Trong khi nhiều chủ thuê bao cấp tập trực tiếp đến nhà mạng hoặc tải các ứng dụng để bổ sung thông tin cá nhân và cập nhật ảnh chân dung online thì không ít người lại tỏ ra khá ung dung khi hạn chót việc bổ sung thông tin thuê bao theo Nghị định 49 đang đến gần.
Theo tìm hiểu, một "kênh" đang được nhiều người sử dụng đó là dịch vụ nhận đăng kí, cập nhật thông tin thuê bao từ các "cò" thuê bao di động.
Chủ thuê bao chỉ cần gửi ảnh chụp chứng minh nhân dân, ảnh chân dung và 5 số điện thoại thường xuyên liên lạc qua Zalo hoặc Facebook, chuyển tiền hoặc nạp thẻ điện thoại theo mệnh giá để thuê người hoàn tất các thủ tục thuê bao.
Tùy vào nhà mạng mà mức phí được các "cò" di động đưa ra cho mỗi sim ở mức từ 30.000 – 50.000 đồng. Riêng Mobifone, nhiều "cò" rao giá chỉ hỗ trợ được sim chính chủ và không phải sim số đẹp. Trong đó, sim số thường mất chi phí cho dịch vụ này là 50.000 đồng/sim, sim số VIP hơn có giá gấp 2-3 lần sim thường.
Nhiều chủ thuê bao ở Hà Nội cho biết, do gần sát hạn cuối bổ sung thông tin, nên việc thuê người đăng kí hộ khó hơn và chi phí cao hơn.
Đặc biệt, người sở hữu sim Viettel phải chịu mức phí tăng giá lên 60.000 – 90.000 đồng/sim vì trước đó, có thông tin nhà mạng này không lùi thời hạn cuối bổ sung thông tin thuê bao đến giữa tháng 5 như nhà mạng VinaPhone hay MobiFone.
Chiều 23/4, nhiều điểm giao dịch của Viettel dán thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin thuê bao sau ngày 24/4. Tuy nhiên, thông báo bất ngờ vào phút chót khiến rất ít khách hàng nắm được thông tin. Nhiều người vẫn đổ đi tìm kiếm phương án khác, trong đó có dịch vụ thuê "cò" di động.
"Vừa thuê xong thì mới biết Viettel lùi ngày, tính cả gia đình với 4 người dùng thuê bao di động, mất đứt gần 300.000 đồng phí cho "cò mồi", nhưng vì không thể đi trực tiếp ra nhà mạng nên đành chịu", anh Hướng (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết.
Nở rộ dịch vụ nhận bổ sung thông tin cá nhân và ảnh chân dung thuê bao.
Theo các cò mồi, càng sát hạn chót, đơn hàng của khách càng nhiều. Một ngày, có những người nhận đến vài chục bộ hồ sơ thuê bao cần bổ sung thông tin, thu nhập cả triệu đồng, cao nhất có ngày kiếm được 3 triệu đồng.
Đối với những tài khoản không thể cập nhật qua kênh online thì những người này sẽ đến tận điểm giao dịch để đăng kí cho khách.
"Vì đã quen thủ tục nên thực ra việc bổ sung thông tin không hề mất thời gian như mọi người vẫn tưởng. Trung bình, mỗi sim chỉ cần 10 phút là hoàn thiện. Nếu muốn nhanh, chỉ cần hỏi thủ tục từ các nhân viên hỗ trợ di động của nhà mạng", một "cò mồi" ở Hà Nội cho biết.
Sau khi được các "cò mồi" đăng ký, nộp hình chân dung và các thông tin liên quan giùm, các chủ thuê bao sẽ nhận được một mã số do nhà mạng gửi về điện thoại.
"Sau khi chủ thuê bao nhập mã này thì việc bổ sung thông tin mới hoàn tất", chị Hoài (một "cò mồi" di động ở Hà Nội) cho hay.
Tuy nhiên, hiện tại, vì việc bổ sung thông tin thuê bao đang quá tải nên nhiều "cò" cũng phải ngậm ngùi chia sẻ đơn hàng cho người khác hoặc ngừng nhận các đăng kí qua hình thức online.
Các cò thuê bao đưa thông tin hướng dẫn nộp ảnh, số điện thoại cần đăng ký...
Mỗi ngày các cò mồi nhận đến vài chục bộ hồ sơ thuê bổ sung thông tin và ảnh chân dung.
Trên mạng xã hội, không khó để tìm được một người nhận đăng kí, bổ sung thông tin cho các chủ thuê bao di động. Tuy nhiên, việc nở rộ hình thức kinh doanh này đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Theo một chuyên gia an ninh mạng tại Hà Nội, việc cung cấp thông tin cá nhân, ảnh và số chứng minh nhân dân để thuê cho một người xa lạ trên mạng hoàn thiện các thủ tục bảo đảm việc sở hữu sim di động không phải là một việc làm hay.
"Thật không may khi thông tin cá nhân của bạn lang thang trên mạng, chúng có thể bị chia sẻ ra ngoài với mục đích trục lợi hay đơn giản là để quảng cáo, truy cập các trang web không an toàn", vị chuyên gia cảnh báo.