Kiev đề nghị, NATO sẵn sàng triển khai quân tới Ukraine
Tờ New York Times ngày 16/5 đưa tin, các quốc gia thành viên NATO đang tiến gần hơn tới việc gửi quân đến Ukraine để hỗ trợ Kiev huấn luyện lực lượng.
Tờ báo Mỹ nhận định, đây là một động thái có thể làm mờ đi "lằn ranh đỏ" trước đó, và lôi kéo Mỹ - châu Âu can dự trực tiếp hơn vào cuộc chiến.
Tình trạng thiếu quân lực của Ukraine hiện nay đã ở mức nghiêm trọng, và vị thế của nước này trên chiến trường trong những tuần gần đây càng trở nên xấu đi khi Nga tăng tốc các bước tiến nhằm tận dụng sự chậm trễ trong việc Mỹ viện trợ vũ khí. Do đó, các quan chức Ukraine đã chính thức đề nghị Mỹ và NATO hỗ trợ đào tạo 150.000 tân binh gần chiến tuyến để triển khai nhanh hơn.
Cho tới hiện tại, Mỹ vẫn nói "không" với việc triển khai quân, nhưng Tướng Charles Q. Brown Jr – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết, việc NATO triển khai lực lượng huấn luyện tới Ukraine là "điều không thể tránh khỏi".
"Rốt cuộc thì chúng tôi sẽ tới đó, chỉ là vấn đề thời gian" – Ông Brown thông báo ngắn gọn với các phóng viên có mặt trên máy bay của ông khi tới cuộc họp của NATO ở Brussels.
NATO tháng trước đã yêu cầu Tướng Christopher G. Cavoli, chỉ huy tối cao của đồng minh ở châu Âu tìm cách để liên minh này có thể hỗ trợ Ukraine nhiều hơn, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro.
Một quan chức Mỹ trong ngày 14/5 cho biết, một khả năng đang được đặt ra là huấn luyện quân đội Ukraine ở Lviv, gần biên giới phía tây nước này với Ba Lan.
Song, theo Tướng Brown, những gì đang diễn ra ở Ukraine sẽ khiến "các huấn luyện viên NATO gặp nguy hiểm". Liên minh này rất có thể phải quyết định xem, nên sử dụng hệ thống phòng không quý giá để bảo vệ các huấn luyện viên, thay vì cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine gần chiến trường hay không.
Theo hiệp ước của NATO, với tư cách là một phần của liên minh, Mỹ sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ phòng thủ trước bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các huấn luyện viên. Vì thế, quyết định này có khả năng sẽ kéo Mỹ vào cuộc chiến.
Về phần mình, Nhà Trắng kiên quyết rằng họ sẽ không đưa quân đội Mỹ, bao gồm cả các huấn luyện viên, tới Ukraine. Quan điểm này một lần nữa được nhắc lại trong ngày 16/5. Chính quyền Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh NATO không gửi quân tới.
Tuy nhiên, trong tuần này, cố vấn an ninh quốc Estonia thông báo, chính phủ nước này không loại trừ khả năng đưa quân tới miền tây Ukraine để đảm nhận vai trò hậu phương, tạo điều kiện cho quân đội Ukraine tập trung vào mặt trận.
Trước đó, hồi tháng 2 năm nay, Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp tuyên bố "không loại trừ" khả năng đưa quân phương tây tới Ukraine. Ông Macron cũng liên tục đưa ra các phát ngôn liên quan tới vấn đề này kể từ thời điểm đó, thậm chí cả sau khi các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ yêu cầu ông dừng lại.
Ngày 2/5 vừa qua, ông Macron tuyến bố, Pháp có thể đưa quân tới Ukraine "nếu Nga chọc thủng phòng tuyến của Kiev và Kiev đề nghị giúp đỡ"
Trên thực tế, theo New York Times, quân đội Mỹ đã tiến hành huấn luyện cho quân đội Ukraine ở Ba Lan, Đức và Mỹ, nhưng việc đưa quân ra khỏi Ukraine để tham gia huấn luyện mất nhiều thời gian.
Quân đội Mỹ từng tham gia điều hành chương trình huấn luyện của NATO tại Yavoriv, phía tây Ukraine nhưng họ đã rút khỏi đó khi bắt đầu chiến tranh.
Washington sẽ cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga?
Ngoài đề nghị NATO triển khai quân, theo tờ Politico, các quan chức quốc hội Ukraine đã tới Washington để thúc đẩy chính quyền Tổng thống Mỹ Biden dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Kyiv tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ.
Tờ báo Mỹ đã có cuộc phỏng vấn với 2 nghị sĩ Ukraine David Arakhamia và Oleksandra Ustinova có mặt tại Washington.
Ông Ustinova – người đứng đầu Ủy ban quốc hội đặc biệt của Ukraine về vũ khí và đạn dược, đồng thời là lãnh đạo đảng đối lập Holos – đã nhiều lần đề cập tới những khó khăn mà Kiev phải đối mặt vì lệnh cấm tấn công lãnh thổ Nga do Mỹ đưa ra.
"Chúng tôi thấy quân đội của họ (Nga) bố trí bên trong lãnh thổ Nga, chỉ cách biên giới giữa 2 nước 1-2km, nhưng chúng tôi không thể làm gì" – Ông Ustinova nói.
Đầu tháng 5 này, các quan chức tình báo Ukraine cho biết, Nga đang tập trung khoảng 50.000 – 70.000 quân áp sát biên giới Ukraine.
Theo ông Ustinova, Nga giờ đây đã trở nên "thông minh hơn" vì họ biết những hạn chế mà Ukraine đang gặp phải khi muốn "bắn vào lãnh thổ Nga".
Một số nhà quan sát cho rằng, mục tiêu của Moscow ở mặt trận phía bắc có thể là thiết lập "vùng đệm" ngăn lực lượng Ukraine tấn công biên giới, thay vì tiến về phía thành phố Kharkiv.
Trong khi đó, Washington và các đồng minh lo ngại rằng, việc cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" đối với Moscow. Để ngăn chặn điều đó, một số hệ thống vũ khí – như hệ thống pháo phản lực HIMARS – đã được Mỹ điều chỉnh lại trước khi giao cho Ukraine.
Kiev chỉ trích chính sách này là biện pháp bảo vệ hiệu quả cho Nga trước các cuộc phản công của Ukraine. Tuy nhiên, hai quan chức Mỹ giấu tên nói với Politico rằng, chính quyền ông Biden khó có thể thay đổi các quy tắc.
"Sự hỗ trợ này nhằm mục đích phòng thủ, chứ không phải dành cho các hoạt động tấn công trên lãnh thổ Nga" – Một quan chức nói.
Trong cuộc họp báo ngày 16/5, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh nhấn mạnh, Washington sẽ không thay đổi quan điểm đối với việc Kiev muốn dùng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga.
"Chúng tôi tin rằng các thiết bị và khả năng tác chiến mà chúng tôi đang cung cấp cho Ukraine nên được sử dụng để lấy lại các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine" – Bà Singh nói – "Và chúng tôi tin rằng khu vực đó nằm trong lãnh thổ Ukraine".
Theo bà Singh, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tiến hành thảo luận với người đồng cấp Ukraine Rustem Umerov về cách Kiev có thể sử dụng tốt nhất số vũ khí được cung cấp.
Trước đó 1 ngày (15/5), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, Kiev "phải tự quyết định" cách sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp, nhưng nhắc lại rằng Washington không có phép, hoặc khuyến khích Kiev dùng chúng để tiến hành các cuộc tấn công bên ngoài lãnh thổ Ukraine.