Kiến nghị “nới” quy định về ôtô nhập khẩu

Đức Thọ |

Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 (VBF 2017), các nhóm công tác về ôtô và xe máy, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu và Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu đã kiến nghị sửa đổi một số quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, các doanh nghiệp cho rằng quy định doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài từ ngày 1/1/2018 là chưa phù hợp thực tiễn. Bởi lẽ, đa số các doanh nghiệp đều không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ôtô nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo lý giải của các doanh nghiệp, trên thực tế "Chính phủ của mỗi quốc gia đều tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ôtô tiêu thụ trong nước". Trong khi đó, xe xuất khẩu lại đáp ứng yêu cầu của khách hàng và tiêu chuẩn cụ thể của từng quốc gia nhập khẩu.

Chưa kể, một số quốc gia cũng không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại vì Chính phủ những quốc gia này chỉ kiểm tra khí thải hoặc để nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại nhưng có thể sẽ không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận do có sự khác biệt về vị trí vô-lăng, tiêu chuẩn khí thải hay các thông số kỹ thuật của từng loại xe.

Đáng chú ý là liên quan đến yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu, các doanh nghiệp cho rằng quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng mà "chỉ làm lãng phí thêm thời gian và làm tăng chi phí" của doanh nghiệp.

Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, việc thử nghiệm đi thử nghiệm lại về khí thải và an toàn theo từng lô xe nhập khẩu cho dù chúng cùng một mẫu xe và thậm chí cùng thời gian sản xuất với các chỉ số như nhau là rất bất hợp lý.

Ví dụ cùng một mẫu xe như Volkswagen Passat đời 2017, do doanh nghiệp không thể nhập khẩu sẵn hằng trăm, thậm chí hằng nghìn xe cùng một lô về để … bán dần nên buộc phải nhập khẩu từng lô nhỏ tùy theo nhu cầu và đặt hàng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc mỗi lô xe nhập khẩu về nước dù chỉ có vài chiếc hoặc vài chục chiếc vẫn phải đem đi thử nghiệm sẽ khiến doanh nghiệp bị tốn thêm chi phí đến hơn 200 triệu đồng, quan trọng hơn là bị lãng phí thời gian trên dưới 2 tháng.

Trước đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 hồi giữa tháng 10/2017, nhiều doanh nghiệp đã "than" khó và e ngại sẽ phải tạm dừng hoạt động nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp cố gắng nhập khẩu thì sẽ phải tính toán đến việc đưa chi phí bị đội lên do hoạt động thử nghiệm vào giá bán lẻ và người tiêu dùng cũng sẽ phải chờ đợi rất lâu.

Từ những khó khăn này, thông qua VBF 2017, các nhóm công tác và hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô có thêm lựa chọn được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo chất lượng tại nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô tại nước ngoài.

Đối với quy định về thử nghiệm xe theo từng lô, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam khi tiến hành sửa đổi Thông tư 31 và Thông tư 55 "cân nhắc bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định hiện hành mà không cần thử nghiệm lại".

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục áp dụng các quy định nhập khẩu và đăng kiểm hiện hành cho những xe nhập khẩu đã được đặt hàng trước thời điểm ban hành Nghị định 116 (ngày 17/10/2017) nhưng sang năm 2018 mới về đến Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại