Kịch bản ác mộng khi khủng hoảng Biển Đỏ lan thành chiến tranh khu vực

Kiều Anh |

Cho đến nay, chiến tranh ở Gaza sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của lực lượng Hamas vẫn chưa dẫn đến một kịch bản ác mộng - cuộc xung đột lớn hơn ở Trung Đông có thể kéo Mỹ và Iran tham chiến. Tuy nhiên, sau các sự kiện trong một vài ngày qua, nguy cơ dường như ngày càng lớn hơn.

Trung tâm của mối nguy hiểm là Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công các tàu trở hàng có liên hệ với Israel. Mỹ đã có động thái để bảo vệ việc vận chuyển trong khu vực này, tập hợp một liên minh hải quân đa quốc gia để "duy trì nguyên tắc cơ bản của tự do hàng hải". Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông muốn tránh một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với lực lượng Houthi do lo ngại căng thẳng leo thang trong khu vực.

Ngày 31/12/2023, hải quân Mỹ đã lần đầu tiên vượt qua lằn ranh đó khi đánh chìm 3 tàu nhỏ của lực lượng Houthi sau khi các tàu này tìm cách tấn công một tàu thương mại ở Biển Đỏ. Ngày 1/1/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết Anh "sẽ không ngần ngại hành động thêm" nếu các cuộc tấn công của Houthi tiếp tục. Hiện nay, giữa bối cảnh Iran bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ và Anh về việc dừng ủng hộ Houthi, một tàu khu trục của Tehran đã tiến vào Biển Đỏ.

Kịch bản ác mộng khi khủng hoảng Biển Đỏ lan thành chiến tranh khu vực- Ảnh 1.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Carney (DDG 64) đã tấn công tên lửa và UAV của Houthi trên Biển Đỏ vào tháng 10/2023. Ảnh; AFP

Nhà quan sát Patrick Wintour nhận định trên The Guardian rằng, Mỹ, Anh và một nước châu Âu nữa có thể đưa ra cảnh báo về việc tấn công vào các cơ sở quân sự ở Yemen.

Không lâu sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023, lãnh đạo Houthi Abdulmalik Al-Houthi đã tuyên bố ủng hộ Hamas và cho biết lực lượng này "sẵn sàng điều động hàng trăm nghìn quân để cùng với người Palestine đối phó với kẻ thù".

Một số nhà quan sát cho rằng tuyên bố trên có thể đã được thổi phồng bởi sự can thiệp của Houthi vẫn chỉ dừng lại ở các cuộc tấn công tên lửa và UAV, chủ yếu bị Mỹ và Israel đánh chặn. Tuy nhiên, ngày 19/11/2023, lực lượng này đã sử dụng một trực thăng để bắt giữ tàu chở hàng ở Biển Đỏ mà Nhật Bản vận hành nhưng lại do một doanh nhân Israel sở hữu. Houthi đã bắt cóc thủy thủ đoàn và cảnh báo tất cả các tàu thuyền có liên hệ với Israel đều sẽ "trở thành mục tiêu hợp pháp cho các lực lượng vũ trang".

Điều gì xảy ra ở Biển Đỏ?

Có ít nhất 17 cuộc tấn công nhằm vào các tàu thuyền mà lực lượng Houthi tin là có liên hệ với Israel hoặc đồng minh, song hầu hết các cuộc tấn công này đều không thành công. Cho đến nay, Mỹ vẫn tránh đối đầu trực tiếp với Houthi.

Ngày 31/12/2023, trực thăng của Hải quân Mỹ đã tấn công một nhóm tàu nhỏ sau khi các tàu này tìm cách tấn công một tàu thương mại ở Biển Đỏ. Theo Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ ở Trung Đông, tàu container Maersk Hangzhao đã phát tín hiệu cầu cứu hai lần trong vòng 24 tiếng đồng hồ do bị 4 tàu nhỏ của lực lượng Houthi tấn công. Trong khi Washington tuyên bố các trực thăng của nước này chỉ tấn công để tự vệ thì cái chết của 10 chiến binh Houthi đã đánh dấu một giai đoạn mới trong xung đột.

Sự an toàn của việc vận chuyển ở Biển Đỏ đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế thế giới bởi đây là tuyến thương mại lớn kết nối châu Á với châu Âu và Mỹ. 30% việc đi lại của các tàu container toàn cầu đi qua khu vực này và bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào tới sự an toàn này đều có thể gây ra những hậu quả dây chuyền với giá dầu và các mặt hàng sẵn có ở phương Tây được sản xuất ở châu Á. Bản thân Israel cũng phụ thuộc lớn vào hoạt động giao thương ở Biển Đỏ với đa số hàng nhập khẩu và xuất khẩu bằng đường biển.

Các công ty vận chuyển phản ứng như thế nào?

7 trong số 10 công ty vận chuyển lớn nhất thế giới, trong đó có BP và công ty Hapag-Lloyd của Đức đã dừng việc sử dụng Kênh đào Suez và Biển Đỏ do cuộc khủng hoảng trên. Trong khi một số công ty nối lại các dịch vụ sau khi Mỹ tổ chức một liên minh hải quân để bảo vệ khu vực này thì nhiều tàu container vẫn đang sử dụng các tuyến đường thay thế. Nhiều tàu thuyền di chuyển từ châu Á sang châu Âu phải vòng qua phía Nam châu Phi - một hành trình có thể mất lâu hơn 2 tuần và đẩy chi phí tăng cao.

Phương Tây đang làm gì?

Nhằm phản ứng trước cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ, Nhà Trắng đã tập hợp một lực lượng tác chiến hải quân được gọi là Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng để bảo vệ việc đi lại trong khu vực. Trong khi hầu hết các quốc gia chỉ cử thủy thủ gia nhập thì chỉ có Mỹ và Anh điều tàu chiến với mục đích gây khó cho lực lượng Houthi. Một điều nữa đáng chú ý là việc Bahrain là nước Arab duy nhất công khai gia nhập liên minh trên giữa bối cảnh hầu hết các nước coi tác động về kinh tế lớn hơn việc bảo vệ Israel.

Mỹ cũng đồng thời xoa dịu mối lo ngại của Saudi Arabia về tác động của một cuộc tấn công lớn nhằm vào Houthi trong nỗ lực hoàn tất thỏa thuận hòa bình ở Yemen. Mối bận tâm của Washington là bất kỳ sự leo thang nào đều có thể thúc đẩy ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, một số nhà quan sát có quan điểm cứng rắn thì nói rằng, việc tấn công vào các tuyến vận chuyển mà không vấp phải phản ứng đáp trả mạnh mẽ thì sẽ chỉ khiến chúng xảy ra thường xuyên hơn.

Khủng hoảng Biển Đỏ có thể trở nên tồi tệ hơn?

Ngày 31/12/2023, nhà quan sát Julian Borger cho rằng "Trung Đông đang đứng trên bờ vực của một cuộc xung đột khu vực" kể từ cuộc tấn công ngày 7/10 và "tuần qua cho thấy vách đã ngăn khu vực này rơi vào vực thẳm chiến tranh có thể nhanh chóng sụp đổ như thế nào".

Nếu mối đe dọa ở Biển Đỏ tiếp tục, các công ty vận chuyến sẽ tiếp tục tránh đi qua khu vực này. Giá dầu toàn cầu hiện chưa chịu tác động đáng kể bởi cuộc khủng hoảng và đã giảm vào tuần trước do niềm tin rằng tuyến đường này sẽ mở lại. Tuy nhiên, bất kỳ mối đe dọa nào tăng trở lại mà không có lối thoát rõ ràng sẽ nhanh chóng thay đổi điều đó.

Nga muốn phá thế thống trị của USD, nhưng bế tắc khi bán dầu cho Ấn Độ bằng các loại tiền khác

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại