Người dân đã an tâm hơn
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội những ngày gần đây đã đông khách trở lại. Bên cạnh đó, ý thức phòng, chống dịch của người dân rất cao, đa số đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Tại siêu thị Vinmart Nguyễn Chí Thanh, Big C Thăng Long, Lottemart, Coopmart Hà Đông... lượng người đến mua hàng có dấu hiệu tăng hơn so với trước đó một tuần; ngay cả khu vực ẩm thực của Big C Thăng Long, Aeon Mall Hà Đông cũng chật cứng khách.
Trước đây lo sợ dịch Covid-19 kéo dài, người dân đổ xô tới siêu thị mua mỳ tôm, đồ hộp tích trữ thì hiện tại, họ chỉ mua các mặt hàng thiết yếu, rau xanh, thực phẩm tươi sống, hoa quả...
Tại các cửa hàng kinh doanh ăn uống, những ngày gần đây, lượng khách đã đông trở lại. Theo chia sẻ của một số chủ quán ăn, từ ngày 23/2 đến nay, thời tiết Hà Nội nắng ấm nên lượng khách đã tăng rất nhiều so với tuần trước.
Ngoài các quán ăn, các quán cà phê trên phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) cũng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Khách du lịch quốc tế khi được hỏi đều cho biết, việc Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh đã khiến họ rất an tâm khi đến trải nghiệm văn hóa ở Hà Nội.
Bên cạnh sự chủ động phòng trách dịch bệnh của người dân, các nhà hàng cũng tìm cách "sống chung" với dịch, thúc đẩy doanh số bằng nhiều phương pháp khác nhau như miễn phí vận chuyển, khuyến mại, giảm giá, tặng khẩu trang, nước rửa tay cho khách mua hàng.
Đồng thời, đa số các nhân viên bán hàng đều mang khẩu trang y tế, tại cửa hàng cũng trang bị khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát khuẩn cho khách mua hàng và cam kết thường xuyên lau chùi tủ đựng đồ, cửa kính, tay nắm cửa để khách yên tâm mua sắm.
Giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp
Mặc dù các siêu thị, quán ăn đã dần đông khách trở lại nhưng lượng khách chỉ bằng 1/3 so với thời điểm trước khi diễn ra dịch Covid-19 khiến doanh thu giảm sút, trong khi vẫn phải đóng đầy đủ các loại thuế và các chi phí kinh doanh như lương nhân công, tiền thuê đất, điện...
Vì vậy, các chuyên gia kinh tế, DN, hộ kinh doanh cho rằng, Nhà nước cần sớm tính toán giảm thuế, chia sẻ khó khăn với người nộp thuế để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chị Nguyễn Thu Hương, một chủ quán cà phê trên phố Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm) cho biết, do dịch bệnh nên doanh thu của quán giảm mạnh, có ngày không có khách trong khi vẫn phải trả tiền thuê cửa hàng, tiền điện, nhân công...
Tương tự, tiểu thương tại các chợ cũng như "ngồi trên lửa" do kinh doanh ế ẩm thu không đủ bù chi. Bà Trần Thị Mai, tiểu thương kinh doanh vải tại chợ Đồng Xuân lo lắng: "Từ khi có dịch Covid-19, doanh thu sạp vải chỉ bằng 20 - 30% trước Tết, rất nhiều sạp từ ngày khai trương đến nay không bán được mặt hàng nào...".
Vì vậy, các tiểu thương rất mong cơ quan thuế giảm thuế để chia sẻ khó khăn với hộ kinh doanh.
Đồng tình với ý kiến của các tiểu thương, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội kiến nghị thời gian tới, các cơ quan chức năng nên áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay ngân hàng, giảm tiền cho thuê đất, bổ sung ngành nghề vào chương trình kích cầu… để hỗ trợ DN.
Tại cuộc họp đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến ngành công nghiệp do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách gia hạn thời gian trả nợ các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các DN.
Bộ Tài chính xem xét các chính sách miễn giảm thuế, hoàn thuế VAT sớm, cho phép chậm nộp thuế hoặc không tiến hành xử phạt chậm nộp thuế đối với các DN chưa nộp thuế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Để đảm bảo được các mục tiêu tăng trưởng năm 2020, tại cuộc họp thường trực Chính phủ vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng kiến nghị cần sớm có giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa, bởi đây là đối tượng gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cụ thể, Bộ Tài Chính nên sớm gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi DN đã nộp đủ thuế, giảm tiền thuê đất của Nhà nước cho DN và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch bệnh; kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch bệnh được kiểm soát.