Lấp khoảng trống
Nga đã gửi cho Thổ Nhĩ Kỳ lô hàng S-400 đầu tiên vào cuối tuần qua. Kế hoạch giao hàng dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4/2020 và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cử thêm chuyên gia tới Nga để đào tạo vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa.
"Số lượng hiện tại là không đủ. Bây giờ có 100 chuyên gia nhưng con số này có thể tăng gấp 10 lần", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói hôm 14/7. Ông ca ngợi S-400 là một thỏa thuận quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần mình, Moscow cho biết, thỏa thuận S-400 rất quan trọng ở chỗ nó tạo ra âm hưởng lớn cho sự hợp tác kỹ thuật quân sự mạnh mẽ hơn với các nước Trung Đông.
Người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nga Leonid Slutsky đã gọi việc chuyển giao S-400 là "phát súng đầu tiên".
"Thổ Nhĩ Kỳ là dấu hiệu đầu tiên. S-400 và hệ thống vũ khí tối tân hơn từ Nga chắc chắn sẽ xuất hiện trong khu vực. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ và khối lượng hợp tác như vậy là rất lớn. Tôi tin rằng chúng ta nên tăng cường hợp tác theo mọi cách có thể", ông Slutsky nói.
Bộ công cụ chính sách đối ngoại của Nga khiêm tốn hơn so với Mỹ, nhưng trong một số trường hợp, Moscow đã cho thấy rằng - ở Trung Đông - khả năng sử dụng công cụ có thể quan trọng hơn số lượng các công cụ đó, theo Al-Monitor.
Moscow từ lâu đã hiểu rằng, Mỹ đang mở rộng và duy trì quyền lực khu vực bằng chính vũ khí quân sự của họ hiện diện tại đây.
Không thể cạnh tranh với Mỹ về các thương vụ mua sắm thiết bị quân sự - hay thẳng thắn hơn, không cần phải theo đuổi con đường này - Nga hướng tới dần lấp đầy vũ khí ở thị trường ngách và phát triển các mối quan hệ trao đổi kỹ thuật quân sự với các đối tác.
Đối với một số quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như Ai Cập và Iraq, các đề xuất của Nga đưa ra một giải pháp để giảm sự phụ thuộc chính trị - quân sự vào Mỹ.
Đối với những thế lực khác - ví dụ như Saudi Arabia - các thỏa thuận quân sự với Nga là một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với người Mỹ để có được một thỏa thuận tốt hơn cho chính họ.
Đối với các quốc gia còn lại – những quốc gia giao dịch với cả Moscow và Washington - đó là món hời khi có được sự ưu đãi mua hàng của cả hai cường quốc quân sự.
Vũ khí gây chia rẽ
Giống như nhiều mối lo ngại khác trước đó, "hệ thống S-400" đã trở thành một cụm từ thông dụng, biểu tượng cho sức mạnh Nga, có khả năng gây chia rẽ và phơi bày sự bất đồng của phương Tây.
S-400 và các đề xuất kỹ thuật quân sự khác của Nga phục vụ cho sự "đa dạng hóa và chinh phục".
Moscow lấy lòng các đối tác của mình bằng cách cung cấp cho họ một sự thay thế về chính trị, quân sự hoặc công nghệ khác mà không cần đến người Mỹ.
Về mặt công nghệ, các thiết bị đó có thể không tiên tiến như các sản phẩm của Mỹ, nhưng nó sẽ là lựa chọn hợp lý khi nhiều quốc gia khác ngày nay ưu tiên sự độc lập về mặt công nghệ nhiều hơn, đặc biệt là khi Moscow còn mở đường cho họ có khả năng chuyển giao công nghệ về lâu dài.
Pavel Luzin, một nhà phân tích chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nga nhận định, S-400 đã trở thành một công cụ cho chính sách đối ngoại của Nga.
Triển vọng xuất khẩu S-400 của Nga sẽ phụ thuộc vào việc thương vụ với Thổ Nhĩ Kỳ có trơn tru hay không.
"Nga đang nỗ lực đóng vai trò như một quyền lực thay thế trong hệ thống quan hệ quốc tế và việc cung cấp hệ thống phòng không cho phép Moscow thiết lập và duy trì hợp tác lâu dài với các khách hàng như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ", ông nhấn mạnh.
"Đối với các quốc gia khác như Qatar, Ai Cập, hệ thống S-400 có thể mang lại nhiều lựa chọn, nhiều biện pháp dự phòng hơn trong các chính sách đối ngoại của họ. Vì vậy, Moscow đang mở đường cho các lựa chọn này. Tuy nhiên, triển vọng của các thỏa thuận mới cũng phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ đối với thương vụ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu người Mỹ gây áp lực đủ lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc xuất khẩu S-400 cũng trở nên khó khăn hơn", chuyên gia Luzin kết luận.
Thổ Nhĩ Kỳ có dùng chính S-400 ứng phó Nga?
Khía cạnh quân sự của thương vụ S-400 đã là một chủ đề tranh luận kể từ khi thỏa thuận được Moscow và Ankara được ký kết. Có hai mối quan tâm chung về thỏa thuận được thể hiện bên trong dư luận Nga và trên khắp Trung Đông.
Lo ngại đầu tiên đó là Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng hệ thống này để chống lại máy bay của chính Nga trong trường hợp quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan sụp đổ, và Moscow vượt qua lằn ranh đỏ của Ankara trong khu vực.
Thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuyển giao công nghệ S-400 cho người Mỹ qua một thỏa thuận riêng. Điều này sẽ giúp Mỹ hiệu chỉnh lại máy bay của mình để ứng phó hiệu quả hơn với S-400 trong trường hợp có xung đột quân sự với Nga.
Tuy nhiên, tổng biên tập tờ Eksport Vooruzheniy (Xuất khẩu vũ khí) của Nga Andrei Frolov đã bác bỏ cả hai nguy cơ này.
"Các hệ thống mà Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ là phiên bản xuất khẩu của S-400, khác biệt đáng kể so với hệ thống chính mà Nga sử dụng. Bên cạnh đó, S-400 là một hệ thống đã cũ và Nga hiện đang làm việc với một hệ thống tiên tiến hơn", ông nói với Al-Monitor.
Khi được hỏi liệu có sự bất đồng nào giữa quân đội Nga và những người ra quyết định về việc bán hệ thống cho Thổ Nhĩ Kỳ hay không, Frolov thừa nhận điều này là có thể.
"Bất kỳ vấn đề lớn nào cũng có thể có một số tranh cãi nội bộ và một số có thể đã lên tiếng chống lại thỏa thuận này, nhưng cuối cùng ý kiến của họ không phải là đại diện cho lập trường của Bộ Quốc phòng", ông nhấn mạnh.
"Nếu bạn bán vũ khí cho một thành viên NATO thì điều đó có nghĩa là các cơ quan quân sự tương ứng của Nga đã tính toán các rủi ro liên quan".