Khủng hoảng nước sạch tại Mỹ năm 2014: 15 người phải hầu tòa, 1 người bị buộc tội ngộ sát

Tuyết Nhung |

Người dân ở thành phố Flint, bang Michigan, Mỹ đã lập tức bị phát ban, ngứa và rụng tóc khi sử dụng nước sinh hoạt có màu và mùi lạ.

Đầu năm 2014, chính quyền thành phố Flint, Mỹ đã quyết định ngưng sử dụng nguồn cung cấp nước từ hệ thống của thành phố Detroit đã sử dụng được gần 50 năm để lên kế hoạch xây dựng một hệ thống cấp nước mới trong khu vực.

Và trong lúc chờ đợi việc xây dựng hoàn tất, cả thành phố sẽ tạm thời sử dụng nguồn nước lấy từ sông Flint. Thế nhưng quyết định này của chính quyền thành phố chẳng những không đem lại lợi ích như mong muốn mà còn gây ra nhiều tác động nặng nề lên đời sống người dân.

Khủng hoảng nước sạch tại Flint

Từ sau khi chuyển đổi nguồn nước sử dụng, người dân trong thành phố vô cùng kinh hoàng khi nhìn thấy thứ nước chảy ra từ vòi nước của gia đình. Nó có màu nâu, cam hoặc đen như cà phê, thỉnh thoảng lại có nhiều hạt nhỏ nổi bên trong và có mùi hôi.

Khi dùng nước này để tắm, nhiều người lập tức bị phát ban, ngứa da và rụng tóc. Và khi nhấp một ngụm nước, người dân lập tức có thể cảm nhận được ngay vị của kim loại trên đầu lưỡi.

Khủng hoảng nước sạch tại Mỹ năm 2014: 15 người phải hầu tòa, 1 người bị buộc tội ngộ sát - Ảnh 1.

Nước có màu sắc kỳ lạ chảy ra từ vòi nước của các hộ gia đình ở thành phố Flint, bang Michigan, Mỹ.

Trước tình trạng đó, người dân đã liên tiếp gửi đơn phản ánh lên chính quyền địa phương, thậm chí nhiều người còn mang theo chai nhựa đựng nước có màu kì lạ đến tòa thị chính để biểu tình nhưng bất chấp tất cả, chính quyền địa phương một mực khẳng định rằng nước vẫn an toàn và người dân hoàn toàn có thể uống nó.

Đồng thơi, chính quyền địa phương còn ra thông báo khuyến khích người dân thành phố nên để nước chảy vài phút trước khi sử dụng để làm sạch dòng nước và nên sử dụng nước đã nấu chín. Nhiều quan chức về môi trường tại địa phương cũng liên tiếp lên tiếng khẳng định với người dân nguồn nước vẫn tốt và không có gì phải lo lắng.

Hậu quả nặng nề

Theo kết quả nghiên cứu dựa trên những mẫu nước được thu thập từ hơn 252 hộ gia đình ở Flint của các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Virginia Tech thực hiện năm 2015 cho thấy nồng độ chì trong thành phố đã tăng vọt với gần 17% mẫu vật thử nghiệm có nồng độ chì trên mức cảnh báo của liên bang.

Kinh khủng hơn, theo báo cáo của bác sĩ nhi Mona Hanna-Attisha vào tháng 9/2015 cho thấy nồng độ chì trong máu của trẻ em ở thành phố Flint đã tăng gấp đôi so với năm 2014 và gấp 3 lần tại một số khu vực nhất định trong thành phố. Theo đó, có gần 9000 trẻ em đã được cung cấp nước nhiễm chì trong suốt 18 tháng liền.

Khủng hoảng nước sạch tại Mỹ năm 2014: 15 người phải hầu tòa, 1 người bị buộc tội ngộ sát - Ảnh 2.

Lo sợ nước ô nhiễm, người dân phải dùng nước đóng chai để rửa thực phẩm.

Không chỉ dừng lại ở đó, việc thay đổi nguồn cung cấp nước còn mang đến hậu quả nặng nề hơn đó là sự bùng phát của bệnh dịch.

Thời điểm thành phố Flint ngừng sử dụng nguồn nước từ Detroit để chuyển sang sử dụng nguồn nước của sông Flint cũng chính là thời điểm bùng phát dịch bệnh Legionnaires (một dạng viêm phổi nặng) làm chết 12 người và ít nhất 87 người mắc bệnh từ tháng 6/2014 đến tháng 10/2015.

Đây là trận bùng phát dịch bệnh Legionnaires lớn thứ 3 được ghi nhận trong lịch sử nước Mỹ. Cùng với đó là việc phát hiện ra vi khuẩn fecal coliform có trong nước năm 2014 cho thấy rằng thành phố đã không làm tốt công tác khử trùng nước bằng clo trước khi đưa đến cho người dân.

Trớ trêu thay, ngay sau đó thành phố đã tiến hành sử dụng thêm nhiều clo để khử trùng nước nhưng vấn đề chẳng những không được giải quyết mà còn làm phát sinh thêm một vấn đề mới là làm gia tăng nồng độ trihalomethan (TTHM) được sản sinh ra trong quá trình dùng clo khử trùng nước. Và đây là một chất hóa học gây ung thư.

Khủng hoảng nước sạch tại Mỹ năm 2014: 15 người phải hầu tòa, 1 người bị buộc tội ngộ sát - Ảnh 3.

Cô bé Erler of Flint, 5 tháng tuổi, bị rút máu từ gót chân để được kiểm tra nồng độ chì.

Người dân tự cứu lấy mình

Đứng trước mối đe dọa từ nguồn nước bị ô nhiễm và sự thất bại của chính quyền thành phố, tiểu bang và các cơ quan ban ngành trong việc giải quyết vấn đề, người dân thành phố Flint đã đoàn kết lại, dùng sức mạnh tập thể buộc chính phủ phải nhanh chóng thực hiện trách nghiệm của mình.

Trong thời gian chờ đợi kết quả thử nghiệm mẫu nước, người dân địa phương đã cùng với nhiều nhóm hoạt động xã hội gửi đơn kiến nghị đến Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) kêu gọi ban hành một chiến dịch khẩn cấp để ứng phó với thảm họa. Tuy nhiên đề nghị này không được thông qua.

Đầu năm 2016, một liên minh gồm Mellissa Mays một người dân sống ở Flint và các hội nhóm ở địa phương như Hội Mục sư hành động vì xã hội, NRDC, ACLU of Michigan đã nộp đơn kiện yêu cầu các quan chức thành phố Flint và tiểu bang Michigan phải đảm bảo được nguồn nước an toàn cho người dân Flint.

Nội dung đơn kiện gồm có việc yêu cầu chính quyền phải có biện pháp thích hợp để kiểm tra và xử lý nước nhiễm chì, đồng thời thay thế tất cả đường ống dẫn nước bị nhiễm độc của thành phố.

Khủng hoảng nước sạch tại Mỹ năm 2014: 15 người phải hầu tòa, 1 người bị buộc tội ngộ sát - Ảnh 4.

Người dân biểu tình yêu cầu chính quyền nhanh chóng vào cuộc để giải quyết vụ việc.

Tháng 3/2016, liên minh tiếp tục nộp đơn yêu cầu phải đảm bảo tất cả người dân – bao gồm trẻ em, người già và những người không có điều kiện để đến các trung tâm phân phối nước sạch của thành phố đều được tiếp cận với nước sạch thông qua việc phân phát nước đóng chai hoặc các chương trình lắp đặt vòi lọc nước cho từng hộ gia đình.

Sau cùng, tất cả những nỗ lực đều được đền đáp. Tháng 11/2016, thẩm phán liên bang đã quyết định thực hiện việc phân phát nước đóng chai đến từng hộ gia đình không có vòi lọc nước đúng chuẩn. Tháng 3/2017, tòa án liên bang đã quyết định yêu cầu chính quyền thành phố Flint thay thế hàng nghìn ống dẫn nước với nguồn kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước.

Tòa án còn yêu cầu chính quyền thành phố Flint phải đảm bảo tài trợ thêm máy kiểm tra nước toàn diện cũng như thực hiện chương trình lắp đặt, hướng dẫn sử dụng vòi lọc nước, phát nước đóng chai miễn phí suốt mùa hè và tiếp tục các chương trình y tế giúp người dân ứng phó với những ảnh hưởng còn lại từ cuộc khủng hoảng nước bị nhiễm độc.

Hiện người dân Flint và những người ủng hộ họ vẫn đang tiến hành giám sát, đảm bảo chính quyền thành phố đang thực hiện đúng những việc đã được tòa án yêu cầu.

Khủng hoảng nước sạch tại Mỹ năm 2014: 15 người phải hầu tòa, 1 người bị buộc tội ngộ sát - Ảnh 5.

Người dân được cấp phát nước đóng chai để dùng trong sinh hoạt trong thời gian giải quyết cuộc khủng hoảng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đầu năm 2016, Bill Schuette – Bộ trưởng Bộ Tư pháp bang Michigan đã công bố một bảng đánh giá về những vi phạm liên quan đến thảm họa nước tại thành phố Flint. Trong quá trình điều tra, 15 người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho nguyên nhân hoặc góp phần gây ra khủng hoảng.

Kết quả, viên chức cao cấp nhất bị buộc tội là Nick Lyon – giám đốc Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Michigan (MDHHS) bị cáo buộc về tội ngộ sát không chủ ý liên quan đến cái chết của 2 người đàn ông trong vụ bùng phát dịch bệnh Legionnaires.

Một số quan chức khác bị buộc tội gồm có Tiến sĩ Eden Wells - giám đốc điều hành y tế của bang, người bị cáo buộc đe dọa từ chối cấp quỹ cho một dự án sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành điều tra về sự bùng phát dịch Legionnaires và 4 quan chức khác bị buộc tội giả mạo kết quả kiểm tra nồng độ chì và chỉ đạo người dân rửa sạch vòi nước trước khi kiểm tra (để có thể giả tạo kết quả nồng độ chì thấp).

Hai cựu quản lý tình trạng khẩn cấp của Flint, ba quan chức thành phố Flint và một số nhân viên của Bộ Chất lượng Môi trường Michigan (MDEQ) và MDHHS cũng bị buộc tội. Trong khi đó, Thống đốc bang Snyder vẫn chưa bị cáo buộc bất kỳ tội danh nào.

Khủng hoảng nước sạch tại Mỹ năm 2014: 15 người phải hầu tòa, 1 người bị buộc tội ngộ sát - Ảnh 6.

Sông Flint chảy qua trung tâm thành phố Flint.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại