Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400: NATO rơi vào kế ly gián, Nga còn dễ bề tiêu diệt F-35 của Mỹ

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Bất chấp mọi đe dọa của Mỹ, ngày 12/7 Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận lô hàng đầu tiên thuộc hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Kế hoạch chuyển giao được thực hiện theo đúng các điều kiện của hợp đồng đã ký. Các máy bay vận tải cỡ lớn AH124-100 của Nga đã vận chuyển các bộ phận của hệ thống này đến căn cứ không quân Murted ở tỉnh Ankara.

Năm 2017, Moskva và Ankara đã ký hợp đồng cung cấp bốn sư đoàn S-400 trị giá 2,5 tỷ USD, một phần Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự trả, phần còn lại hơn một nửa bằng các khoản vay của Nga. Công việc chuyển giao sẽ được hoàn tất vào tháng 4/2020.

Thương vụ này đã gây ra cuộc tranh cãi căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Nhưng cuối cùng Ankara vượt qua được áp lực của Washington và quyết mua S-400 của Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho biết "việc giao hàng này được thực hiện theo các thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Racep Tayyip Erdogan nhằm cải thiện hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ". Mua C-400 của Nga, ông Erdogan muốn lập một chiến lược an ninh quốc gia trong nhiều thập kỷ tới.

Hệ thống tên lửa S-400 có ưu thế gì?

S-400 được thừa nhận mạnh hơn, đáng tin cậy hơn và lại rẻ hơn so với các các loại vũ khí cùng tính năng của Mỹ. Giá cả hấp dẫn là một trong những lý do quan trọng để chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ quyết định ký hợp đồng với Nga. Các chuyên gia quân sự cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ phải trả 2,5 tỷ USD cho bốn tổ hợp S-400, nhưng nếu mua các tổ hợp Patriot của Mỹ giá sẽ đắt hơn rất nhiều.

Theo hãng RIA Novosti mới đây cho biết, các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga vừa có tính năng vượt trội và có giá rẻ hơn các hệ thống tương tự của Mỹ, kể cả hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD. Một đơn vị S-400 của Nga hiện có giá khoảng 500 triệu USD, trong khi đó một đơn vị Patriot Pac-2 và THAAD của Mỹ có giá lần lượt là 2 tỷ và 3 tỷ USD.

Nga còn có giá ưu tiên cho những nước bạn bè thân thiết. Theo một số nguồn tin, Ankara đang tính nếu Washington không bán máy bay F-35 cho mình, họ có thể chuyển sang mua SU-57 hiện đại không kém của Nga.

Hệ thống tên lửa S-400 là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao. Đây là hệ thống phòng không đa năng có tầm bắn xa nhất thế giới.

Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400: NATO rơi vào kế ly gián, Nga còn dễ bề tiêu diệt F-35 của Mỹ - Ảnh 1.

Các bộ phận đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga được dỡ xuống tại một căn cứ không quân gần Ankara vào ngày 12/7. Ảnh: Reuters

S-400 có thể phát hiện mục tiêu cách xa 600 km, ở độ cao 40–50 km và có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu. Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, nó có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 30 km cũng như các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ chừng 5–10 mét.

Đây là điều mà không một hệ thống tên lửa phòng không của bất cứ quốc gia nào hiện nay có thể thực hiện được. S-400 có thể tiêu diệt các vật thể bay của đối phương trong khoảng cách tới 400 km và bắn hạ các tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km. So với hệ thống MIM Patriot PAC-3 của Mỹ, S-400 vượt trội trên mọi phương diện:

Thời gian triển khai chiến đấu nhanh hơn (5 phút so với 30 phút), tầm bắn xa hơn (400 km so với 240 km), số mục tiêu có thể theo dõi cao hơn (300 so với 100), cự lý phát hiện mục tiêu lớn hơn (600 km so với 350 km) cũng như có thể đánh chặn mục tiêu bay nhanh hơn (4,8 km/giây so với 2 km/giây).

Hiện nay, Nga đang phát triển hệ thống tên lửa S-500 hiện đại và hiệu quả hơn rất nhiều so với Pac-1, Pac-2, Pac-3 và phiên bản mới nhất Pac-3 MSE của Mỹ. Trong khi đó, hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ đang phơi bày sự yếu kém của mình tại Ả Rập Saudi và Israel trong các đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của quân Houthi Yemen và Hamas ở dải Gaza.

Có ý kiến lo ngại việc cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn đến rủi ro. Đây có thể sẽ là cơ hội để các chuyên gia quân sự của Mỹ tiếp cận nghiên cứu hệ thống phòng không này, gây tốn gại cho khả năng phòng thủ của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Nga nói rằng điều đó rất khó xảy ra nếu không muốn nói khả năng tiếp cận được các thông tin của S-400 bằng 0.

Chuyên gia quân sự cao cấp của Nga Alexey Leonkov cho biết "ngay cả khi Mỹ có được phiên bản S-400, họ cũng không thể làm được bất cứ điều gì. Trước hết, để hiểu mọi thứ vận hành như thế nào, phải cần xử lý rất nhiều thông tin. Điều này hết sức khó khăn.

Mặt khác, để hiểu cách thức hoạt động phức tạp này, phải thâm nhập vào tất cả các chức năng của nó. Trong trường hợp S-400, điều này gần như không thể, vì các tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và Mỹ được xây dựng và phát triển hoàn toàn độc lập với nhau. Ngoài ra, phiên bản xuất khẩu hoàn toàn khác với phiên bản của quân đội Nga đang sử dụng."

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cam kết họ sẽ không bao giờ cho phép các chuyên gia của Lầu Năm góc tiếp cận các tổ hợp phòng không này. Người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov trước đó cũng nhấn mạnh "hợp đồng cung cấp S-400 quy định Ankara không được tiết lộ một số thông tin nhất định và Moskva tin tưởng vào các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ."

Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga mang ý nghĩa chính trị

Đây là lần đầu tiên một nước thành viên của Liên minh NATO mua các hệ thống phòng không của Nga. Hợp đồng mua S-400 không chỉ là vấn đề quân sự, mà còn là vấn đề chính trị. Ông Erdogan đang rất cần có một nước thay thế cho Mỹ và phương Tây để giúp bảo đảm tương lai chính trị và duy trì quyền lực của ông và đảng Công lý và Phát triển (AKP).

Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400: NATO rơi vào kế ly gián, Nga còn dễ bề tiêu diệt F-35 của Mỹ - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ có được lô S-400 đầu tiên vào tháng 7 bất chấp áp lực của Mỹ. Ảnh: Sputnik

Trong tình hình hiện nay, nước này chỉ có thể là Nga. Một khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống này có nghĩa là Ankara chủ trương xây dựng mối quan hệ chiến lược lâu dài với Moskva. Về phần mình, thông qua việc cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga tìm cách tạo ra sự rạn nứt giữa các nước NATO, đặc biệt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, đồng thời muốn có thêm một đồng minh ở Trung Đông.

Hợp đồng S-400 với Nga đang tạo ra bầu không khí nghi ngờ và rạn nứt trong Liên minh NATO và không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi khối này. Đây sẽ là một tổn thất chiến lược nặng nề cho NATO.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, trong cuộc khủng hoảng Syria và cuộc chiến chống người Kurd, Tổng thống Erdogan thấy mình bị ràng buộc trong quan hệ với Nga, trong liên minh với Nga và Iran.

Nếu do sức ép của Mỹ, ông Erdogan quay lưng lại với Nga trong thương vụ này, Tổng thống Putin có thể sẽ đẩy mạnh tấn công vào thành trì cuối cùng của phe đối lập Syria ở Idlib. Tại đây, Thổ Nhĩ Kỳ có hàng chục vị trí đóng quân, vì vậy sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib và Đông Euphrate phụ thuộc rất nhiều vào sự chấp thuận của Nga.

Tổng thống Erdogan đã nhiều lần nhấn mạnh, đối với ông lợi ích quốc gia là trên hết và ông không có ý định làm theo ý muốn của bất kỳ ai. Vấn đề ở đây không chỉ liên quan đến lĩnh vực phòng thủ. Ankara đã đồng ý hợp tác với Nga xây dựng đường ống dẫn hơi đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - TurkStream" công suất 63 tỷ m3/năm mà châu Âu từ chối.

Ông Erdogan nói: "Trong những năm gần đây, quan hệ hữu nghị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã được tăng cường. Chúng tôi chưa bao giờ xác định mối quan hệ của mình tùy thuộc vào bất kỳ áp lực nào từ nước thứ ba".

Vì sao Mỹ, NATO lo ngại trước việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga?

Washington đã nhiều lần đe doạ Ankara. Họ đã ngừng khoá huấn luyện phi công điều khiển máy bay tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cảnh báo sẽ huỳ hợp đồng cung cấp F-35. Nhưng Tổng thống Erdogan đã quyết không thay đổi, S-400 đang được bàn giao và triền khai tại Thổ Nhĩ Kỳ. Dư luận từ Mỹ cho biết Lầu Năm góc bị sốc đến mức không muốn bình luận và không tin vào những gì đã xảy ra.

Mỹ lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu đồng thời máy bay F-35 và hệ thống S-400 được thiết kế để bắn hạ loại máy bay này có thể giúp khám phá các thông tin kỹ thuật của nó.

Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400: NATO rơi vào kế ly gián, Nga còn dễ bề tiêu diệt F-35 của Mỹ - Ảnh 3.

Liên minh NATO hết sức lo ngại về việc Ankara mua hệ thống S-400 của Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần tuyên bố rằng mỗi quốc gia NATO đều có quyền quyết định độc lập về trang bị các loại vũ khí, nhưng các hệ thống S-400 của Nga sẽ không tương thích với hệ thống phòng thủ tên lửa tích hợp của NATO.

Washington Post cho biết lý do chính khiến Washington phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga là Ankara có thể có máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Nếu các tổ hợp S-400 được triển khai bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ cho phép Nga có được các thông tin về F-35 là loại máy bay quân sự hiện đại bậc nhất trong liên minh NATO.

Sở hữu máy bay F-35 này của Mỹ cùng với hệ thống S-400 có thể cho phép người Nga chiếm được nhiều thông tin, đặc biệt về các điểm yếu của F-35, giúp họ phát triển khả năng định vị của loại máy bay này trên màn hình radar. Như vậy, việc bắn hạ F-35 trở nên dễ dàng hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hồi tháng 5 vừa qua cho biết S-400 được thiết kế để bắn hạ các máy bay chiến đấu như F-35, và một khi Nga đã cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống tên lửa này thì không khó gì để được tiếp cận những thông tin bí mật về F-35.

Một yếu tố hết sức quan trọng không thể bỏ qua là Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ hiện nay ở Trung Đông đang sở hữu loại máy bay F-35. Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa đối với an ninh của Israel. Để duy trì ưu thế quân sự trong khu vực, Israel là quốc gia duy nhất ở Trung Đông được Mỹ cung cấp F-35.

Điều khiến Mỹ và Israel lo lắng nhất là Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận với Nga không chỉ mua hệ thống tên lửa S-400 mà còn tham gia sản xuất nó trên lãnh thổ của mình.

Mỹ có thể làm gì để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ?

Thỏa thuận giữa Ankara và Moscow sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vốn đang ở trong tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt." Một nguồn tin của Bloomberg cho biết, Mỹ đang chuẩn bị một lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ và có thể sẽ công bố vào cuối tuần tới.

Washington dự định chờ qua dịp kỷ niệm cuộc đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-16/7/ 2016 rồi mới công bố các biện pháp trừng phạt để tránh những người ủng hộ Tổng thống Erdogan suy diễn rằng Mỹ đứng sau âm mưu đảo chính này.

Theo nhiều nguồn tin, Tổng thống Trump có thể tạm hoãn áp dụng các biện pháp trừng phạt này như đã hứa với ông Erdogan trong cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh G-20 ở Osaka cuối tháng Sáu vừa qua, nhưng có lẽ sẽ không thể từ bỏ nó hoàn toàn do sức ép của Quốc hội và giới quân sự Lầu Năm góc.

Tháng 4/2019, Lầu Năm góc tuyên bố sẽ ngừng chương trình huấn luyện phi công F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ đến khi nào Ankara đồng ý hủy bỏ việc mua S-400 của Nga.

Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế, Washington có thể tăng cường tài trợ và vũ trang cho các nhóm ly khai người Kurd ở Syria, cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Iraq, thậm chí bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc mua hệ thống S-400 của Nga là quyết định mang tính chiến lược có thể coi là một bước ngoặt địa chính trị ở khu vực Trung Đông và thế giới. Đây là một bước thể hiện đường lối độc lập nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Thồ Nhĩ Kỳ.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại