Khủng hoảng chính trị Maldives: Chuyện gì xảy ra nếu Ấn Độ động binh như 30 năm trước?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ lên Maldives sẽ quyết định cả chuyện nội chính Maldives, chứ không phải ngược lại.

Chính trường không ổn định

Tình trạng mất ổn định chính trị và tranh giành quyền lực trong nội bộ vốn đã dai dẳng từ khá lâu nay ở quần đảo Maldives.

Kể từ khi thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Anh và trở thành quốc gia độc lập từ năm 1965 đến nay, nơi được coi là một trong những thiên đường du lịch với hơn 1.000 đảo san hô này ít có những thời gian dài yên bình nội bộ.

Dân chủ ở nơi đây thật sự hay giả tạo là câu hỏi thật khó được trả lời ngọn ngành bởi ranh giới phân chia rất mong manh.

Chỉ biết rằng hiện tại, tổng thống đương nhiệm Abdulla Yameen, lên cầm quyền từ 2013, đã không chỉ bất chấp mà còn vô hiệu hoá cả toà án tối cao trong khi quốc hội hoàn toàn bị ông chi phối.

Chỉ biết rằng hiện tại, lại một lần các phe phái chính trị tranh giành quyền lực, xô đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng quyền lực chính trị nhà nước và an ninh xã hội mới.

Khủng hoảng chính trị Maldives: Chuyện gì xảy ra nếu Ấn Độ động binh như 30 năm trước? - Ảnh 1.

Tổng thống đương nhiệm của Maldives, ông Abdulla Yameen. Ảnh: Maldives Independent

Mức độ gay cấn và quyết liệt đã leo thang đến mức ông Yameen phải duy trì sự kiểm soát đất nước bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp và phe đối lập - đứng đầu là cựu tổng thống Mohamed Nasheed đang phải lưu vong ở nước ngoài - phải kêu gọi Ấn Độ can thiệp bằng quân sự để vãn hồi an ninh và ổn định chính trị xã hội.

Can thiệp của Ấn Độ

Năm 1988, Ấn Độ đã từng một lần triển khai quân đội ở quần đảo này để cứu tổng thống Maumoon Abdul Gayoom không bị lật đổ bởi đảo chính quân sự.

Hiện tại, Ấn Độ có một căn cứ hải quân ở Maldives.

Về phương diện kỹ thuật và hậu cần quân sự, việc triển khai quân đội vào Maldives chỉ là chuyện nhỏ đối với Ấn Độ, nhưng về chính trị và chiến lược lâu dài thì lại đầy rủi ro và rất mạo hiểm, về pháp lý quốc tế cũng không đơn giản.

Hơn nữa, lần trước không sao chứ lần này, mọi đối sách của Ấn Độ đều phải lưu ý đến các động thái của Trung Quốc.

Khủng hoảng chính trị Maldives: Chuyện gì xảy ra nếu Ấn Độ động binh như 30 năm trước? - Ảnh 2.

Ấn Độ triển khai quân đội năm 1988 để ngăn đảo chính quân sự ở Maldives. Ảnh: Simply Decoded

Kể từ khi ông Yameen lên cầm quyền ở Maldives, không thông qua bầu cử tổng thống dân chủ, quần đảo này lạnh nhạt dần với Ấn Độ và nồng ấm thêm với Trung Quốc.

Trong chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực Nam Á và hướng ra Ấn Độ Dương, quần đảo này chiếm vị trí rất quan trọng.

Giống như đã làm ở Bangladesh, Pakistan, Nepal và Sri Lanka, Trung Quốc thầm lặng nhưng rất hiệu quả cứ dần đẩy lùi ảnh hưởng của Ấn Độ ở Maldives.

Với cách thức thực hiện như ở những nơi kia, Trung Quốc dùng khả năng tài chính để quyến rũ và thu phục Maldives.

Báo chí trên thế giới đã đưa tin rằng hiện tại Trung Quốc đã thuê được 17 hòn đảo của Maldives cho thời gian 99 năm và chỉ thời gian rất ngắn thôi cũng đủ để Trung Quốc có được ngay những căn cứ quân sự trên đó.

Quần đảo này quan trọng đối với chương trình đầy tham vọng "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Nó có thể đóng vai trò rất quyết định đối với ý đồ chiến lược của Trung Quốc là ganh đua và rồi lấn lướt Ấn Độ ở ngay chính khu vực ảnh hưởng truyền thống và láng giềng của Ấn Độ.

Nhìn nhận như thế thì sẽ thấy việc Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến đến Ấn Độ Dương không có gì là khó hiểu.

Lần khủng hoảng này ở Maldives pha trộn cuộc tranh giành quyền lực nhà nước và những căng thẳng, bất an bất ổn trong nội bộ xã hội với cuộc chơi của Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực nói chung và ở đảo quốc Maldives nói riêng.

Mà xem ra, chuyện bên ngoài này còn quyết định cả chuyện bên trong chứ không phải ngược lại. Bên trong xem ra chỉ là những con cờ trong ván bài của bên ngoài.

Khủng hoảng chính trị Maldives: Chuyện gì xảy ra nếu Ấn Độ động binh như 30 năm trước? - Ảnh 3.

Tàu khu trục Yinchuan của hải quân Trung Quốc (Ảnh tư liệu: Reuters)

Maldives đang ở đâu giữa thế cờ "trong bất ổn, ngoài giằng co"

Hiện tại có 3 điều đáng được chú ý trong chuyện ở Maldives.

Thứ nhất, những biện pháp chính sách và cách thức cầm quyền của ông Yameen ở Maldives không thể đưa lại được an ninh chính trị và ổn định xã hội lâu bền cho quần đảo này.

Vấn đề quyền lực nhà nước phải được quyết định thông qua bầu cử thật sự dân chủ và tự do. Ông Yameen sẽ không tự nguyện chấp nhận bị thách thức quyền lực bởi bầu cử tổng thống mới nên tình trạng hiện tại ở Maldives chưa thể sớm đổi khác.

Thứ hai, Ấn Độ phải suy tính rất cặn kẽ trước khi quyết định can thiệp quân sự vào tình hình ở Maldives. Khác với lần năm 1988, chính phủ hiện tại ở Maldives không chính thức nhờ cậy quân đội Ấn Độ. Ấn Độ phải lưu ý Trung Quốc.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là đưa quân đội vào thì còn dễ chứ thoát ra khỏi sự can thiệp quân sự mà bảo toàn được mọi lợi ích thì rất khó, nếu như không nói là không khả thi đối với Ấn Độ.

Bởi thế, chắc Ấn Độ sẽ dùng kịch bản sẵn sàng can thiệp quân sự để gây áp lực tới chính quyền Maldives, thôi thúc khôi phục nền dân chủ ở đây và nhanh chóng tiến hành bầu cử tổng thống, quốc hội mới.

Khủng hoảng chính trị Maldives: Chuyện gì xảy ra nếu Ấn Độ động binh như 30 năm trước? - Ảnh 4.

Ấn Độ làm cho Trung Quốc thấy vẫn có vai trò quyết định ở Maldives và luôn kiểm soát được tình hình và kiềm chế để tránh xung đột trực tiếp với Trung Quốc ở khu vực này.

Thứ ba, Trung Quốc đưa hải quân đến Ấn Độ Dương rồi rút về nhằm hai mục đích là cảnh báo và răn đe Ấn Độ chớ có can thiệp quân sự, đồng thời hậu thuẫn, động viên ông Yameen và phe cánh, khích lệ họ duy trì quyền lực bằng mọi giá.

Trung Quốc cũng phải hết sức tránh đụng độ quân sự trực tiếp với Ấn Độ ở khu vực này.

Cho nên mới nói thực chất bi kịch của quần đảo này là không cân bằng được giữa các đối tác bên ngoài và cứ mải chơi ván cờ nhỏ trong canh bạc lớn của các đối tác bên ngoài.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại