Nga và Ukraine hiện chưa nhượng bộ nhau để hòa đàm.
Chiến tranh vốn dĩ không thể đoán trước. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, chiến sự Nga- Ukraine có diễn biến theo 3 kịch bản. Kịch bản đầu tiên và ít có khả năng xảy ra nhất là Nga sẽ chấp nhận thất bại, lựa chọn đàm phán với Ukraine theo các điều khoản của Ukraine. Rất nhiều thứ sẽ phải thay đổi để kịch bản này trở thành hiện thực bởi các hình thức đối thoại ngoại giao giữa Nga, Ukraine và phương Tây đã bị xóa bỏ. Tuy nhiên, dưới thời ông Putin, kết quả này rất khó xảy ra. Để giữ thể diện, Điện Kremlin có thể tuyên bố rằng họ đang chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài ở Ukraine với khả năng leo thang quân sự.
Kịch bản thứ hai sẽ liên quan đến thất bại trong bối cảnh chiến sự Nga- Ukraine leo thang. Điện Kremlin sẽ tìm cách kéo dài cuộc chiến ở Ukraine một cách vô vọng trong khi tung ra các chiến dịch phá hủy ở Ukraine. Trường hợp xấu nhất, Nga có thể lựa chọn tấn công hạt nhân và cuộc chiến sẽ tiến tới đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga. Đây là bước đi mạo hiểm nên Nga có thể sẽ thận trọng, vì một khi chiến tranh hạt nhân được kích hoạt, thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
Giáo sư Lịch sử Michael Kimmage, Đại học Công giáo Mỹ đưa ra kịch bản thứ ba khá bất ngờ, đó là trận chiến cuối cùng và quyết định có thể không diễn ra tại Ukraine mà là trước sảnh Điện Kremlin hoặc trên đường phố Moscow.
Mặc dù kỳ vọng Nga sẽ thất bại, nhưng Hoa Kỳ và Châu Âu đang chuẩn bị cho tình trạng rối loạn khu vực và toàn cầu mà thất bại này tạo ra. Việc biến nước Nga thành một quốc gia bị nội chiến tàn phá sẽ làm sống lại những vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách phương Tây phải vật lộn vào năm 1991: ai sẽ giành quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân của Nga? Một thất bại hỗn loạn của Nga sẽ để lại một lỗ hổng nguy hiểm trong hệ thống quốc tế.
Cố gắng thuyết phục ông Putin ngừng chiến thông qua đàm phán sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể, bởi nó chẳng khác gì Nga thừa nhận thất bại toàn diện. Quyền chọn lựa của Nga ngày càng ít đi khi Tổng thống Zelensky bây giờ chỉ đồng ý nối lại hòa đàm dựa trên các nguyên tắc do Kiev đặt ra.
Chiến sự Nga- Ukraine vẫn ác liệt.
Các chuyên gia đánh giá rằng, bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Nga, dù là ông Putin hay người khác, đều sẽ không từ bỏ Crimea, một phần của Ukraine mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014. Tuy nhiên, một thỏa thuận của Nga với Ukraine có thể mang lại bình thường hóa quan hệ với phương Tây.
Tại thời điểm này, công chúng Nga đã không đứng lên phản đối chiến sự Nga- Ukraine. Người Nga có thể hoài nghi về ông Putin và không tin tưởng vào chính phủ, nhưng không muốn những người thân của mình thua trận trên chiến trường. Hơn nữa, đã quen với vị thế cường quốc, hầu hết người Nga không muốn đất nước của họ không có quyền lực hay ảnh hưởng ở châu Âu. Tuy nhiên, cuộc chiến trường kỳ ở Ukraine sẽ đẩy nước Nga vào một tương lai ảm đạm.
Mặc dù vậy, chiến sự Nga- Ukraine có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang hết năm 2023 mà chưa có hồi kết nếu hai bên chưa nhượng bộ để hòa đàm.