Kinh doanh khởi sắc, "vua tôm" Minh Phú quyết định tăng vốn gấp 3, quay lại sàn niêm yết với mục tiêu xuất khẩu 800 triệu USD

Huy Nguyên |

Theo như tờ trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của Minh Phú, Chủ tịch Lê Văn Quang và người nhà đã lần đầu sau hơn 1 thập kỷ chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu tại Minh Phú để nâng cao sức mạnh tài chính và bổ sung nguồn vốn hoạt động cho công ty.

Mục tiêu xuất khẩu 800 triệu USD năm 2018

Thuỷ sản Minh Phú (MPC) - doanh nghiệp dẫn đầu ngành tôm xuất khẩu đang có một năm kinh doanh thuận lợi nhất trong nhiều năm trở lại đây nhờ sự tăng trưởng nhu cầu tăng nhanh ở các thị trường nhập khẩu lớn.

Năm 2017, MPC đạt sản lượng 55.775 tấn, tăng 31,4% so với năm 2016 và hoàn thành 0,86% so với kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 692,5 triệu USD, tăng 30,5% so với năm 2016 và vượt 1,7% kế hoạch. Tổng doanh số đạt hơn 16.800 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ và vượt 6,8% kế hoạch.

Lợi nhuận sau thuế đạt 841 tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với năm trước nhưng chưa hoàn thành kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 thông qua.

Theo ban điều hành Minh Phú, nguyên nhân không đạt được kế hoạch lợi nhuận một phần do những tháng đầu năm 2017 tình hình nguyên liệu của ngành tôm là khó khăn.

Đồng thời, các nước như Ấn Độ, Indonesia có giá tôm nguyên liệu rẻ hơn Việt Nam rất nhiều nên để cạnh tranh được, công ty phải giảm biên lợi nhuận. Hơn nữa, công ty còn một phần tồn kho giá cao của năm 2016 ảnh hưởng tới biên lợi nhuận

Bước sang 2018, kế hoạch kinh doanh tham vọng hơn đã được Hội đồng quản trị MPC đề xuất với cổ đông là kim ngạch xuất khẩu hợp nhất đạt 800 triệu USD tăng 15%; sản lượng dự kiến đạt 63.000 tấn tôm thành phẩm, tăng 13%; tổng doanh thu thuần hợp nhất 18.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 990 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 39% so với kết quả thực hiện năm trước.

Kinh doanh khởi sắc, vua tôm Minh Phú quyết định tăng vốn gấp 3, quay lại sàn niêm yết với mục tiêu xuất khẩu 800 triệu USD - Ảnh 1.

Tăng vốn gấp 3 lần và trở về niêm yết trở lại sàn HOSE

Bên cạnh đặt kế hoạch lợi nhuận khả quan, ban lãnh đạo Minh Phú sẽ trình cổ đông một nội dung được đánh giá là quan trọng bật nhất hiện nay. Đó là việc đề xuất lần đầu tăng vốn điều lệ sau chục năm giữ nguyên mức 700 tỷ đồng và ‘trở về’ sàn HOSE sau 3 năm huỷ giao dịch tự nguyện.

Theo đó, MPC sẽ tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng sau khi ĐHĐCĐ thống nhất. Phương án tăng vốn điều lệ cụ thể là công ty sẽ phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1 cho cổ đông và phát hành 1,54 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ có chức danh từ Phó giám đốc trở lên hoặc tương đương. Thời gian hạn chế chuyển nhượng 5 năm.

Quan trọng nhất đó chính là việc MPC sẽ phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư. HĐQT dự kiến trình cổ đông ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT lựa chọn, thông qua danh sách nhà đầu tư cũng như giá bán, thời gian chào bán.

Mục đích của đợt chào bán để nhằm tăng năng lực tài chính cho công ty và bổ sung vốn phát triển kinh doanh. Bởi theo giới phân tích trước đó, việc Minh Phú đang sử dụng nhiều vốn vay mà không tăng vốn góp đang khiến rủi ro hoạt động gia tăng bởi thị trường thuỷ sản vốn bấp bênh.

Đến 31/12/2017, doanh nghiệp này có tổng nguồn vốn kinh doanh gần 9.500 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ phải trả đang chiếm phần lớn với 6.500 tỷ đồng.

Đặc biệt là khoản nợ vay phải trả lãi tổng cộng 5.500 tỷ đồng khiến chi phí tài chính của Minh Phú chiếm rất lớn làm cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn khi thị trường không thuận lợi.

Trước đó, tháng 3/2015, Minh Phú đã bây bất ngờ cho giới đầu tư khi khi đưa ra quyết định táo bạo là rút khỏi niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh sau khi công bố lãi đậm trong năm trước đó và giá cổ phiếu vẫn được neo ở mức cao 122.000 đồng/cp.

Lý do mà Chủ tịch Minh Phú đưa ra là việc niêm yết trên sàn khiến công ty khó khăn trong việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài do bị vướng quy định room ngoại ở mức 49%.

Tuy nhiên, việc rút MPC khỏi sàn chứng khoán trong vòng 2 năm trước cũng không giải quyết được vấn đề mà Minh Phú đang gặp phải. Cho đến nay, giới hạn room đã được gỡ bỏ và Minh Phú đã trở lại sàn chứng khoán.

Do vậy, nếu việc tăng vốn lần này thành công có thể sẽ giúp Minh Phú phát triển vững chãi hơn khi không còn quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Tất nhiên, chủ tịch Lê Văn Quang và người nhà sẽ giảm xuống, nhưng bù lại, giá trị tài sản sẽ được đảm bảo nếu như Minh Phú nhờ có nguồn tiền mới mà thực hiện được tham vọng vươn ra biển lớn của mình, đưa doanh số lên trên 1 tỷ USD như ông thường nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại