Kịch bản chiến tranh Nga - Mỹ trên bầu trời Syria

Quang Huy |

Giới chuyên gia Nga đưa ra kịch bản Mỹ tấn công quân đội Syria, khi đó, nguy cơ đụng độ giữa lực lượng Nga - Mỹ là khó tránh khỏi.

Các chuyên gia của New York Times cho rằng, để chống lại chính phủ Assad, Mỹ sẽ tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng cho phe đối lập "ôn hoà". Những vũ khí này sẽ được sử dụng tại nhiều khu vực khác nhau ở Syria.

Trước đó, hôm 29/9, hãng thông tấn Reuters đưa tin, Nhà Trắng đang xem xét phương án triển khai hành động cứng rắn hơn tại Syria. Theo hãng thông tấn này, Mỹ có thể sẽ cho phép các đồng minh tại Vịnh Ba Tư cung cấp cho phe nổi dậy những loại vũ khí hiện đại hơn.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tổ chức tấn công vào căn cứ không quân của chính phủ Syria, mặc dù điều đó có thể khiến binh lính Nga thiệt mạng.

Song theo ông Mikhail Alexandrov, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu chính trị-quân sự Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (Nga), việc Mỹ tăng cường cung cấp các vũ khí hạng nặng cho phe đối lập khó có thể thay đổi được tương quan lực lượng.

Trước đây, người Mỹ vẫn cung cấp vũ khí cho phe đối lập. Kết quả là phe này có trang bị không hề thua kém quân đội của Assad, cho đến khi Nga bắt đầu cung cấp cho Syria các loại vũ khí hiện đại nhất.

Phe đối lập Syria có cả xe tăng và pháo tầm xa nhưng khi bầu trời hoàn toàn do Không quân Nga kiểm soát thì xe tăng và pháo binh không thể làm được gì, bởi chúng có thể bị tiêu diệt nhanh gọn.

Kịch bản chiến tranh Nga - Mỹ trên bầu trời Syria - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: Wiki

Người Mỹ không thể cung cấp cho phe đối lập Syria các hệ thống phòng không hiện đại, ví dụ như tổ hợp tên lửa MIM-104A Patriot bởi việc này có thể là bằng chứng cho sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào cuộc chiến ở Syria – điều mà Washington không muốn.

Trên lý thuyết, Mỹ có thể cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không vác vai như FIM-92 Stinger cho phe đối lập nhưng loại vũ khí này chỉ hiệu quả trước máy bay trực thăng, chứ không phải lực lượng không quân ném bom.

Điều này có nghĩa các tổ hợp FIM-92 Stinger không thể thay đổi căn bản tình hình. Có lẽ vì vậy nên Mỹ không nỗ lực để cung cấp chúng.

Thêm vào đó, người Mỹ hoàn toàn có căn cứ để lo sợ rằng, những hệ thống trên sẽ rơi vào tay các tổ chức khủng bố thực thụ chứ không phải những kẻ nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ. Khi đó, các máy bay của Mỹ cũng sẽ trở thành mục tiêu.

"Mỹ có thể tấn công quân chính phủ Syria"

Ông Alexandrov cho rằng, người Mỹ có thể triển khai tấn công quân chính phủ Syria từ trên không nhưng khi đó họ sẽ đụng phải lực lượng không quân Nga. Và khó có thể đoán được những tình huống như vậy sẽ có kết cục như thế nào.

Chưa chắc Mỹ có thể giành được thắng lợi trong các cuộc chạm trán trên không. Còn nếu Mỹ thất bại, điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất.

Nước Mỹ, trong trường hợp đó, có thể sẽ rạn nứt và Washington phải bắt đầu một thế chiến để giữ thể diện của mình. Đó hoàn toàn không phải kết quả mà Mỹ muốn nhận tại Syria.

Về bản chất, theo ông Alexandrov, người Mỹ muốn giành được chiến thắng tại Syria bằng bàn tay của những tổ chức khủng bố địa phương, giống như những gì từng xảy ra tại Libya, nhưng họ không làm được. Mỹ hoàn toàn không còn phương án nào khác.

Bởi vậy, bản chất vấn đề chỉ nhằm "dọa nạt" Nga, bao gồm cả việc dùng biện pháp tăng cường lệnh trừng phạt. Nhưng vì Nga không chấp nhận lùi bước, Mỹ sẽ phải giảm bớt áp lực, ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận về các phương án thiết thực để giải quyết vấn đề Syria.

Trong trường hợp Mỹ từ chối, Bashar Assad hoàn toàn có thể giành thắng lợi nếu Aleppo thất thủ.

Bên cạnh đó, theo ông Alexandrov, hiện nay cả Ả Rập Xê Út cũng đang chịu trận sau quyết định của Hạ viện Mỹ về việc cho phép gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong các cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 được đâm đơn kiện quốc gia này. Xin nhắc lại, phần lớn những kẻ khủng bố tham gia vào các vụ tấn công hôm 11/9 là công dân Ả Rập Xê Út.

Nếu như đơn kiện của người Mỹ được chấp thuận thì mối quan hệ giữa Washington và Riyadh sẽ bị hủy hoại toàn bộ và không thể biết được liệu Ả Rập Xê Út sẽ tiếp tục chính sách trước đó hay sẽ tìm cách đàm phán với Nga.

Liên quan tới những điều kiện khiến Mỹ có thể quyết định triển khai chiến dịch trên bộ tại Syria, chuyên gia Alexandrov nhận định, từ nay đến khi có Tổng thống mới, Mỹ chắc chắn sẽ không quyết định gì.

Nhưng về mặt nguyên tắc, chiến dịch này hoàn toàn có thể diễn ra nếu Mỹ đạt được thoả thuận với Nga và kêu gọi thêm các đồng minh trong khối NATO tham gia.

Trong trường hợp đó, tất cả các bên sẽ đưa vào Syria nhiều đơn vị bộ binh và lãnh thổ Syria sẽ bị chia cắt thành nhiều khu vực chiếm đóng.

Nga hoàn toàn thích thú với kịch bản này: trong trường hợp đó, Moscow sẽ kiểm soát những khu vực màu mỡ nhất như Latakia, Damask, Aleppo. Còn Mỹ có thể tiếp nhận các khu vực có người Kurd, cũng như khu vực sa mạc có IS. Như vậy, người Mỹ sẽ kết liễu hoàn toàn những kẻ khủng bố…

Nguy cơ xung đột trực tiếp Nga - Mỹ

Trong khi đó, tiến sĩ khoa học quân sự - chủ tịch Học viện các vấn đề địa chính trị (Nga) Constantin Sivkov cho rằng phương án dùng vũ lực nhẹ nhàng nhất mà Mỹ có thể áp dụng đó là không kích các đơn vị của quân chính phủ Syria.

Một cuộc không kích tương tự đã xảy ra hôm 17/9 tại gần thành phố Deir ez-Zor của Syria. Theo truyền thông Nga, 2 chiếc máy bay F-16 của Mỹ và 2 chiếc máy bay cường kích A-10 (một trong số đó thuộc Không quân Úc) đã không kích vào các vị trí của quân đội chính phủ. Hậu quả làm 80 bính linh thiệt mạng, gần 100 người bị thương.

Nhưng nếu như các cuộc không kích này diễn ra thường xuyên, Moscow có thể sẽ chuyển giao cho quân đội Syria tổ hợp tên lửa phòng không S-400 "Triumph" cùng với các sĩ quan Nga vận hành.

Kịch bản chiến tranh Nga - Mỹ trên bầu trời Syria - Ảnh 2.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga tại Syria. Ảnh: RT

Phương án này sẽ nhanh chóng đặt dấu chấm hết cho các chiến dịch của không quân liên quân. Bên cạnh đó, lực lượng Không quân Nga sẽ bắt đầu triển khai không kích các vị trí của phe đối lập thân Mỹ.

Tuy nhiên điều đó nhiều khả năng sẽ leo thang thành những hành động cứng rắn hơn. Và khi đó, nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp giữa Nga và Mỹ sẽ xuất hiện.

Cuộc xung đột vũ trang giữa 2 phía sẽ kéo theo những thiệt hại đáng kể cho phía Mỹ, có thể là vài chục máy bay chiến đấu. Song cả lực lượng của Nga cũng sẽ chịu tổn thất vì Moscow không thể nhanh chóng bổ sung lực lượng trong thời hạn ngắn nhất.

Trong kịch bản này, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của NATO – chắc chắn sẽ khoá chặt eo biển Đen và chặn đường chi viện của Nga. Sau đó, người Mỹ có thể nhanh chóng đưa tới Syria 3 chiếc tàu sân bay, cộng với các sân bay hiện có ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út mà Không quân Mỹ vẫn đang sử dụng.

Kết quả là sẽ có 2 đơn vị không quân của Mỹ với khoảng 140 máy bay đối đầu với 40 máy bay của Nga. Cộng với 3 đơn vị không quân tấn công từ các tàu sân bay với tối thiểu khoảng 180 máy bay (60 chiếc trên mỗi tàu sân bay).

Cần phải tính tới khả năng Mỹ sẽ triển khai tấn công bằng tên lửa trước khi không quân xuất trận. 

Dự kiến sẽ có khoảng tối đa 200 quả tên lửa BGM-109 Tomahawk được phóng từ ngoài biển vào để xuyên thủng hàng lang bảo vệ của hệ thống phòng không Nga, tiêu diệt tổ hợp S-400 và phá hoại một phần đáng kể của lực lượng không quân Nga ngay tại sân bay đóng quân.

Sau đó, người Mỹ có thể chỉ mất vài tiếng để đập tan lực lượng vũ trang của Nga. Moscow không có gì để đáp trả ngoài việc bắt đầu cuộc chiến quy mô lớn có sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thực ra, với diễn biến như vậy thì Mỹ sẽ bị coi là kẻ tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế, khiến cho Washington phải gánh chịu hậu quả về chính trị rất to lớn.

Chính 2 yếu tố này sẽ kiềm chế được khả năng sử dụng vũ lực của Mỹ tại Syria. Về bản chất, Washington đang ở trong thế "tiến thoái lưỡng nan".

Nếu như không chấp nhận phương án cứng rắn, Mỹ sẽ mất đi tầm ảnh hưởng tại Syria và thế giới Ả Rập. Nếu chấp nhận thì sẽ dẫn tới nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân với Nga. Trong bối cảnh đó, theo ông Sivkov, việc chia cắt Syria có lẽ là phương án khả thi duy nhất…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại