Dân số châu Á đang tăng lên và nhu cầu đối với an toàn thực phẩm của người tiêu dùng cũng cao hơn, họ cần những loại thực phẩm bền vững, tốt cho sức khoẻ hơn.
Theo báo cáo Asia Food Challenge mới công bố tuần trước, khoản chi tiêu cho lương thực, thực phẩm ở khu vực này sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 4 nghìn tỷ USD vào năm 2019 lên tới hơn 8 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Ngoài ra, khu vực này cần phải đầu tư 800 tỷ USD để giải quyết vấn đề trên.
Bản báo cáo này được thực hiện bởi PwC, Rabobank và công ty đầu tư của Singapore - Temasek. Trong đó, các tác giả có viết: "Nếu khoản đầu tư này không được thực hiện, thì chúng tôi tin rằng ngành này sẽ gặp nhiều khó khăn khi đáp ứng nhu cầu của người dân, dẫn đến hậu quả là châu Á đối mặt với khủng hoảng lương thực."
Tại sao châu Á đang đối mặt với rắc rối về lương thực?
Theo bản báo cáo phát hành hôm 20/11, châu Á không thể tự cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho mình, phải dựa vào nhập khẩu qua các chuỗi cung ứng dài từ châu Mỹ, châu Âu và châu Phi.
Chi tiết này cũng trùng khớp với nghiên cứu của Hội nghị về Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc năm 2018. Trong đó viết: "Nhìn chung, các quốc gia Mỹ Latinh, Đông Phi và Nam Á là các nhà xuất khẩu ròng lương thực, trong khi khu vực còn lại của châu Á và châu Phi lại là nhà nhập khẩu ròng." Điều này có nghĩa là châu Á đang phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu cơ bản.
Một trong các tác giả của báo cáo - Richard Skinner, đến từ PwC, cho biết: "Lương thực là một chủ đề nhạy cảm. Trong lịch sử đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh, nổi dậy vì vấn đề lương thực. Và điều đó có thể sẽ tiếp tục xảy ra." Ông nói thêm: "Chúng ta quá phụ thuộc vào các nước khác về công nghệ và cả lương thực. Nếu không giải quyết vấn đề này, sẽ có rất nhiều khó khăn khác kéo đến."
Biến đổi khí hậu và gia tăng dân số cũng khiến những thách thức của châu Á trầm trọng hơn vì gây ra các vấn đề về nguồn cung, cũng như biến động giá cả. Bản báo cáo còn chỉ ra rằng, những hiện tượng thời tiết cực đoan có thể làm giảm năng suất cây trồng và thay đổi cấu trúc cây trồng. Lượng đất trồng trọt cho mỗi người châu Á dự kiến giảm 5% vào năm 2030.
Trong khi đó, dân số châu Á có thể tăng thêm khoảng 250 triệu người trong thập kỷ tới. Skinner nhận định: "Nhìn vào tất cả vấn đề trên, dù là biến đổi khí hậu, gia tăng dân số hay nhu cầu tiêu dùng lớn hơn, thì đó là một viễn cảnh đáng sợ. Nếu không giải quyết, chúng ta sẽ đối mặt với tình trạng tồi tệ chỉ trong 10 năm nữa."
Vậy 800 tỷ USD sẽ đi đâu?
Theo Skinner, trong 800 tỷ USD đầu tư cho ngành lương thực châu Á thì yếu tố chủ chốt là công nghệ và đổi mới. Bản báo cáo cho hay, khoảng 1 nửa khoản đầu tư đó có thể sẽ ở Trung Quốc.
Đồng tác giả Anuj Maheshwari đến từ Temasek nhận định: "Cơ hội lớn nhất cho ngành công nghệ thực phẩm ở Á có lẽ đến từ Trung Quốc. Đó là bởi họ có các công ty công nghiệp sử dụng công nghệ tự động hoá thông minh."
Ví dụ, nhà sản xuất máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp - DJI. Các thiết bị của công ty này chuyên phun thuốc trừ sâu và phân bón, tìm ra nguồn dịch bệnh cho cây trồng. DJI hiện đang chiếm hơn 70% thị phần trong thị trường máy bay không người lái dân dụng trên thế giới năm 2018, theo công ty phân tích Skylogic Research.
Nhóm tác giả cho biết, đó là lý do tại sao các thành phố của Trung Quốc như Thâm Quyến, Bắc Kinh và Thượng Hải có thể là trung tâm của sự đổi mới ngành công nghiệp lương thực. Những địa điểm này có kinh nghiệm, môi trường phù hợp thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của các start-up tiềm năng. Ngoài ra, Singapore và Banglore cũng là trung tâm đổi mới của khu vực.