Kịch bản Nga can thiệp vào chiến tranh Mỹ-Iran: S-400 khai hỏa, Krasukha-4S khiến KQ Mỹ tê liệt, điêu đứng?

Vy Lam |

Những lựa chọn của Moscow sẽ khiến cuộc phiêu lưu của Mỹ tại Iran trở nên phức tạp hơn so với tưởng tượng ban đầu.

Nga sẽ can thiệp vào xung đột Mỹ-Iran?

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran đang dẫn tới nguy cơ bùng nổ một cuộc đối đầu quân sự thì Nga trở thành một nhân tố quan trọng hơn cả. Chính sách Trung Đông của Nga chú trọng tới mục tiêu đảm bảo vai trò của nước này như một thế lực mang lại sự cân bằng nhanh và hiệu quả trong khu vực.

Sự sụp đổ của Iran có thể khiến khả năng làm cân bằng của Moscow tại Trung Đông trở nên suy yếu. Thậm chí, nó có thể làm tê liệt chính sách của Nga tại Syria bằng cách tạo điều kiện cho các tổ chức do Mỹ hậu thuẫn tự do hành động, từ đó làm suy yếu hơn nữa chính quyền Assad.

Cũng trong thời điểm này, Nga và Iran đã có sự hợp tác an ninh nhằm đáp trả các mối đe dọa chung và điều chỉnh chiến lược để giành được sự công nhận cần thiết của cộng đồng quốc tế thông qua việc tái xem xét trật tự do Mỹ thiết lập.

Cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Iran sẽ mở đường cho cấu trúc an ninh do Mỹ tạo dựng tại Trung Đông, mang lại cho Washington sức ảnh hưởng lớn trong khu vực.

Tất cả những diễn biến này làm dấy lên đồn đoán về mức độ can thiệp của Moscow vào cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ-Iran (nếu xảy ra).

Kịch bản Nga can thiệp vào chiến tranh Mỹ-Iran: S-400 khai hỏa, Krasukha-4S khiến KQ Mỹ tê liệt, điêu đứng? - Ảnh 1.

Nguy cơ xảy ra xung đột Mỹ-Iran đang tăng lên.

Theo chuyên gia Abdolrasool Divsallar tại Viện Các Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông, Nga có thể thu được những lợi ích về tài chính từ một quốc gia Iran bị cô lập về chính trị và có nền kinh tế kém cạnh tranh. Sự thay đổi về chính quyền tại Tehran sẽ dẫn tới những hệ quả địa chính trị to lớn hơn những lợi ích tiềm tàng về kinh tế.

Đặc biệt, cuộc đối đầu trực diện giữa Tehran và Washington sẽ khiến Mỹ có cơ hội tái tích lũy lực lượng quy mô lớn trong khu vực, tạo ra thách thức địa chính trị đe dọa các lợi ích của Nga ở Trung Đông.

Moscow đã lên tiếng cáo buộc Mỹ khiêu khích Iran và thông qua việc công nhận các lợi ích quốc phòng hợp pháp của Tehran để bày tỏ lập trường phản đối áp lực mà Washington đang áp đặt lên chương trình quốc phòng của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Ngoài ra, sự can thiệp tích cực của Nga vào nền chính trị toàn cầu trong những năm gần đây đã khác xa so với thái độ tiêu cực của Moscow trước cuộc chiến tranh Yugoslav và cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq trước đây.

Do đó, sẽ không mấy ngạc nhiên nếu Nga quyết định tiến thêm một bước xa hơn những hỗ trợ khiêm tốn về mặt ngoại giao để bảo vệ các lợi ích của mình ở Trung Đông, chẳng hạn như hỗ trợ quân sự cho Iran.

Kịch bản Nga can thiệp vào chiến tranh Mỹ-Iran: S-400 khai hỏa, Krasukha-4S khiến KQ Mỹ tê liệt, điêu đứng? - Ảnh 2.

Nga và Iran đã tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh.

Trong những năm trước, Moscow và Tehran đã củng cố hợp tác quân sự thông qua việc trao đổi thông tinh tình báo và quân sự cấp độ cao một cách thường xuyên. Điều này cũng góp phần khiến Moscow sẵn lòng mở rộng các phương án hỗ trợ Iran bên cạnh các biện pháp ngoại giao.

Bên cạnh đó, mục tiêu toàn cầu mà Nga đang hướng tới đòi hỏi Moscow phải đưa ra được phản ứng đúng đắn trước bất cứ chính sách cơ bản nào của Mỹ nhằm vào Iran. Một trong những khao khát mạnh mẽ của Tổng thống Putin trong chính sách ngoại giao là khẳng định vị thế của Nga như một siêu cường toàn cầu.

Để đạt được điều đó, Moscow phải cho thấy được mức độ ảnh hưởng mà họ đang có được trên toàn cầu, đặc biệt là khi có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng an ninh quốc tế quy mô lớn. Nếu thất bại, không chỉ thanh thế của Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà vị thế cường quốc của họ cũng sẽ suy yếu.

Những lựa chọn nào cho Moscow?

Ông Putin từng tuyên bố rõ ràng rằng Iran không nên đặt kỳ vọng quá cao vào sự hỗ trợ của Nga. Tuy nhiên, một khi cuộc xung đột trên quy mô toàn diện giữa Mỹ và Iran nổ ra thì phản ứng của ông Putin có thể sẽ khác.

Nga khó có khả năng can dự trực tiếp vào cuộc xung đột này. Song, Moscow có thể có một số bước tiến thận trọng nhằm củng cố năng lực răn đe của Iran.

Chưa chắc Moscow sẽ tiến hành một số thay đổi cơ bản trong chính sách quy định không cung cấp cho Iran các loại vũ khí tấn công, song điều đó không có nghĩa họ không thể tăng cường năng lực quốc phòng cho Tehran.

Mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Tehran và Moscow trong những năm gần đây có thể giúp chúng ta hình dung những gì mà Moscow có khả năng hỗ trợ Tehran.

Kịch bản Nga can thiệp vào chiến tranh Mỹ-Iran: S-400 khai hỏa, Krasukha-4S khiến KQ Mỹ tê liệt, điêu đứng? - Ảnh 3.

Nga đã cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria.

Kể từ năm 2011, mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Iran tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: Cung cấp vũ khí (điển hình là hợp đồng S-300PMU2); chia sẻ thông tin tình báo về các cuộc giao tranh giữa IS và Syria; tiến hành các hoạt động quân sự chung tại Syria.

Mối quan hệ này, cùng với các nhiệm vụ chung trong khu vực, đã thúc đẩy sự hợp tác quân sự giữa Moscow và Tehran phát triển xa hơn, ra khỏi phạm vi Syria. Sự can thiệp (nếu có) của Nga vào cuộc xung đột Mỹ-Iran nhiều khả năng sẽ được mở rộng dựa trên tiền đề này.

Lựa chọn đầu tiên của Moscow trước tình hình leo thang giữa Iran và Mỹ có thể là củng cố năng lực phòng không của Iran nhằm áp chế ưu thế đường không của Mỹ. Chiến dịch của Nga tại Syria đã cho thấy Kremlin rất tự tin trong việc sử dụng các hệ thống phòng không tiên tiến để thay đổi cán cân lực lượng trong các cuộc giao tranh.

Một ví dụ điển hình là quyết định của Moscow khi cung cấp các tổ hợp S-300 cho Syria nhằm đáp trả vụ máy bay trinh sát của Moscow bị phòng không Damascus bắn nhầm trong lúc đối phó với cuộc không kích của Israel. Nó cho thấy Moscow sẵn lòng điều chỉnh lại cán cân quân sự trong khu vực thông qua các đợt cung cấp vũ khí mau lẹ.

Do đó, Nga hoàn toàn có thể giúp Iran tăng cường năng lực phòng thủ bằng cách cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến hơn nếu cần thiết. Các tổ hợp S-400 và hệ thống tác chiến điện tử trên bộ Borisoglebsk-2/ Krasukha-4S có khả năng làm suy yếu ưu thế trên không của Mỹ.

Những hệ thống áp chế đường không tiên tiến này có thể giúp tăng cường năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Iran, làm tê liệt khả năng tác chiến trên không của Mỹ.

Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế về kỹ thuật, khó khăn trong huấn luyện, và các yêu cầu về vận hành nếu muốn đưa S-400 sẵn sàng hoạt động trong bối cảnh Iran đang tiến gần đến một cuộc đối đầu với Mỹ. Moscow có lẽ sẽ không mạo hiểm điều quân nhân Nga vận hành các hệ thống này.

Máy bay ném bom Tupolev TU-160 của Nga hạ cánh xuống Venezuela ngày 10/12/2018

Một lựa chọn khác có thể là triển khai lực lượng quân sự của Nga tới Iran để làm hạn chế quy mô hoặc làm phức tạp thêm chiến dịch của Mỹ tại Iran. Moscow gần đây cho thấy nước này sẵn sàng triển khai các đơn vị quân sự với quy mô hạn chế tới những quốc gia đang có giao tranh để chống lại các mối đe dọa nhằm vào lợi ích nước Nga.

Ví dụ gần đây nhất là đợt triển khai máy bay ném bom Tu-160 và lực lượng hạn chế tới Venezuela để ngăn chặn mối đe dọa từ Mỹ và ủng hộ chính phủ của Tổng thống Maduro.

Tehran có lẽ cũng sẽ ủng hộ sự hỗ việc Nga đóng quân trên lãnh thổ Iran. Thời kỳ đỉnh điểm trong chiến tranh Syria năm 2016, đã có thông tin các máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga cất cánh từ căn cứ không quân Hamadan của Iran để tấn công vào các mục tiêu IS tại Syria.

Mặc dù lựa chọn này của Nga sẽ gửi đi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ tới Washington nhưng nó chỉ có thể đóng vai trò như một công cụ ngăn chặn, làm đối phương nhụt chí khi muốn phát động xung đột quân sự.

Vào thời khắc xung đột leo thang thì triển khai quân tại Iran sẽ không còn là lựa chọn tốt của Nga nữa.

Khả năng cuối cùng là Nga sẽ cung cấp cho Iran thông tin tình báo trước hoặc trong quá trình chiến tranh với Mỹ diễn ra. Đây không phải là lần đầu tiên Nga hỗ trợ đồng minh theo phương thức này.

Năm 2003, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, Nga đã cung cấp thông tin tình báo về các đợt di chuyển của quân Mỹ tại Iraq cho Saddam Hussein trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh.

Về phần Iran và Nga thì hai quốc gia này từng chia sẻ thông tin nhạy cảm trong chiến dịch chống khủng bố IS tại Afghanistan và thiết lập trung tâm tình báo liên kết vào năm 2015 nhằm hỗ trợ chia sẻ thông tin tình báo một cách có hệ thống.

Mặc dù vẫn chưa thể xác định mức độ mở rộng của hình thức hợp tác này nhưng các chuyến thăm thường xuyên của quan chức an ninh hai phía cho thấy họ đang thiết lập các kênh đáng tin cậy để duy trì nó.

Khó có thể nói chắc Nga sẽ cung cấp dữ liệu do thám và trinh sát mở rộng cho Iran. Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ được tiếp cận hạn chế những thông tin về các đợt triển khai quân, thiết bị quân sự và vị trí đóng quân của Mỹ thì điều đó cũng sẽ giúp Iran tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ.

Nhân tố thay đổi cuộc chơi?

Moscow hẳn nhiên sẽ không muốn bị kéo vào và mắc kẹt trong cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran. Do đó, nước này sẽ tiến hành mọi biện pháp có thể để hạn chế tối thiểu nguy cơ đối đầu trực diện giữa hai cường quốc.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc "khoanh tay đứng nhìn" hoặc chỉ dừng lại ở những nỗ lực khiêm tốn trong hỗ trợ ngoại giao. Trái lại, Moscow sẽ không muốn cán cân sức mạnh trong khu vực nghiêng về phía có lợi cho Mỹ. Vì thế, khó có khả năng họ giữ lập trường trung lập hoàn toàn trong cuộc khủng hoảng này.

Moscow hiện có một số lựa chọn có thể tác động tới cán cân sức mạnh quân sự giữa Iran và Mỹ. Chúng chưa thể là những nhân tố thay đổi cuộc chơi hay thay đổi cục diện cuộc chiến nhưng chúng chắc chắn có thể tạo ra thách thức tương đối lớn cho Washington.

Những lựa chọn của Moscow sẽ khiến cuộc phiêu lưu của Mỹ tại Iran trở nên phức tạp hơn so với tưởng tượng ban đầu.

Nga bắn thử nghiệm thành công tên lửa S-300

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại