàng không lớn thứ 3 thế giới (sau Boeing và Airbus) cung cấp máy bay phản lực thương mại từ vài chỗ lên đến 120 chỗ ngồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại