Khủng hoảng chính trị ở Minsk: Kịch bản nào đối với Belarus?

Thúy |

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Belarus hiện tại đã được so sánh với cách mạng Maidan lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovich ở Ukraine năm 2014.

Không có người lãnh đạo thực sự

Các cuộc biểu tình của người Belarus nổ ra từ sau cuộc bầu cử ngày 9/8, với phần thắng thuộc về đương kim tổng thống Alexander Lukashenko. Phe đối lập cáo buộc kết quả thắng lợi giành hơn 80% số phiếu của ông Lukashenko là gian lận.

Theo đài VOA (Mỹ), những người đi đầu trong các cuộc tuần hành phản đối kết quả bầu cử ở Minsk là những người dân Belarus bình thường, chứ không phải các nhà lãnh đạo chính trị có uy tín như những người đã kích động đám đông và tài trợ cho phong trào biểu tình năm 2014 ở Ukraine tập trung quanh quảng trường độc lập Maidan ở Kiev.

Tại Belarus, nhà phân tích chính trị độc lập Valery Karbelevich nói "sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo sáng giá chắc chắn làm các cuộc biểu tình yếu đi."

Vì vậy, những người biểu tình ở Belarus đã thành lập một Hội đồng Cố vấn mới trong tuần này để "cung cấp cho những người biểu tình ngoài đường phố một kế hoạch và chương trình nghị sự rõ ràng," ông nói.

Tuy nhiên, bà Maria Kolesnikova - một trong bộ 3 nữ lãnh đạo phe đối lập, bao gồm ứng viên tổng thống Svetlana Tikhanovskaya - lập luận rằng các cuộc biểu tình hàng loạt trong tháng này ở Minsk diễn ra thành những cụm phi tập trung thông qua ứng dụng tin nhắn Telegram, cho thấy người Belarus có lẽ không cần một hệ thống phân cấp cho họ biết họ phải làm gì.

Và một cuộc biểu tình không có người lãnh đạo lại mang một ưu thế cho phe đối lập, bà nói: "Nó không thể bị chặt đầu."

Khủng hoảng chính trị ở Minsk: Kịch bản nào đối với Belarus? - Ảnh 1.

Người biểu tình tập trung ở Minsk để phản đối Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: AP.

Biểu tình có trật tự

Khi đám đông chưa từng có của 200.000 người diễu hành qua các đại lộ rộng rãi, sạch sẽ của Minsk vào hôm 23/8, họ đứng lại chờ đèn đỏ.

Ngược lại ở Ukraine, "những người biểu tình đốt lốp xe và ném bom xăng," Syarzhuk Chyslau, lãnh đạo tổ chức Quân đoàn Trắng Belarus cho biết.

Có thể lý do là bởi người Belarus không bị thúc đẩy bởi sự tức giận sâu sắc trước ảnh hưởng của Nga - điều đã thúc đẩy cho các cuộc nổi dậy ở Ukraine năm 2004 và 2014.

Trong khi Ukraine bị chia rẽ về mặt địa chính trị giữa các phe thân phương Tây và thân Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, thì người Belarus lại rất thân thiện với Moscow. Không có lá cờ Liên minh Châu Âu (EU) nào xuất hiện trong các cuộc biểu tình ở Minsk. VOA nhận định, có lẽ người Belarus chỉ muốn được tự do chọn ra người lãnh đạo của mình.

Pavel Latushko, người từng trung thành với Tổng thống Lukashenko hiện đang tham gia vào Hội đồng Cố vấn cho những người biểu tình, cho biết người Belarus trông đợi vào sự giúp đỡ từ cả Brussels và Moscow để giải quyết những căng thẳng hiện tại.

"Việc EU và Nga cùng đóng vai trò hòa giải trong việc giải quyết căng thẳng hiện tại sẽ rất tuyệt vời," ông Latushko nói với hãng tin AP.

Khủng hoảng chính trị ở Minsk: Kịch bản nào đối với Belarus? - Ảnh 2.

Biểu tình ở Ukraine 2014. Ảnh: Al Jazeera

Về phương diện kinh tế học

Các phong trào biểu tình ở Ukraine bao gồm những việc như xây dựng lều trại khổng lồ ở trung tâm Kiev, hoàn chỉnh với lực lượng an ninh và lực lượng vận chuyển thực phẩm, những người biểu tình ở Belarus không có điều này.

Nhà phân tích Alexander Klaskouski cho biết: "Không có tài phiệt nào ở Belarus bỏ tiền hỗ trợ các bữa ăn nóng, cơ sở y tế hay lều trại."

Không giống như nền kinh tế phần lớn được tư nhân hóa như ở Ukraine, 80% kinh tế của Belarus là do nhà nước quản lý và kinh tế nước này khá chậm phát triển. Chính vì thế việc những công nhân tại các nhà máy do nhà nước quản lý vẫn tham gia biểu tình lần này là điều đáng chú ý.

EU và Mỹ đều có lợi ích về kinh tế ở Ukraine trước cuộc nổi dậy năm 2014, nhưng chỉ có vai trò bên lề đối với Belarus khi kinh tế của nước này chủ yếu đóng cửa.

Vai trò của Moscow

Khủng hoảng chính trị ở Minsk: Kịch bản nào đối với Belarus? - Ảnh 3.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Belarus Lukashenko. Ảnh: DW

Khác biệt lớn nhất là ở sự tham gia của Nga khi đóng vai trò then chốt trong vấn đề của Belarus với vai trò là đối tác thương mại hàng đầu và đồng minh quân sự chính.

Cho đến nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rõ với Đức và Pháp rằng hãy tránh xa bất cứ sự can thiệp nào vào Belarus, nhưng không tiết lộ cách ông sẽ xử lý vấn đề với những người biểu tình ở Minsk hay với ông Lukashenko.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại