Khủng hoảng Qatar: Từng giờ qua, ai mới là người "ngồi trên đống lửa"?

Đại sức Trần Đức Mậu |

Ngày 3/7, các nước Ả rập cô lập Qatar đã nhất gia hạn thêm cho Qatar 48 giờ nữa để thực hiện tối hậu thư 13 điều trước đó.

Người hòa giải hay chỉ là "người vận chuyển"

Cứ theo lời của Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani thì nước này không những không thể chấp nhận mà còn không có ý định chấp nhận tối hậu thư với 13 điều kiện của Ả rập Xê út, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Ai cập.

Theo Ả rập Xê út, tối hậu thư này được gia hạn thêm 48 giờ do đề nghị của Kuwait. Tuy nhiên, trong hai ngày này, tình hình không thấy có đột biến gì so với 10 ngày trước nên Qatar khó có thể thay đổi sự bác bỏ trước đó.

Phía bên kia đã đi quá xa nên không thể tự lùi. Phía bên này đã thẳng thừng bác bỏ nên cũng không thể bất ngờ chấp nhận. Kuwait hiện đóng vai trò trung gian hoà giải nhưng thực chất chỉ làm được việc đưa thư và chuyển thông điệp.

Kuwait có thiện chí nhưng không có đủ khả năng thực tế để đóng vai trò hòa giải trong cuộc khủng hoảng này. Kuwait không tham gia liên quân đối đầu Qatar nhưng là láng giềng của Ả rập Xê út, lệ thuộc nhiều và phải nể vì cũng phụ thuộc vào nước láng giềng lớn hơn gấp bội về nhiều phương diện này.

Kuwait là thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) như Ả rập Xê út, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Qatar nhưng trên thực tế các thành viên kia đã chi phối và sử dụng Kuwait để đối phó Qatar.

Trên danh nghĩa thì chưa nhưng trong thực chất, GCC đã tan rã hoặc không còn có sự tham gia của Qatar. Doha chắc chắn cũng đã tính đến khả năng bị loại ra khỏi GCC. Trong tương quan lực lượng hiện tại, Kuwait không giúp được gì cho Qatar mà còn vị 3 thành viên lợi dụng để đối phó Qatar.

Khủng hoảng Qatar: Từng giờ qua, ai mới là người ngồi trên đống lửa? - Ảnh 1.

Mỹ, Nga hoặc Liên Hợp Quốc có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong khủng hoảng vùng Vịnh. Ảnh: CNN

Tiến thoái lưỡng nan

Bốn nước kia đã đi quá xa khi đưa ra những điều kiện trong tối hậu thư, thực chất là tước bỏ chủ quyền và quyền tự quyết của Qatar, đẩy vương triều này đến trước sự lựa chọn giữa tồn tại và không tồn tại. Tối hậu thư không để dư địa cho đàm phán và thoả hiệp hay cho "cài số lùi" và giảm căng thẳng.

Qatar đã thẳng thừng bác bỏ tối hậu thư nên không thể có chuyện vì Kuwait hay nhờ Kuwait mà sẽ chấp nhận "thần phục". Trong cuộc khủng hoảng này, nghe như nghịch lý nhưng lại đúng thật là phía bốn nước kia sốt ruột trong khi Qatar không còn gì để mất nữa nên phải chơi con bài thời gian để tìm lối thoát. Trên phương diện này, thời gian có vẻ như ủng hộ Qatar chứ không phải đứng về phía bên kia.

Về an ninh và kinh tế, bốn nước kia không thể đánh bại được Qatar. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã "căng ô" an ninh che chở cho Qatar. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã thay thế những nước kia để đảm bảo Qatar không bị khủng hoảng về cung ứng lương thực và thực phẩm.

Bốn nước kia có thể tiếp tục cô lập Qatar về chính trị nhưng vương triều này không vì thế mà bị cô lập về chính trị trên thế giới. Qatar đủ hùng mạnh về tài chính để chống đỡ các biện pháp trừng phạt của bốn nước kia trong thời gian dài.

Khủng hoảng Qatar: Từng giờ qua, ai mới là người ngồi trên đống lửa? - Ảnh 2.

Cuộc khủng hoảng này càng kéo dài và càng trầm trọng thì càng bất lợi cho Mỹ trong ý đồ tập hợp và thống nhất lực lượng ở khu vực để chống khủng bố. Nó chưa được hạ hoả gay cấn vì cả hai phía chưa bị thách thức đến tận giới hạn khả năng của họ, vì chưa xuất hiện trung gian hoà giải thích hợp.

Đảm nhận vai trò này phải là ai đó thật sự vô tư trong cuộc khủng hoảng, không phụ thuộc hay nể vì bên này hoặc bên kia, lại có ảnh hưởng và uy tín đối với cả hai bên, không thể là Kuwait mà phải tầm cỡ như Mỹ, Nga hoặc LHQ.

Rõ ràng là phía bốn nước đã quá chủ quan và vội vàng nên mới nhanh chóng quá đà như vậy. Họ không chuẩn bị thấu đáo cho mọi kịch bản có thể xảy ra và đặc biệt không ngờ đến thái độ "hai mặt" của Mỹ.

Qatar bị bất ngờ nhưng ý thức được ngay rằng, theo bốn nước kia bây giờ là bắt đầu tự đánh mất mình. Để có thêm thời gian, có thể Doha sẽ đáp ứng một vài điều kiện nhỏ trong số 13 điều kiện của tối hậu thư, phần còn lại sẽ tiếp tục bác bỏ, đẩy tất cả vào tình thế khó xử. Hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại