Ngân hàng Quân đội (MB) tiết lộ lương nhân viên

Ngọc Anh |

Mức tiền lương bình quân tháng của nhân viên Ngân hàng Quân đội đạt 11,05 triệu đồng còn mức thu nhập bình quân tháng cao hơn, ở mức 18,14 triệu đồng.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB – mã chứng khoán MBB) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất năm 2014.

Số liệu tại BCTC riêng cho thấy, giai đoạn từ 1/1/2014 đến 31/12/2014 ngân hàng có bình quân 1.915 nhân viên.

Mức tiền lương bình quân tháng của nhân viên ngân hàng đạt 11,05 triệu đồng còn mức thu nhập bình quân tháng cao hơn, ở mức 18,14 triệu đồng.

Trong năm, MB đã dành ra 1.287,5 tỷ đồng cho chi phí nhân viên, với 784,4 tỷ đồng chi lương, 308,5 tỷ đồng chi thưởng và thu nhập khác cho nhân viên là 194,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại báo cáo hợp nhất, số lượng cán bộ, công nhân viên bình quân năm 2014 tại ngân hàng và các công ty con là 6.507 người.

Tiền lương bình quân tháng đạt xấp xỉ 11 triệu đồng và thu nhập bình quân tháng là 17,73 triệu đồng. Hiện, MB có 5 công ty con và 3 công ty liên kết.

Cũng theo BTCT hợp nhất, trong quý IV/2014 vừa rồi, ngân hàng MB có lãi sau thuế 533,5 tỷ đồng (tăng 32,4% so cùng kỳ) đưa mức lãi cả năm lên 2.476 tỷ đồng (tăng 8,8% so với 2013).

Đáng chú ý là mức trích lập chi phí dự phòng của MB tăng mạnh trong quý IV lên 530,7 tỷ đồng (tăng 69,1% so với quý IV/2013) và con số này cả năm 2014 là 2.018,7 tỷ đồng (tăng 6,7% so với 2013).

Không kể các khoản phải thu khách hàng của CTCP Chứng khoán MB (MBS) là 991,1 tỷ đồng thì trong năm vừa rồi, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 14,1% với 99.577,9 tỷ đồng tổng dư nợ.

Song song với đó, nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu cũng tăng. Tính đến cuối năm 2014, MB có 2.861,8 tỷ đồng nợ xấu (tăng 33,3% so với 2013), chiếm tỉ lệ 2,87% tổng dư nợ (tỉ lệ nợ xấu năm 2013 là 2,46%).

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm gần 9%, song nợ nghi ngờ (nhóm 4) lại tăng 33,9% và nợ có khả năng mất vốn tăng 66,7% so với năm trước đó.

Nợ có khả năng mất vốn của MB tại thời điểm 31/12/2014 gần 1.400 tỷ đồng (chiếm 47,7% tổng nợ xấu).

Cũng trong năm vừa rồi, tốc độ tăng trưởng huy động của MB đạt 23,16% với 167.608,5 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng.

Qua đó khiến tổng nợ phải trả tăng 11,3% so với năm 2013 lên 183.341 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 20.108,1 tỷ đồng.

 - Ảnh 1
Mức tiền lương bình quân tháng của nhân viên Ngân hàng Quân đội đạt 11,05 triệu đồng còn mức thu nhập bình quân tháng cao hơn, ở mức 18,14 triệu đồng. (Ảnh minh họa).

Đầu năm, ngân hàng lì xì bao nhiêu?

Thông tin trên báo Infonet, ngoài tiền thưởng Tết cuối năm được nhân viên ngân hàng coi như phần thưởng cho cả một năm lao động cật lực, thì khoản tiền lì xì đầu năm mà họ được nhận từ sếp lại được coi là “món quà may mắn” cho cả năm.

Tuy nhiên, mỗi người lại có quan niệm khá khác nhau về tiền lì xì đầu năm của sếp.

