Trong Lễ khởi động Chung tay vì tầm vóc Việt, Chủ tịch tập đoàn TH, doanh nhân Thái Hương đã trao tặng 1 triệu ly sữa sạch cho học sinh nghèo với mong muốn góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam.
Cũng tại buổi Lễ, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng đã có những cảnh báo về thực trạng dinh dưỡng của người Việt
Vấn đề chiều cao, sức khỏe, tuổi thọ và các chỉ số phát triển con người của người Việt Nam từng bước được nâng lên song tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi năm 2013 là gần 26%, ảnh hưởng sâu sắc đến tầm vóc cũng như thể lực của người Việt khi trưởng thành.
Đánh giá về thực trạng này, PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam khác xa so với trẻ em các nước trong khu vực chính là do khẩu phần chưa đáp ứng được nhu cầu kiến nghị.
"Một khẩu phần hàng ngày hiện nay của chúng ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu về năng lượng và thiếu hàm lượng các chất đạm có giá trị dinh dưỡng cao. Bên cạnh đó, trẻ em chúng ta còn chịu một nạn đói tiềm ẩn đó là thiếu vi chất dinh dưỡng.
Một khẩu phần chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu về sắt, kẽm, 35% nhu cầu về vitamin A có giá trị sinh học cao, 35% nhu cầu về i - ốt được đáp ứng. Việc thiếu vi chất dinh dưỡng này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của trẻ không chỉ về tăng trưởng thể lực mà còn về thể chất cũng như thành tích học tập của các em.
Bên cạnh đó, việc thiếu khu vui chơi, hoạt động thể lực, nhiễm giun đường ruột... cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kém phát triển thể lực. Thêm vào đó, với 15% trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân, 25% trẻ suy dinh dưỡng thấp còi... thì đó là điều ảnh hưởng rất lớn với trẻ, hạn chế tầm vóc của người Việt Nam", PGS Mai cho hay.
Đại diện Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trao “Giấy xác nhận công nhận sữa tươi tiệt trùng - sữa học đường” đã có hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em cho bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH.
Theo PGS.TS Mai, cùng với các hoạt động khác, chương trình sữa học đường có giá trị rất tốt, đáp ứng được ngay nhu cầu còn thiếu của trẻ em.
"Khẩu phần hiện nay của trẻ em mới chỉ có 60% nhu cầu canxi được đáp ứng và nhu cầu trong quá trình tăng trưởng của trẻ thì rất cần canxi để tạo khối xương cho phát triển tốt hơn về chiều cao. Thực tế, khẩu phần hiện nay chưa coi sữa là thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, mà sữa lại cung cấp canxi rất tốt.
Vì thế, việc sử dụng thực phẩm sữa để đưa vào chương trình Sữa học đường trước khi triển khai được một cách toàn diện hơn bằng bữa ăn học đường là điều rất thích hợp, phù hợp với khẩu phần của trẻ em.
Thêm vào đó, thông qua chương trình Sữa học đường, sẽ khơi dậy sự thay đổi thói quen của người Việt Nam chúng ta trước đây là ít sử dụng sữa. Sữa học đường sẽ giúp các ông bố, bà mẹ và toàn xã hội quan tâm hơn đến bữa ăn của trẻ, đặc biệt là khẩu phần canxi.
Một điều cũng cần nói đến là Sữa học đường sẽ có sự tham gia không chỉ của ngành Y tế, Giáo dục mà còn của các ngành, các cấp, tổ chức xã hội và chính mỗi cá nhân, cộng đồng giúp cho chúng ta có nguồn lực tốt hơn trong chăm sóc trẻ em, đặc biệt là cải thiện dinh dưỡng và tầm vóc người Việt.
Với các cơ sở khoa học, kinh nghiệm của các nước, chúng ta hy vọng sẽ triển khai thành công chương trình sữa học đường", PGS.TS Mai nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng trao tặng 1 triệu ly sữa tươi sạch TH School MILK cho đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuyển tới cho các trẻ em thuộc huyện nghèo 30A và biển đảo.
Chia sẻ về tầm quan trọng của chương trình sữa học đường, GS. TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, đây là chương trình rất lớn và muốn triển khai thành công, có hiệu quả thì rất cần các chính sách của Đảng, Nhà nước cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp.
"Thực tế, một số mô hình sữa học đường đã được triển khai ở Việt Nam và Viện Dinh dưỡng đã thực hiện rất tốt chương trình điểm về sử dụng sữa tươi sạch của Tập đoàn TH ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Hiệu quả ở đây là đã cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, tình trạng nhẹ cân, cải thiện chiều cao, giảm thiếu vi chất dinh dưỡng.
Vì vậy, các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong chương trình này. Tuy nhiên, vì chương trình rất lớn nên cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó, cộng đồng tức là gia đình và phụ huynh phải hiểu được vai trò quan trọng của sữa học đường. Đồng thời có sự tham gia, đóng góp thì mới có thể thành công", GS Hợp nói.
GS Hợp cũng bày tỏ, có chương trình sữa học đường thì cần phải ban hành được quy chuẩn của sữa đảm bảo về chất lượng, bổ sung các vi chất cần thiết, phù hợp cho từng lứa tuổi.
Video: GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam nói về chương trình sữa học đường:
Là đơn vị đồng hành cùng chương trình, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk cũng cho rằng, sữa học đường là một trong những hoạt động cụ thể hóa đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Vận mệnh, tương lai của đất nước chúng ta phụ thuộc rất lớn vào việc chúng ta chăm sóc lứa tuổi vàng, lứa tuổi học sinh mẫu giáo, tiểu học như thế nào. Để đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt thành công, tôi thiết nghĩ đó phải là sự thấu hiểu sâu sắc, vào cuộc của cộng đồng xã hội. Đặc biệt, đó là các bậc phụ huynh và các thầy cô đang trực tiếp nuôi dưỡng các em trong lứa tuổi này.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước. Như các nhà khoa học đã cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm và sữa không ngoại lệ, tôi đề nghị, Chính phủ cần ban hành ngay quy chuẩn sữa học đường. Khi tiến hành phối hợp cùng Bộ Y tế và các chuyên gia Pháp thực hiện khảo sát, thực nghiệm lâm sàng trên 3.600 trẻ tại Nghĩa Đàn (Nghệ An), chúng tôi đặc biệt chú ý đến xuất xứ nguyên liệu đầu vào để làm sữa học đường. Đó là sữa tươi sạch bổ sung vi chất...", bà Thái Hương chia sẻ.
Theo bà Thái Hương, trong đề án này, hai vấn đề cần quan tâm, đó là nguồn lực về sữa và về tài chính. "Về nguồn lực sữa, với 12 triệu trẻ em, mỗi ngày, một trẻ là 180ml, như vậy, một năm chúng ta cần khoảng 400 triệu lít sữa. Trong quy chuẩn về sữa học đường chúng tôi đã gửi lên Bộ Y tế thì sữa phải xuất phát từ sữa tươi sạch về vấn đề này thì TH True Milk là đơn vị đã được cấp giấy phép, chứng nhận. Hiện tại, TH đã đạt 200 triệu lít sữa/ năm, đến năm 2015, chúng tôi sẽ có 500 triệu lít sữa. Về lượng sữa, chúng ta không thiếu nhưng cần phải có ngay quy chuẩn về sữa để các đơn vị chưa đạt được về tươi, sạch sẽ phải soi vào đó.
Với nguồn lực về tài chính, chúng tôi thấy không còn nằm ở các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đủ lượng về sữa nhưng những bà mẹ có đủ tiền để mua sữa cho con không? Với 12 triệu trẻ nhỏ, trong đề án, chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp. Trước tiên, vẫn là cơ chế của Đảng, Nhà nước, đó là, cần ban hành cơ chế để khích lệ các doanh nghiệp. Thêm vào đó, trong 12 triệu trẻ em thì chỉ có khoảng 600.000 trẻ thuộc diện nghèo còn lại các bà mẹ đều không phải không có khả năng mua sữa cho con.
Vì thế, chúng ta, ngoài việc miễn 100% tiền sữa cho các trẻ em nghèo thì cũng cần có cơ chế khuyến khích trong việc giảm khoảng 30% giá sữa cho các bà mẹ còn lại ở nông thôn khác để có thể mua sữa cho con.
Tôi nghĩ, đề án sẽ thành công. Bởi vì, ngoài việc, Bộ Y tế cấp chứng chỉ đầu tiên cho TH về sữa tươi sạch học đường thì tôi cho rằng, tất cả chúng ta đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con em mình. Hãy chung sức, chung lòng làm cho trẻ em mình một ly sữa tốt nhất với tấm lòng, trái tim của người mẹ thì điều đó không có gì khó", bà Thái Hương khẳng định.