Chị Thu Hường - làm việc tại chi nhánh ngân hàng MB bồi hồi nhớ lại mấy năm trước khi ngân hàng còn làm ăn khấm khá, lãnh đạo chi nhánh cũng chi “sộp” cho khoản lì xì đầu năm dành cho nhân viên.

“Có năm riêng sếp Phó đã hào phóng lì xì cho mỗi nhân viên 1 triệu đồng. Đấy là còn chưa kể Giám đốc chi nhánh cũng mừng tuổi nhân viên chi nhánh một khoản tương tự, nên cũng khá rủng rỉnh” - chị Hường kể.

Nhưng đó là “hồi ức” của cách đây 2-3 năm, chứ kể từ sau khi ngành ngân hàng lâm vào cảnh khó khăn, tiền lì xì của sếp dành cho nhân viên theo đó giảm theo.

Như Tết năm ngoái, mỗi nhân viên chi nhánh nơi Hường làm việc chỉ nhận được bao lì xì của sếp 300.000 đồng.

Và năm nay tình hình chung theo cô dự đoán chắc cũng chỉ tương tự, dù doanh thu của chi nhánh cũng thuộc nhóm khá của ngân hàng.

“Thực tế tiền lì xì nhiều hay ít không hẳn phụ thuộc nhiều vào doanh thu mà là chủ yếu do tấm lòng của sếp thôi. Nhưng nếu chi nhánh đạt doanh thu thấp, sếp cũng khó hào hứng mà lì xì nhiều cho nhân viên” – Hường chia sẻ.

Háo hức nhận tiền lì xì đầu năm lấy may như Hường, nhưng đây là năm đầu tiên chị Lan – cán bộ tín dụng Ngân hàng VPBank “đầu quân” vào ngành ngân hàng nên chị hồi hộp không biết lì xì đầu năm có cao hơn so với cơ quan cũ hay không.

“Trước mình làm việc cho một công ty về công nghệ thông tin nên chuyện lì xì đầu năm với các sếp cũng chỉ là món quà nhỏ lấy may đầu năm thôi. Sang ngân hàng rồi không biết có khác biệt nhiều không” - chị Lan tâm sự.

Dù háo hứng nhận tiền mừng tuổi từ chính tay sếp ngày đầu năm, tuy nhiên với nhiều nhân viên ngân hàng thì đây chỉ là khoản tiền mừng tuổi lấy may đơn thuần, họ không câu nệ được ít hay nhiều.

Anh Hoàng – cán bộ tín dụng Ngân hàng VIB quan niệm, “cái mình thích nhất là trong ngày đầu tiên đi làm, sau khi anh em trong phòng chúc tụng nhau năm mới thì sếp sẽ mừng tuổi bao lì xì đỏ cho từng người một để lấy may.

Vì thế mình không quan trọng được bao nhiêu tiền” – anh chia sẻ và tiếp lời, “quan trọng hơn cả chính là tấm lòng và cách trao nhận.

Dù là số tiền ít nhưng nếu cách trao của người cho thể hiện tấm lòng của họ thì mình rất trân trọng”.

Còn ở vị trí của lãnh đạo ngân hàng, Giám đốc trung tâm tín dụng một ngân hàng thương mại lớn có trụ sở tại quận Cầu Giấy cho biết, cuối năm dù bận rộn nhưng ông vẫn không quên chuẩn bị một lượng tiền mới để đầu năm mừng tuổi lấy may cho nhân viên.

Số lượng nhân viên của trung tâm khá nhiều, lên tới hơn trăm người nhưng ông vẫn cố gắng tận tay trao tiền lì xì tới từng người trong ngày đầu năm mới.

“Đây đã là truyền thống của trung tâm lâu nay nên dù là người mới về tiếp quản được hơn hai năm tôi vẫn cố gắng duy trì để mọi người đều cảm thấy hào hứng trong ngày đầu tiên đi làm” – vị giám đốc này chia sẻ.

Còn về số tiền mừng tuổi, ông cho hay, “cũng là ở tùy tâm, nhưng cũng không đến nỗi quá ít để anh em đầu năm phải tiu ngỉu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại